25/04/2025 13:30 GMT+7 | Bóng đá Việt
Tại V-League 2011, khi SLNA bị tố đã lên ngôi bằng lối chơi rắn quá mức cần thiết, thậm chí là nhuốm màu bạo lực, HLV trưởng đội bóng xứ Nghệ khi ấy, ông Nguyễn Hữu Thắng, đáp trả: "Bóng đá là cuộc chơi của những người đàn ông...".
Phát biểu này lần đầu xuất hiện sau trận đấu giữa SLNA và Đồng Tháp trên sân Cao Lãnh, với cơn mưa thẻ phạt, mà người phất cờ là đội trưởng Huy Hoàng. SLNA vẫn quyết theo đuổi triết lý của riêng mình, dù bạo lực bị cho là biểu hiện của kẻ yếu.
Người ta đã liên tưởng lối chơi của danh thủ Nguyễn Hữu Thắng thời còn thi đấu để áp vào SLNA mà tạo nên thuộc tính lối chơi được ông gọi là "dành cho những người đàn ông...". Có lý! Tuy nhiên, nếu lật lại lịch sử V-League vắt qua tuổi 25, và nhiều năm trước đó nữa, không một đội bóng nào chơi rắn và rát bằng SLNA, bất kể ngồi ghế HLV trưởng là ai. Không quyết liệt, mạnh mẽ, không phải "dân Choa" đá bóng.
Những năm 90 của thế kỷ trước, bóng đá nội thực có phần hơi... thiếu kiểm soát với bạo lực gần như tràn lan. Ngày nay, với luật chơi và các biện pháp kỷ luật được xiết rất mạnh, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ truyền hình, rồi VAR..., khiến vấn nạn bạo lực bớt đi rất nhiều. Chỉ là bớt, chứ không bao giờ biến mất, bởi bóng đá vốn nặng tính đối kháng, va chạm và đủ những hỉ, nộ, ái, ố...
Bóng đá là một (trong những) sản phẩm của xã hội, và của cả cộng đồng người. Chúng ta không thể chối bỏ điều đó, song cũng không đồng lõa và thỏa hiệp với những vấn đề mang tính mặt trái.
HAGL (trái) khiến một số CĐV chỉ trích vì vẫn không có danh hiệu mà bây giờ lại không còn chơi đẹp. Ảnh: Minh Hoàng
Thời gian qua, HAGL, CLB TP.HCM, thêm Hà Tĩnh..., bị nhìn nhận là các đội bóng có lối chơi thiếu tích cực, với bằng chứng là số lượng thẻ phạt kỷ lục, tiểu xảo, câu giờ... Để ý, đây đều không phải những CLB mạnh, được đánh giá cao, cả về tiềm lực tài chính, con người, đến lối chơi. Bóng đá đẹp lẽ nào không thể tồn tại?!
Lại nhắc, với đội trưởng Nguyễn Huy Hoàng (người thừa hưởng chiếc băng thủ quân từ đàn anh Hữu Thắng), chơi bóng kiểu "80 phút từ thắt lưng trở lên, 10 phút còn lại đầu gối đổ xuống", đội bóng nào gặp SLNA cũng phải e ngại dăm bảy phần. Xứ Nghệ mùa vô địch 2011 vẫn là đội bóng có lực, với phần lớn những tinh túy của lứa cầu thủ 8x vẫn ở đó hoặc vừa trở về.
Thế nên, không thể so sánh HAGL, TP.HCM hay Hà Tĩnh lúc này với SLNA thời cực thịnh. Các CLB yếu chiến đấu bằng tất cả những gì mình có, để mong một suất trụ hạng, khác với đội bóng có lực, mang trong mình dòng máu quân vương và đặt tham vọng đế vương. HAGL, TP.HCM và phần nào đó cả Hà Tĩnh, Hải Phòng... chính là chưa thể có cái khí phách như SLNA một thời vậy.
Người xem, đặc biệt là những người yêu mến HAGL lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn..., có lý do để trách móc Ban huấn luyện hiện tại làm hình ảnh đội bóng thân yêu của họ xấu đi. Người ta yêu HAGL, chính là vì sự trong trẻo, quyến rũ trong lối chơi và một tinh thần thể thao cao thượng của lứa cầu thủ này. Nay danh hiệu vẫn chưa thấy đâu, mà phong cách đá đẹp cũng biến mất, thế mới buồn!
Có thể thông cảm được cho người ngoại đạo, vì tình yêu mà sinh những đòi hỏi khắt khe, thậm chí thái quá. Tuy nhiên, với những người am hiểu bóng đá ít nhiều hoặc chuyên sâu, việc tổ chức một đội bóng và xây dựng lối chơi có mảng miếng, bản sắc là không đơn giản. Con người vẫn là yếu tố quyết định, kế đến mới là cơ chế, tài chính và tham vọng, có bột mới gột nên hồ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất