12/01/2022 05:47 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Bất cứ nghề nào cũng vậy, chỉ yêu nghề, tôn trọng nghề thì người đó mới tồn tại bền vững. Câu chuyện 45 cầu thủ Lào sa ngã bị FIFA cấm thi đấu vĩnh viễn vì bán độ khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Bóng đá Lào nói riêng và Đông Nam Á nói chung trải qua quãng thời gian tồi tệ về vấn nạn dàn xếp tỷ số. Chỉ trong vòng 5 năm, nền bóng đá xứ sở Triệu voi liên tiếp nhận hung tin khi có đến 60 cầu thủ vướng vòng bán độ, bị FIFA cấm thi đấu suốt đời.
Thậm chí, không ít trong số đó là tuyển thủ quốc gia và tham gia dàn xếp ở các trận đấu thuộc giải quốc tế. Câu chuyện này cực sốc, nhất là trong bối cảnh, cả thế giới lên án, tìm cách và nói không với vấn nạn này.
Thực tế, các nền bóng đá trong khu vực có bước đi mạnh mẽ tuyên chiến với vấn nạn này bằng cách hợp tác với Sportradar để theo tìm, ngăn chặn các vấn đề liên quan đến bán độ.
Thế nhưng, tần suất phát hiện không hề giảm. Trước khi 45 cầu thủ Lào bị cấm thi đấu, cách đây 2 tháng, 5 cầu thủ Indonesia bị cấm vì vấn đề này. Giới thạo tin cho hay, một vài trận đấu ở AFF Cup 2020 cũng bị nghi ngờ có bàn tay ma nhúng vào. Rõ ràng, mọi sự tác động từ bên ngoài luôn là cạm bẫy với các cầu thủ. Sportrada có thể có nhiều cách thức để phát hiện, ngăn chặn song mấu chốt vẫn nằm ở ý thức con người.
Bóng đá Việt Nam từng trải qua quãng thời kỳ đen tối. Hàng loạt vụ bán độ bị lôi ra ánh sáng. Có người vướng vòng lao lý, không chỉ cầu thủ mà cả trọng tài, quan chức. Tất cả thành phần cấu thành nên bóng đá đều nhúng chàm.
Bài học quá đỗi đắt giá và khiến sự nghiệp của mọi người rẽ hướng. Từ việc có tương lai tươi sáng, nhiều người đánh mất chính mình. Từ việc sắp có tiền tỷ, là những triệu phú, họ mất sạch. Tất cả đều đứng dậy, làm lại từ đầu nhưng đều tặc lưỡi, giá như ngày đó chín chắn hơn, họ đã không rẽ hướng theo cách không mong muốn.
Thực tế, sự nghiệp cầu thủ không dài. Nếu may mắn, cầu thủ đó có thể thi đấu khoảng hơn 10 năm nhưng họ cũng có thể thi đấu một vài năm rồi chìm vào quên lãng vì nhiều lý do khác nhau.
Thế nhưng, nếu không yêu nghề, bị cám dỗ xô ngã, ắt hẳn, cái giá phải trả sẽ rất đắt. Không một ai có thể quên đi bài học nhãn tiền từ Bacolod 2005 hay vụ cầu thủ Ninh Bình, Đồng Nai bán độ. Nó không chỉ hủy hoại sự nghiệp cầu thủ mà còn phá tan cả nền bóng đá địa phương.
Dù bất cứ điều gì, để một nền bóng đá quốc gia mạnh, chúng ta phải có các nền bóng đá địa phương sạch. Đạo đức, ý thức nghề nghiệp quan trọng không kém vấn đề chuyên môn. Nó quyết định lớn đến sự thành bại của một con người..
Gia Bình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất