TP HCM giữa những ngày giãn cách: Đồng lòng vì tương lai bình thường mới

28/07/2021 14:54 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Có thể nói, đi đến quyết định áp dụng Chỉ thị 16 là một quyết định vô cùng khó khăn của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và của cả Chính phủ. Và với người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất khó khăn khi trước đó đã trải qua các đợt giãn cách xã hội. Thế nhưng cùng chung mong muốn sớm đưa thành phố trở lại cuộc sống bình thường, tất cả đều đồng lòng, chung sức đoàn kết vượt qua khó khăn.

TP HCM giữa những ngày giãn cách: Nâng cao năng lực điều trị Covid-19

TP HCM giữa những ngày giãn cách: Nâng cao năng lực điều trị Covid-19

Trước diễn biến vô cùng phức tạp của dịch COVID-19, số ca mắc tăng cao ở làn sóng dịch lần thứ 4, từ ngày 27/4 đến sáng 26/7, thành phố có hơn 62.100 ca mắc đã được Bộ Y tế công bố.

Cùng chung mục tiêu đẩy lùi dịch

Bà Phạm Thị Thanh, chủ một quán ăn lớn trên đường Hoàng Việt (quận Tân Bình) cho biết, khi chuyển sang bán cho khách mang về do Thành phố áp dụng Chỉ thị 10, nguồn thu nhập cửa hàng giảm hẳn nhưng cũng đủ để trang trải tiền thuê mặt bằng. "Nay đóng cửa theo Chỉ thị 16 thì không còn nguồn thu nào nhưng mình vẫn vui vẻ chấp hành. Thứ nhất vì đó là là yêu cầu của Thành phố, thứ hai thà chịu cực một thời gian để hết dịch rồi quay lại buôn bán bình thường còn hơn cứ nơm nớp lo dịch", bà Phạm Thị Thanh hào sảng cho hay.

Đại đa số người dân Thành phố cùng có tâm trạng như bà Thanh và biến ý thức chấp hành trở thành những việc làm cụ thể, trong đó đặc biệt là những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người yếu thế trong những ngày Thành phố căng mình chống dịch. Hàng loạt những mô hình hỗ trợ người dân vùng dịch, người chịu ảnh hưởng do dịch đã được chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, tôn giáo, người hảo tâm triển khai hiệu quả tại Thành phố. Từ những "Siêu thị 0 đồng", tái thiết lập các cây ATM gạo, đến phiên chợ lưu động, chương trình đi chợ hộ người dân hay những bữa ăn tình nghĩa gửi đến khu cách ly, phong tỏa, các bệnh viện dã chiến…

Dịch Covid hôm nay, Số ca mắc Covid 19 hôm nay, Covid TP HCM, Covid sài gòn, covid hôm nay, covid 19 hôm nay, số ca nhiễm covid hôm nay, Tiêm vaccine COVID-19, Covid-19
Hàng hóa được giao đến khu vực phong tỏa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Tinh thần đồng lòng, chung sức cùng nhau vượt qua đại dịch đã được các tầng lớp nhân dân, các giới, các tôn giáo của Thành phố ủng hộ nhiệt tình. Các cơ sở tự viện Phật giáo, Công giáo đều có các hoạt động hỗ trợ người dân như cung cấp thực phẩm, tặng quà, nấu cơm từ thiện…Trong đó, chỉ riêng 3 chùa Vĩnh Nghiêm, Từ Nguyên, Giác Ngộ mỗi ngày nấu và cung cấp hơn 32.500 suất ăn và hàng chục tấn gạo, rau, củ, thực phẩm đến các bệnh viện, khu cách ly, phong tỏa và những người dân nghèo. Những ngày cao điểm chống dịch tại Thành phố, hơn 700 tình nguyện viên các tôn giáo đã xuất quân, tham gia các hoạt động tại tuyến đầu như khu cách ly, thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19…

Bày tỏ sự ủng hộ các giải pháp của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Đại đức Thích Tâm Hải, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dịch COVID-19 tại Thành phố có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, vì thế mong muốn lớn nhất hiện nay của nhân dân là Thành phố sớm trở lại cuộc sống bình thường.Vì vậy, người dân nói chung, Tăng ni, phật tử tại Thành phố nói riêng rất đồng tình, ủng hộ và tuân thủ nghiêm chỉnh các chỉ đạo, biện pháp phòng dịch mà Thành phố đề ra.

Cùng chung tay với người dân Thành phố, rất nhiều nghệ sỹ đã lên đường giúp đỡ người dân, tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Các ca sỹ Phương Thanh, Nguyễn Phi Hùng, Quốc Đại, MC Quỳnh Hoa, saxophone Trần Mạnh Tuấn...đã tổ chức biểu diễn cổ vũ lực lượng y tế, bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến số 6, 7, 8, Củ Chi. Diễn viên Thái Thanh Tùng, ca sỹ Đăng Nguyên cùng rất nhiều nghệ sỹ khác tham gia trực tiếp công tác phòng, chống dịch tại các địa phương hay phục vụ tại tuyến đầu chống dịch ở các bệnh viện, trung tâm cách ly y tế.

Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ cho rằng, mỗi ngành nghề đều phải gánh chịu tác động không mong muốn của dịch COVID-19. Tuy nhiên, trước khó khăn chung của Thành phố, bên cạnh việc tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều nghệ sĩ còn tích cực ủng hộ kinh phí và nguồn hàng hóa, vật dụng như đồ bảo hộ, găng tay y tế, tấm chắn giọt bắn, thực phẩm, nước uống cho các địa điểm bị phong tỏa hay những người lao động nghèo với mong muốn đóng góp một phần công sức cùng Thành phố vượt qua dịch bệnh và lan tỏa tinh thần lạc quan đến cộng đồng.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo phường 15, quận Gò Vấp trao tiền chi hỗ trợ cho người lao động tự do theo Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân thành phố. Ảnh: TTXVN phát

Chăm lo kịp thời những trường hợp khó khăn

Thấu hiểu nỗi khó khăn của doanh nghiệp, người dân trong đại dịch, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh đã có Nghị quyết hỗ trợ người nghèo, người chịu tác động từ COVID-19 với gói tài chính trị giá 886 tỷ đồng. Rất nhanh chóng chính quyền Thành phố đã tập trung rà soát, lập danh sách các đối tượng được hưởng theo Nghị quyết này để kịp thời giải ngân đến tận tay người thụ thưởng ngay trong những ngày giãn cách xã hội.

Chỉ sau hơn nửa tháng thực hiện chủ trương giàu tính nhân văn này, đến nay, Thành phố đã giải ngân 495 tỷ đồng và quyết tâm chi trả nhanh nhất để mỗi người được nhận 50.000 đồng/ngày. Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, đây được xem là quyết tâm thắng lợi quan trọng của các cấp ngành trong cuộc chiến chống đại dịch lần này; đưa chính sách kịp thời đến với người nghèo, người lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Để gói hỗ trợ đến đúng lúc, kịp thời, nhiều cán bộ các quận, huyện, phường, xã đã đội nắng, dầm mưa, làm công việc chi hỗ trợ cho người dân đến tận 9 – 10 giờ đêm và cả những ngày cuối tuần. Nhiều cán bộ cơ sở, địa phương tìm đủ mọi cách để liên lạc các hộ, đối tượng thuộc diện được hỗ trợ trong khu vực phong tỏa để chi tiền hỗ trợ nhanh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức đoàn thể đã tích cực vận động các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành phố trong cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chung tay cùng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho người dân nghèo, khó khăn trên địa bàn Thành phố. Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tiếp nhận hơn 1829 tỷ đồng; trong đó, đã phân phối tiền và hàng hóa, trang thiết bị trị giá 1675 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động vận động các mạnh thường quân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp chăm lo cho các đối tượng khó khăn với tổng kinh phí trên 235 tỷ đồng.

Dù đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh nhưng với sự đoàn kết "Chung một tấm lòng" và tinh thần "Chống dịch như chống giặc" và sự động viên, ủng hộ quý báu của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, nhân dân các tỉnh thành hướng về thành phố mang tên Bác, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm sức mạnh, động lực vững vàng và tự tin chiến thắng đại dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chia sẻ về những hành động hết sức trân quý này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã nói: Điều tạo nhiều cảm xúc xã hội những ngày qua là bên cạnh hỗ trợ từ chính quyền thành phố, hàng ngày hàng triệu bữa cơm từ các bếp ăn từ thiện, hàng tấn lương thực từ khắp nơi chở về…tiếp sức cho người dân thành phố. Chúng tôi vô cùng biết ơn về tinh thần tương thân tương ái của đồng bào thành phố. Sự đồng lòng chia sẻ của đồng bào gần xa đã giúp giảm nhẹ gánh nặng cho bà con thành phố trong những ngày gian nan vừa qua.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Nên đã gửi lời cám ơn đến các tổ chức tôn giáo, nhân sỹ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng thành phố, hỗ trợ trang thiết bị y tế, tình nguyện tham gia tuyến đầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19.

(Bài 4: Những tấm lòng thơm thảo vì thành phố mang tên Bác)

Xuân Khu – Anh Tuấn/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm