Truyện tranh lịch sử 15+ ‘Long Thần Tướng’: Mạo hiểm, nhưng bắt buộc phải tiến bộ

26/10/2014 06:43 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) -Long Thần Tướng 2014 so với bản 2004 cùng tên hầu như đã “thay da đổi thịt”. “Bình” chưa cũ nhưng “rượu” rất mới, lạ. Vì thế, nhóm tác giả vừa tự tin vừa hồi hộp trước ngày ra mắt.

Như TT&VH đã thông tin ở số báo hôm qua, nhóm Phong Dương Comic gồm họa sĩ Thành Phong, họa sĩ Nguyễn Mỹ Anh và biên kịch Khánh Dương và cố vấn lịch sử Trần Quang Đức trò chuyện xung quanh bộ truyện tranh được mong đợi này.

330 triệu đồng và uy tín của Phong Dương

* Chính tôi cũng bất ngờ khi Long Thần Tướng kêu gọi gây quỹ cộng đồng được 330,5 triệu đồng, nhóm có cảm nghĩ gì?

- Khánh Dương: Trang web gây vốn cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam ig9.vn đã ngừng hoạt động sau 2 năm, với hơn 40 dự án lớn nhỏ chỉ thu về 269 triệu đồng. Còn Long Thần Tướng chạy hơn 2 tháng đã thu về 330,5 triệu đồng.

Nhưng thành công này nhờ uy tín của Thành Phong là chính, vì cậu ấy nổi tiếng (Thành Phong từng gây dư luận với sách tranh Sát thủ đầu mưng mủ).

- Thành Phong: Tôi không bất ngờ. Khi đưa ra cách làm này, tôi không chắc 100% thành công, nhưng tôi tin đó là cách làm của tương lai, của thời đại mới và hoàn toàn khả thi. Đó không chỉ là phép thử với chúng tôi mà còn dành cho công chúng Việt Nam, xem họ đã sẵn sàng bỏ tiền trước cho một tác phẩm mà họ biết rất ít về nó.

Có khoảng 500 độc giả đã góp tiền ủng hộ, trong đó có những người biết chúng tôi rất rõ và có những người chia sẻ là họ lần đầu nghe nói đến.


Nhóm Phong Dương Comic thực nghiệm trong quá trình sáng tác Long Thần Tướng

Đã chuẩn bị tinh thần đón phản ứng trái chiều

* Với những điểm mới lạ của truyện, các anh hình dung thế nào về phản ứng của độc giả?

- Thành Phong: 10 năm trước, khi sáng tác phiên bản năm 2004, tôi và Khánh Dương muốn đưa ra kiến giải lịch sử của riêng mình, nhưng cách thể hiện còn khá trẻ con. Bây giờ, chúng tôi hy vọng độc giả không giữ lại những ấn tượng với bản cũ để đưa ra so sánh với bản mới. Họ nên đọc bản mới như một tác phẩm khác hoàn toàn.

- Khánh Dương: Khi chúng tôi 18 tuổi, chúng tôi sáng tác với cảm hứng và cách tư duy của tuổi 18. Bây giờ già rồi, có vợ con rồi, vẫn tiếp tục được nhưng truyện không thể như ngày xưa, màu sắc tăm tối hơn và tính cách nhân vật phức tạp hơn, khó tiếp cận hơn phiên bản trước đây. Chẳng hạn, chúng tôi quyết định tạo hình nhân vật răng đen, dù mọi người có thể coi như vậy là xấu.

* Vẽ người Việt răng đen chính là điểm độc đáo của Long Thần Tướng, nhóm có thể giải thích thêm?

- Trần Quang Đức (cố vấn kịch bản và hình ảnh): Nhuộm răng đen là phong tục được duy trì bền vững của người Việt, đến đầu thế kỷ 20, tục này mới dần nhạt phai. Chẳng qua, xưa nay người ta không đưa nó vào phim ảnh. Còn chúng tôi muốn đem lại cho người đọc một cái nhìn chân thực nhất có thể về hình ảnh người Việt cách đây 600, 700 năm. Cần lưu ý, người Việt có câu nói: Răng trắng như răng Ngô (chỉ người Trung Quốc) hay Răng trắng như răng chó. Ghi chép của người Trung Quốc đến Việt Nam vào thời Trần, cũng xác nhận: nam nữ mặt trắng, răng đen.

Long Thần Tướng là truyện hư cấu, song về mặt hình ảnh, trang phục, đời sống thời Trần, chúng tôi cố gắng tối đa để đem lại cho bạn đọc một góc nhìn tiệm cận nhất.

* Với những nét mới về nội dung và hình thức truyện (TT&VH đã đề cập ở kỳ 1), nhóm có nghĩ tác phẩm sẽ gây tranh cãi?

- Khánh Dương: Chúng tôi cũng lo lắng. Nét vẽ của Phong đã thay đổi, vẽ theo kiểu ước lệ, dùng nhiều màu nước, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần trước là sẽ có một số độc giả không hài lòng. Có người sẽ nghĩ là Phong vẽ xấu đi, nhưng không phải như vậy, thực chất thay đổi đó là tích cực. Mạo hiểm, nhưng là sự tiến bộ bắt buộc.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm