Bóng chuyền nữ Việt Nam và 1 năm kỳ tích

21/12/2023 05:40 GMT+7 | Thể thao

Bóng chuyền nữ Việt Nam đã gặt hái những thành công lớn trong năm 2023. Đó không chỉ là động lực, là bàn đạp để tiến lên mà còn là "kim chỉ nam" cho các cô gái thêm bước tiến trước thềm năm mới 2024.

Năm 2023 rực rỡ

Riêng trong năm 2023, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tham dự tổng cộng 9 giải đấu, một con số được xem là kỷ lục. Chính xác là đội đã tham dự tới 9 giải đấu chỉ trong khoảng hơn 7 tháng, các cô gái bóng chuyền Việt Nam đã đánh tới 9 giải, với khoảng đâu đó là trên dưới 40 trận.

Điều tuyệt vời là đội tuyển đã gặt hái rất nhiều "trái ngọt" trong 1 năm lịch sử này. Đầu tiên, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, thi đấu dưới tên gọi Sport Center 1, đã giành chức vô địch Cúp các CLB bóng chuyền nữ Châu Á 2023 sau khi đánh bại Diamond Food của Thái Lan 3-2 trong trận chung kết hồi đầu tháng 5/2023. Đây là chức vô địch châu lục ở cấp CLB đầu tiên trong lịch sử của bóng chuyền nữ Việt Nam.

Tiếp nữa, các học trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt lại giành HCB bóng chuyền nữ SEA Games 32. Vẫn chỉ là HCB, vẫn không thể vượt qua "chị đại" bóng chuyền nữ Đông Nam Á là Thái Lan nhưng đây là tấm HCB đặc biệt đáng nhớ trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam bởi lần đầu tiên chúng ta khiến tuyển Thái Lan gặp nhiều khó khăn đến thế trong lịch sử các cuộc đối đầu ở các trận chung kết bóng chuyền nữ ở SEA Games. 

Không dừng ở đó, không lâu sau SEA Games 32, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đánh bại Indonesia 3-2 ở chung kết AVC Challenge Cup 2023 (Cúp thách thức nữ châu Á) để cũng lần đầu tiên lên ngôi vô địch châu lục cấp ĐTQG. Chiến thắng lịch sử này giúp chúng ta giành vé tham dự FIVB Challenger Cup (Cúp thách thức nữ thế giới) và dĩ nhiên, đó cũng là lần đầu tiên tuyển bóng chuyền Việt Nam góp mặt ở một giải đấu tầm thế giới.

Những cột mốc lịch sử liên tiếp được Thanh Thúy, Kiều Trinh và đồng đội xác lập qua các giải đấu trong niềm vui vỡ òa và cả niềm tự hào của người hâm mộ bóng chuyền cả nước.

Nhưng câu chuyện thành công của bóng chuyền nữ Việt Nam năm 2023 không dừng ở đó. Sau trải nghiệm tuyệt vời ở FIVB Challenger Cup 2023, chúng ta tham dự giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á, xuất sắc đánh bại Hàn Quốc trên hành trình vào bán kết lần đầu tiên trong lịch sử và kết thúc giải đấu trong nhóm 4 đội mạnh nhất châu lục.

Đặc biệt, ở trận tranh hạng Ba, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam chỉ thua sát nút "chị đại" châu Á là Nhật Bản 2-3, hụt tấm vé dự World Cup trong tấc gang. Thành tích xuất sắc ở giải vô địch châu Á 2023 cũng giúp đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam nhảy liền 6 bậc lên hạng 40 thế giới.

Ngay sau giải vô địch châu lục, các cô gái lại tham dự Đại hội thể thao châu Á ASIAD 2023 và tiếp tục viết nên câu chuyện thành công mới khi vào đến bán kết và một lần nữa kết thúc trong Top 4 đội tuyển mạnh nhất châu lục. Đây cũng là thành tích tốt nhất của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trong lịch sử tham dự Á vận hội.

Bóng chuyền nữ Việt Nam và 1 năm kỳ tích - Ảnh 1.

Thanh Thúy (số 3) cùng các đồng đội đã làm nên 1 năm 2023 thành công rực rỡ cho bóng chuyền nữ Việt Nam. Ảnh: AVC

Có thể nói 2023 thực sự là năm thành công nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam trong lịch sử. Chúng ta xác lập nhiều cột mốc đáng nhớ, gặt hái những thành công vang dội. Những chiến thắng và các màn trình diễn ấn tượng của Thanh Thúy, Kiều Trinh và đồng đội không chỉ làm nức lòng người hâm mộ bóng chuyền cả nước mà còn giúp bóng chuyền nữ Việt Nam được biết đến nhiều hơn, "phủ sóng" rộng hơn, vượt khỏi tầm khu vực, vươn tới tầm châu lục và phần nào đó đã được biết đến trên bình diện thế giới.

Hướng đi nào cho năm mới 2024?

Rõ ràng, bóng chuyền nữ Việt Nam đã và đang tiến bộ không ngừng. Đó là thành quả của những chuyến thi đấu quốc tế và cọ xát liên tục. Nhờ những trải nghiệm quý giá này, các VĐV của chúng ta có thêm kinh nghiệm, có cơ hội hỏi hỏi nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trui rèn bản lĩnh, tâm lí thi đấu thêm dày dạn.

Nhưng "có bột mới gột nên hồ". Bóng chuyền nữ Việt Nam đang sở hữu dàn vận động viên khá chất lượng và đồng đều, trong đó Thanh Thúy đạt đẳng cấp châu lục. Tuy nhiên, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt có lí khi bày tỏ cảm giác tiếc nuối rằng nếu lứa vận động viên hiện tại của chúng ta được đầu tư sớm hơn, bàn bản hơn thì chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.

Hiện tại, nhiều ngôi sao trong đội bóng không còn trẻ như Trà Giang (31 tuổi),  Thanh Liên (30), Nguyễn Thị Trinh, Thanh Thúy (26), Lâm Oanh, Nguyệt Anh… (25 tuổi)... trong khi lứa kế cận chưa có nhiều gương mặt thực sự có tiềm năng và triển vọng để sẵn sàng tiếp bước các đàn chị.

Chiều cao của các VĐV bóng chuyền nữ Việt Nam đang ở tốp đầu châu lục, nhưng trình độ kỹ chiến thuật thuật của chúng ta vẫn còn khoảng cách đáng kể với những nền bóng chuyền hàng đầu châu Á hiện tại là Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

Việc đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sau hơn hai thập kỷ vẫn chưa thể đánh bại Thái Lan là lời nhắc nhở chúng ta rằng bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn cần phải được đầu tư phát triển, cần học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, cọ sát thêm rất nhiều với các đối thủ mạnh mới có hi vọng vươn tới tầm vóc hàng đầu châu lục trong tương lai.

Để làm được điều đó, trước hết chúng ta phải đào tạo được những VĐV chất lượng và có nhiều sân chơi chuyên nghiệp. Công tác đào tạo bóng chuyền nữ Việt Nam hiện nay vẫn trông vào một số đơn vị truyền thống, khó khăn về tài chính vẫn là vấn đề nan giải với phần lớn các CLB.

Muốn ĐTQG mạnh thì trước hết các CLB và giải đấu trong nước phải mạnh. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam có thể học tập mô hình, kinh nghiệm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khi tổ chức các đội dự tuyển trẻ nhằm tạo điều kiện cho các tài năng được rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm thông qua những đợt tập huấn, thi đấu quốc tế.

Thành công với vị trí thứ 4 tại giải vô địch châu Á và ASIAD  2023 là cơ hội để các nhà làm bóng chuyền nước nhà có một lộ trình phát triển bài bản, chuyên nghiệp cho ĐTQG cũng như các giải đấu trong nước. Chỉ có "xây nhà từ móng" khi tuyển chọn và ươm mầm thật nhiều các tài năng trẻ thì bóng chuyền nữ Việt Nam mới có thể tự tin hướng tới mục tiêu vươn tới tầm vóc hàng đầu châu lục.

"Bóng chuyền Việt Nam đang nỗ lực để hướng đến chuyên nghiệp hóa về tổ chức chuyên môn và chất lượng thi đấu. Môn thể thao có hệ thống chuyên nghiệp thì mới thành công". Phát biểu của Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường đã chỉ ra việc chúng ta cần làm nhằm nâng tầm và hướng đến thành công dài hạn của bóng chuyền nữ Việt Nam.

Thành công nào cũng đòi hỏi phải có thời gian và chúng ta không thể "đốt cháy giai đoạn" nhưng nếu chúng ta không hành động quyết liệt, đồng bộ ngay từ bây giờ thì thành công lâu dài không bao giờ đến.

Hi vọng, những thành tích tuyệt vời mà bóng chuyền nữ Việt Nam đạt được trong năm 2023 sẽ tạo động lực và trở thành bàn đạp chắp cánh cho chúng ta hướng đến năm 2024 với những kế hoạch và hướng đi cụ thể, nhằm chinh phục thành công bền vững trong tương lai. 

Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, ông Lê Trí Trường cho biết "Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã kiểm tra lịch hoạt động sơ bộ trong năm 2024 của bóng chuyền châu Á. Nếu không có gì thay đổi, các đội tuyển bóng chuyền nam, nữ (trong nhà) sẽ tham dự 3 giải quốc tế ở năm tới. Đây là các giải chúng ta từng góp mặt và trên hết để tiếp tục công tác trau dồi chuyên môn với đội tuyển quốc gia". Theo ông Trường, 3 giải quốc tế tập trung của năm 2024 sẽ là Cúp bóng chuyền châu Á, AVC Challenge Cup 2024 và SEA V.League 2024.

Khi đặt câu hỏi rằng Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam có hướng tới thuê chuyên gia nước ngoài cho các đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam ở tương lai hay không? Tổng thư ký Lê Trí Trường khẳng định trước mắt, các bộ phận chuyên môn của Liên đoàn, bộ môn bóng chuyền (Cục TDTT) tin tưởng từng ban huấn luyện do các HLV nội làm việc nên không có kế hoạch thuê chuyên gia.


Trọng Tuệ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm