Bộ trưởng GD&ĐT: Rút - nộp hồ sơ gây lo lắng, nhưng đó là sự lo lắng cần thiết

16/08/2015 21:10 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua được đánh giá cao vì tổ chức gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh cũng như phụ huynh. Tuy nhiên xung quanh việc tổ chức kỳ thi vẫn còn nhiều băn khoăn của dư luận.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trả lời những thắc mắc này trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam và một số cơ quan ngôn luận khác vào ngày 16/8.

Tạo mọi điều kiện cho thí sinh tỉnh xa

Trước những băn khoăn về việc thí sinh tỉnh xa chịu thiệt thòi trong quá trình “rút, nộp” hồ sơ đăng ký xét tuyển, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, so với học sinh thành phố, học sinh vùng sâu vùng xa chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận thông tin cũng như giao thông đi lại. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai một loạt những biện pháp cụ thể như chỉ đạo báo Giáo dục và Thời đại và một số phương tiện truyền thông khác liên tục cập nhật thông tin xét tuyển.


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói chuyện với phụ huynh đưa con đi thi tại điểm trường ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Lan Anh - TTXVN

Biện pháp thứ hai là cập nhật phần mềm để các học sinh có thể thay đổi nguyện vọng của mình tại các trường phổ thông nơi các học sinh học và tại các Sở Giáo dục Đào tạo địa phương.

Ở các sở giáo dục cũng như địa phương, Bộ cũng đã chỉ đạo các thầy cô giáo mở mạng cập nhật thông tin tuyển sinh thường xuyên, hướng dẫn tư vấn cho các chọ sinh. Hiện nay, công tác vận hành phần mềm đang thực hiện khá tốt, trong tầm kiểm soát.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới tổ chức đánh giá tổng kết năm học với sự tham gia của giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo. Việc tổ chức thi cử có nét tốt, đơn giản nhẹ nhàng tiết kiệm hơn, nghiêm túc hơn và độ tin cậy cao hơn.

Tuy nhiên, xã hội còn băn khoăn lo lắng về công tác xét tuyển. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục xử lý và theo dõi tình hình; động viên các thầy cô giáo tiếp tục khắc phục khó khăn, nhận phần khó khăn về mình để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các học sinh có đủ thông tin để cân nhắc, lựa chọn cho quyết định quan trọng đầu đời. Tuy nhiên, do đây là năm đầu tiên thực hiện đổi mới nên vẫn còn nhiều thiếu sót, Bộ sẽ chờ đánh giá của xã hội rồi rút kinh nghiệm để bổ sung hoàn thiện các giải pháp cho kỳ thi trong những năm tới.

Đổi mới tuyển sinh để đảm bảo công bằng cho thí sinh

Về những băn khoăn khi công tác tuyển sinh gây lo lắng cho cả phụ huynh và học sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: Cách đây vài chục năm, việc thi khối nào, vào trường đại học nào đều do hội đồng tuyển sinh quyết định. Sau này, vào thời kỳ đổi mới, học sinh đã được quyền lựa chọn khối thi và trường đăng ký dự thi. Để lựa chọn thì học sinh phải tính toán xem mình nổi trội về khối A, B hay C, thi vào Đại học Bách khoa, Xây dựng hay Sư Phạm... Đó là một bước lo nhưng là sự tiến bộ.

Tuy nhiên, những cách tuyển sinh trước đây qua nhiều năm đều được dư luận xã hội đánh giá còn thiếu thông tin, cả về phía học sinh và nhà trường nên nhiều học sinh đạt điểm cao thì trượt trong khi nhiều học sinh có điểm thấp lại đỗ. Điều đó gây ra tình trạng không công bằng với học sinh cũng như các trường khi không tuyển hết học sinh giỏi.

Tiếp nhận băn khoăn của xã hội và với sự phát triển của công nghệ thông tin, quán triệt tinh thần nghị quyết 29 là mọi hoạt động hướng về sự phát triển hình thành năng lực của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh có khả năng quyết định, giải quyết những vấn đề của mình, Ngành giáo dục đã cho công bố không chỉ kết quả thi và tập hợp kết quả các khối thi, cập nhật tình hình hồ sơ các học sinh đăng ký vào các trường, để các học sinh thường xuyên biết mình ở top nào, mức độ nào.

Nếu trước đây các học sinh lo lắng nhưng không có biện pháp nào, chỉ dựa vào sự đăng ký lúc đầu phần nhiều may rủi. Hiện nay học sinh lo lắng nhưng có thể tính toán, cân nhắc để có thể lựa chọn phù hợp tình hình chung và vừa sức. Đó là lo lắng cần thiết để các học sinh có kết quả xứng đáng với công sức và thành quả của mình, phù hợp với năng lực chung.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã gửi lời thăm hỏi, động viên tới giáo viên, học sinh những địa phương vừa chịu ảnh hưởng của thiên tai; chúc các thầy, cô giáo, học sinh sinh viên cả nước và các cơ sở giáo dục tiếp tục có thành tích to lớn hơn nữa. Bộ trưởng cũng thay mặt ngành giáo dục gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhân dân cả nước, các cấp ủy, chính quyền đã hỗ trợ ngành giáo dục triển khai kỳ thi trung học phổ thông cũng như hoàn thành kế hoạch năm học 2014-2015.

Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm