29/03/2012 10:57 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - “Việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân gồm cả ô tô và xe máy, thu phí vào trung tâm thành phố giờ cao điểm ở Việt Nam nếu là nhằm mục đích giảm ách tắc giao thông đô thị là thiếu khoa học và không khả thi, góp thêm bức xúc cho người dân”.
PGS-TS Nguyễn Văn Thụ - Nguyên Viện trưởng Viện GTVT nhìn nhận xung quanh việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân mà Bộ GTVT vừa đề xuất.
Giảm được ùn tắc là điều không tưởng
Theo ông Thụ, việc mỗi năm phải bỏ số tiền từ 20 triệu đến 50 triệu và 500 nghìn đến 1 triệu cho việc sử dụng xe ô tô, xe máy cá nhân là quá lớn và gây “sốc” cho nhiều người. Bởi hiện nay, thu nhập của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới còn thấp. Hơn nữa nhu cầu đi lại là nhu cầu tất yếu, khách quan dù mức phí có cao thì người dân vẫn bắt buộc phải ra đường. Mục tiêu giảm được ùn tắc là khó có thể đạt được và là “không tưởng” trong tình hình giao thông hỗn loạn như hiện nay. Mặt khác, việc ùn tắc giao thông đô thị còn có cả sự góp phần của người dân ở trung tâm thành phố đi ra ngoài thành phố, vậy nếu chỉ tính phí lưu hành nội đô là không công bằng.
Ông Thụ phân tích, sở dĩ nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công việc thu phí là bởi họ có hệ thống vận tải hành khách công cộng phát triển ở trình độ cao. Người dân lựa chọn đi bằng phương tiện nào là tùy thuộc vào từng chuyến đi cụ thể, thậm chí đi bằng xe công cộng còn rẻ hơn và thuận tiện hơn nên họ làm được. Còn ở Việt Nam hệ thống vận tải công cộng chưa hoàn thiện và chưa thỏa mãn nhu cầu nên việc thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân hiện nay là không có tính khả thi.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN) cho rằng: Hiện nay, quá nhiều các khoản thuế và phí này đã đủ sức để hạn chế sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân rồi. Nếu cộng thêm mức thu phí lưu hành như trên là quá cao. Vì thế Bộ GTVT nên tính toán một biện pháp khác phù hợp.
Đối với việc thu phí vào nội đô giờ cao điểm, ông Hùng cho rằng: “Tôi đồng ý với đề xuất này. Tuy nhiên đây là vấn đề rất phức tạp và cần có một đề án nghiên cứu cụ thể, tỉ mỉ. Giao thông Hà Nội và TP.HCM là giao thông theo kiểu bàn cờ, phải khảo sát xem trạm thu phí ở đâu để có thể hạn chế xe vào trung tâm. Hơn nữa phải kết hợp việc dùng thẻ từ và phương pháp thu phí thủ công để tránh ùn tắc. Chúng tôi đề nghị không thu cả ngày như TP.HCM dự kiến, điều này không chuẩn xác và đúng với ý của Bộ GTVT. Một ngày chỉ được chọn giờ cao điểm để thu phí”.
Thu phí cao liệu có làm giảm ùn tắc giao thông?
Cần rạch ròi khái niệm: Xe cá nhân
Ông Thế Anh - Phó giám đốc điều hành Công ty TNHH vận tải Hoàng Long cho rằng, cần phải có sự rạch ròi trong khái niệm phân định xe cá nhân. Nếu quy kết xe 9 chỗ trở xuống là phương tiện cá nhân là không đúng. Bởi các loại xe này phục vụ nhu cầu đi lại công cộng và không thể đánh đồng. Xe cá nhân chỉ là xe phục vụ nhu cầu của một cá nhân hoặc một gia đình riêng, còn khi nó là phương tiện vận chuyển hành khách thì cần coi đó là phương tiện vận tải công cộng.
Hiện tại, doanh nghiệp vận tải Long Hải có khoảng 200 đầu xe... Nếu mức phí trên được áp dụng thì mỗi năm doanh nghiệp này phải bỏ khoảng gần 10 tỷ đồng tiền thuế. “Thời gian qua, giá xăng lên cao cộng thêm rất nhiều chi phí phải chi trả, việc bỏ phí quá lớn như thế không khác nào “giết chết” doanh nghiệp. Hơn nữa việc cào bằng tất các loại xe cũng chưa hợp lý, không thể xe đi ít cũng phải trả số tiền bằng xe thường xuyên phải lưu hành trên đường được. Trong trường hợp, mức phí trên được áp dụng thì doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tăng giá xe để bù lỗ, cuối cùng người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân”.
Phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, có nhiều giải pháp hay hơn việc thu phí trên đầu phương tiện, chúng ta có thể học tập giải pháp đấu thầu xe như Singapo đã làm. Hàng năm họ công bố chỉ tiêu tăng số xe. Ví dụ, Thủ đô Hà Nội năm 2009 được tăng 1.000 xe, muốn có 1.000 xe thì tổ chức đấu thầu, anh nào trả tiền cao hơn anh ấy có quyền mua một chiếc ô tô. Hay ở Trung Quốc, chỉ cho phép mỗi hãng taxi là 100 xe, nếu hỏng có quyền bổ sung để đủ 100 chiếc nhưng không được tự động tăng thêm 100 hay 200 chiếc xe nữa.
Việc hạn chế xe cá nhân là điều cần thiết tuy nhiên không nên “động đến túi tiền” và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng (Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội): “Đề xuất thu phí của Bộ GTVT phải tuân thủ đúng pháp lệnh của Nhà nước. Tuy nhiên trong danh mục ban hành kèm theo phí và lệ phí năm 2001 thì không có bất cứ loại phí nào mà Bộ GTVT vừa đề xuất. Cứ cho là hai loại phí trên là “hợp lý” thì cũng phải trải qua một lộ trình tỉ mỉ và cụ thể. Nghĩa là hai loại phí này phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận và đưa vào danh mục phí và lệ phí thì Bộ GTVT mới có quyền thu phí của người dân.
Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001, tại Điều 2, giải thích: Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này.
Trong trường hợp Bộ GTVT cho rằng, người nộp phí sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn thông qua việc lưu thông trên đường thông thoáng, tiết kiệm thời gian, giảm nhiên liệu tiêu hao... thì cũng phải đưa ra được những con số cụ thể. Ví dụ, bao giờ thì người dân được hưởng lợi đường tốt hơn và những tuyến đường nào sẽ được nâng cấp, sửa sang. Nếu không làm được thì phải trách nhiệm ra sao?”
Hà Trang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất