01/07/2021 07:50 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Đã có rất nhiều lo lắng hơi… thừa, khi "đội tuyển Việt Nam sẽ phải đối đầu với các đội bóng mạnh hơn cả UAE", ở Vòng đấu loại thứ 3, FIFA World Cup 2022. Đó là sự thật hiển nhiên và người ta lo cho thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ phải ôm cả rổ bàn thua mang về. Mọi chuyện sẽ trở nên rõ ràng hơn sau lễ bốc thăm diễn ra ở Kuala Lumpur đầu giờ chiều nay (1/7).
Đây là nấc thang cao nhất trong lịch sử nền bóng đá từng vươn tới tại các chiến dịch Vòng loại FIFA World Cup. Và thay vì lo lắng, sợ sệt, sao không biến thách thức thành cơ hội trải nghiệm và tận hưởng nó? Bóng đá là không cầu bại.
Bảng nào cũng là "tử thần"
Tại chiến dịch Vòng loại thứ 2, với 2 chiến thắng trước Indonesia và Malaysia, cùng thất bại 2 - 3 trước UAE, đội tuyển Việt Nam không cải thiện được thứ hạng trên FIFA Ranking, với chỉ chưa đầy 3 điểm cộng. Và theo phân nhóm, chúng ta nằm ở nhóm 6, cùng với Lebanon, tức là nhóm thấp nhất theo cách tính điểm của FIFA. Song ngay cả nếu thắng hay hòa UAE ở lượt trận cuối, và được xếp vào nhóm cao hơn, thì với Việt Nam, bảng nào cũng là "tử thần" cả.
Nhật Bản và Iran thuộc nhóm hạt giống 1, đương nhiên rồi, dựa trên thứ hạng cao trên FIFA Ranking, cùng năng lực của 2 đội bóng này tại sân chơi FIFA World Cup. Xếp tiếp theo ở nhóm 2 là Hàn Quốc và Australia, sau nữa là Saudi Arabia và Iraq, rồi mới đến UAE với Trung Quốc; Oman cùng nhóm hạt giống với Syria ở vị trí thứ 5 và 6. Trên FIFA Ranking tháng 6/2021, Việt Nam đứng vị trí thứ 92, cao hơn Lebanon 1 bậc và đây cũng là nhóm hạt giống số 6.
Lịch sử đối đầu và thành tích trong quá khứ, các ĐTQG Việt Nam thường có kết quả không mấy lạc quan khi gặp Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngược lại, chúng ta chơi không tệ trước các nền bóng đá Tây Á và Trung Đông. Nên một phân tích được đưa ra là, nếu Việt Nam rơi vào bảng theo thứ tự là Iran, Australia, Iraq, UAE (hoặc Trung Quốc), Oman (hay Syria) sẽ dễ đá hơn rất nhiều. Với thể thức thi đấu sân nhà và sân đối phương, Việt Nam có cơ may chiến thắng một đôi trận.
Là nói vui vậy thôi, chứ nhất tề chúng ta đã vừa chứng kiến sự thua thiệt trước UAE ở lượt trận cuối Vòng loại thứ 2 rồi. Mà UAE chỉ được xếp vào hạng trung bình khá trong 10 nền bóng đá cao nhất châu Á. Việc Uzbekistan không lọt vào đến Vòng đấu loại cuối cùng FIFA World Cup 2022 và chủ nhà Qatar (ĐKVĐ châu Á) sớm dành vé, đã loại đi ít nhất 2 đối thủ mạnh ở lượt đấu này. HLV Park Hang Seo và các học trò của ông đều xác định, đây sẽ là những trận đấu rất khó khăn.
Hãy tận hưởng những ngày vui
Tại AFC Asian Cup 2019, đội tuyển Việt Nam đã dừng bước ở tứ kết, sau khi thua sát nút 0 - 1 trước đội bóng giành ngôi á quân giải năm đó là Nhật Bản. Trước đó, tuyển Olympic Việt Nam cũng để thua Hàn Quốc tại bán kết ASIAD 18. Hơn 10 năm trước, VCK Asian Cup 2007, đội bóng của cố HLV Alfred Riedl để thua Iraq 0 - 2 cũng tại tứ kết. Iraq đã đi một mạch đến chức vô địch giải đấu khi ấy được tổ chức tại 4 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Nhắc lại để thấy rằng, chúng ta không phải không có những kỷ niệm đẹp khi đối đầu với các nền bóng đá mạnh nhất châu lục. Nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và thể thức thi đấu sân nhà/sân đối phương được đảm bảo, nó không những là dịp may cho thầy trò HLV Park Hang Seo mà cả người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng các ngôi sao hàng đầu của làng túc cầu Á châu thi thố. Ngay cả Nhật Bản và Hàn Quốc thì càng tốt chứ sao?
Kể từ năm 2016, với VCK giải U19 châu Á, bóng đá trẻ Việt Nam đã từng được tận hưởng các bầu không khí lễ hội và với việc lọt vào bán kết giải năm đó, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn thậm chí đã giành vé dự FIFA U20 World Cup 2017 trên đất Hàn Quốc. Thêm ký ức đẹp ở Thường Châu 1/2018, ASIAD 18 và đương nhiên cả AFC Asian Cup 2019, cũng như các trận đấu ở Vòng lại thứ 2 FIFA World Cup 2022 vừa rồi, cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của bóng đá Việt Nam.
Dưới thời HLV Park Hang Seo, các đối thủ mạnh nhất của Việt Nam đã phải dành cho chúng ta sự tôn trọng, thậm chí là ngưỡng mộ và ngược lại. Vậy tại sao không thể tận hưởng những ngay vùi, mà phải lo lắng thừa thãi. Nên nhớ, chỉ có đối thủ mạnh hơn mới giúp chúng ta tiến bộ hơn và phát triển hơn, thay vì thứ tâm lý tự phụ, tự mãn khi đã leo lên đỉnh Đông Nam Á. Không một nền bóng đá Đông Nam Á nào ngoài Việt Nam được tận hưởng những dịp may như thế này.
Năm 2007, khi đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên lọt vào đến tứ kết giải vô địch châu Á kể từ sau hội nhập trở lại, cố HLV Alfred Riedl khi ấy đã phát biểu rất bình thản rằng, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Bóng đá Việt Nam khi ấy vừa phải trải qua đợt "binh biến" lớn bậc nhất trong lịch sử, với gần 10 cầu thủ tốt nhất phải xộ khám. Và ông Riedl đã đúng, khi chỉ 1 năm sau, đội tuyển Việt Nam đánh chiếm thành công ngôi vương Đông Nam Á. Với Park Hang Seo và thế hệ của Công Phượng, Quang Hải cũng vậy, sau những thành tích ấn tượng thời gian qua, đây là lúc họ khẳng định năng lực chinh phục tầm cao, khi sự nghiệp đang vào độ chín mùi. Tiến lên nào các chàng trai của ông Park! |
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất