26/05/2011 14:08 GMT+7 | V-League
(TT&VH) - Trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đang xuống dốc một cách chóng mặt, đến mức người ta phải sử dụng cụm từ “giới đầu tư tháo chạy”. Hôm qua, sau 10 phiên liên tiếp giảm điểm, chỉ số Vn-Index đã rời bỏ mốc 400 điểm để xuống còn 386,36 điểm và chắc chắn mức giảm này sẽ không phải là cuối cùng.
Ngược dòng trở lại thời kỳ đỉnh cao của chứng khoán cách đây khoảng 5 năm, không ai nghĩ rằng có một ngày nào đó chỉ số Vn-Index lại sa sút đến mức độ này, nhưng thật ra ngay từ thời kỳ “nhà nhà chơi chứng khoán, người người chơi chứng khoán” ấy, các chuyên gia tài chính đã nhìn thấy nguy cơ không nhỏ từ sự phát triển quá nhanh và quá nóng của Vn-Index, và kịch bản hiện tại chính là hệ quả.
Không chỉ chứng khoán, cơn sốt bất động sản, hay chính xác hơn là “bong bóng” bất động sản cũng bắt đầu có dấu hiệu “xì hơi”, và câu hỏi đặt ra ở đây là bao giờ sẽ đến lượt bóng đá, khi mà sự phát triển “như vũ bão” của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong một thập kỷ vừa qua chịu sự chi phối mạnh mẽ của yếu tố tiền bạc, và không ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu như các ông bầu lắm tiền nhiều của một ngày nào đó không còn hứng thú với bóng đá.
Rất hiếm CLB ở V-League có lực lượng cầu thủ “cây nhà lá vườn” dồi dào như SLNA |
ĐT.LA, một tượng đài của bóng đá Việt Nam thời kỳ chuyên nghiệp hoá, bây giờ đang thoi thóp ở đáy bảng xếp hạng V-League 2011 vì không được bơm doping tiền mạnh mẽ như ngày mới chập chững lên chuyên. Rồi 3 năm gần đây, số ứng viên vô địch có năng lực thực sự của V-League ngày càng ít đi, và từ mùa giải 2009 tới nay, danh tính nhà vô địch hầu hết đều đã lộ diện ngay khi mùa giải mới đi qua được già nửa chặng đường.
Điều đó cho thấy mặt trái của chính sách làm bóng đá bằng cách rải tiền để đạt được thành công nhanh nhất, bởi nếu đội bóng chỉ được xây dựng bằng cách gom tiền mua tinh binh từ các nơi thì giỏi lắm chỉ trụ được ở đỉnh cao một hai mùa bóng, sau đó sẽ lập tức tụt dốc không phanh vì hết động lực. Bởi thế, rất nhiều đại gia một thời của V-League như HA.GL hay B.BD dù không thiếu tiền và không tiếc tiền, nhưng thời kỳ hoàng kim cũng không thể kéo dài quá 2 năm vì cầu thủ không còn khát khao, và ông chủ cũng không còn bơm tiền cấp tập như thủa còn “hàn vi”.
Nhìn từ tình hình èo uột của chứng khoán và bất động sản hiện nay, có thể dự đoán cái ngày mà các ông chủ đội bóng thắt chặt hầu bao có lẽ cũng chẳng còn xa, bởi không phải ai đến với bóng đá cũng bằng tình yêu trái bóng chân thành, mà còn bởi nhiều nguyên nhân khác nữa, và khi bóng đá không còn mang lại cho họ những giá trị như mong muốn thì sẽ không có chuyện họ tiếp tục dốc tiền của để đầu tư.
“Sắt đá” như bầu Kiên của HN.ACB mà còn phải tăng cường thêm ngoại binh nhập tịch để nâng chất cho đội bóng, thì những ông chủ như bầu Đức (HA.GL) hay bầu Thắng (ĐT.LA) làm gì không biết cách để đưa CLB của mình trở lại những tháng ngày vinh quang như quá khứ? Tuy nhiên, có lẽ bóng đá bây giờ không còn giúp ích được nhiều cho sự nghiệp kinh doanh của các ông chủ này như ngày đầu, và bản thân họ cũng đã có đủ những danh hiệu quốc nội nên không còn thiết tha nữa mà chỉ duy trì để đội bóng tồn tại.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó các ông bầu hiện tại cũng không còn hào hứng nhiệt thành với bóng đá như bầu Đức, bầu Thắng hiện tại, và khi ấy V-League sẽ trôi về đâu? Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như kịch bản cuộc đua vô địch ngã ngũ sớm ở V-League và không có nhà quán quân nào giữ ngôi quá 2 năm cứ lặp lại mùa này qua mùa khác ở V-League, mà nguyên nhân thì có lẽ cũng như chứng khoán và bất động sản mà thôi.
Hoàng Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất