Cổ phiếu thưởng và thuế thu nhập cá nhân

14/12/2008 13:21 GMT+7 | Thế giới

Nhiều nhà đầu tư trên sàn chứng khoán đang băn khoăn không biết cổ phiếu thưởng có phải đóng thuế thu nhập hay không

Cả một thời gian dài, không mấy ai quan tâm tới chuyện chữ nghĩa của từ “cổ phiếu thưởng”. Nay do có Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với diện thu khá rộng, một câu hỏi nảy sinh: “Cổ phiếu thưởng” có phải là đối tượng chịu thuế? Câu trả lời có sự khác nhau, mà nguyên nhân là do nghĩa của “cổ phiếu thưởng” được hiểu khác nhau.

1. Cổ phiếu thưởng đúng nghĩa chỉ bao gồm những cổ phiếu được công ty dùng để thưởng cho những người có công với công ty hoặc, nếu mở rộng hơn, cho những người công ty muốn thu hút. Giá trị những cổ phiếu như vậy trở thành thu nhập cá nhân của người được tặng thưởng, trong thu nhập từ tiền công hoặc từ quà tặng, thuộc đối tượng chịu thuế TNCN.

2. Loại cổ phiếu phát không thứ hai là những cổ phiếu được phát cho cổ đông như một hình thức trả cổ tức. Xét theo nội dung kinh tế, cổ tức thuộc thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn. Theo Luật Thuế TNCN, từ năm 2009, cổ tức thuộc diện thu nhập chịu thuế, thuế suất toàn phần 5%.

Nếu toàn bộ cổ tức trả bằng tiền, việc thu thuế rất đơn giản: công ty sẽ khấu trừ số thuế phải nộp vào số cổ tức phải trả cho mỗi cổ đông theo những quy định nêu trên.

Vấn đề trở nên phức tạp, nếu cổ tức có phần trả bằng cổ phiếu. Thí dụ: cổ tức năm 2009 của công ty X được xác định là 2.000 đồng/cổ phiếu, trong đó trả bằng tiền là 1.000 đồng/cổ phiếu, số còn lại trả bằng cổ phiếu. Như vậy người có 10 cổ phiếu được trả cổ tức bằng tiền mặt là 10.000 đồng (1.000 đồng x 10) và một cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng. Trong trường hợp này, thuế TNCN tính và thu thế nào?

Có thể có hai quan điểm xử lý:

a) Cổ tức thuộc thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn, nếu cổ tức trả cho mỗi cổ phiếu đã được xác định là 2.000 đồng. Số thuế phải nộp của người có 10 cổ phiếu sẽ là 1.000 đồng. Công ty khấu trừ số tiền thuế này vào số cổ tức trả bằng tiền mặt để nộp vào ngân sách, do đó cổ đông được nhận một cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng và số tiền mặt là 9.000 đồng.

b) Chỉ tính thuế vào cổ tức trả bằng tiền, không tính vào cổ tức trả bằng cổ phiếu. Quan điểm này coi cổ tức trả bằng cổ phiếu, tuy là thu nhập cá nhân, nhưng lại được chuyển ngay thành vốn bổ sung cho công ty. Không đánh thuế vào phần thu nhập này coi như một chính sách khuyến khích tự tích lũy, khuyến khích đầu tư. Do đó số thuế phải nộp của người có 10 cổ phiếu không phải là 1.000 đồng nữa, mà là 500 đồng.

Hiện nay, trong văn bản thuế TNCN đã ban hành, chưa có hướng dẫn vấn đề thu thuế vào cổ tức trả bằng cổ phiếu.

3. Loại cổ phiếu phát không thứ ba gồm những cổ phiếu phát cho cổ đông trong trường hợp công ty cơ cấu lại vốn chủ sở hữu. Nói chung, sau một thời gian kinh doanh, vốn chủ sở hữu của các công ty đều lớn hơn vốn điều lệ, bởi vì ngoài vốn điều lệ, trong các công ty còn có các quỹ không chia với tên gọi khác nhau (quỹ dự trữ, quỹ tích lũy, quỹ phát triển...) được trích lập bổ sung hàng năm từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi các quỹ này lớn tới một mức nào đó, công ty có thể quyết định tăng vốn điều lệ bằng cách nhập toàn bộ hay một phần vốn tại các quỹ không chia vào vốn điều lệ.

Thí dụ: Một công ty có vốn điều lệ là 500 tỉ đồng, tương ứng với 50 triệu cổ phiếu. Sau một số năm kinh doanh, số lũy kế các quỹ không chia đã lên tới 520 tỉ. Lúc này vốn chủ sở hữu của công ty là 1.020 tỉ đồng. Đại hội cổ đông có thể quyết định tăng vốn điều lệ lên gấp đôi bằng cách chuyển 500 tỉ vốn ở các quỹ không chia nhập vào vốn điều lệ. Thực hiện quyết định này, vốn điều lệ sẽ tăng thành 1.000 tỉ, trong khi vốn ở các quỹ không chia chỉ còn lại 20 tỉ. Tổng số vốn chủ sở hữu trước và sau cơ cấu vẫn là 1.020 tỉ. Vì vốn điều lệ đã được ghi thành 1.000 tỉ, mệnh giá cổ phiếu vẫn giữ là 10.000 đồng, nên số lượng cổ phiếu phải tăng gấp đôi. Công ty phải phát hành thêm 50 triệu cổ phiếu mới để phát không cho cổ đông theo tỷ lệ cứ có một cổ phiếu cũ thì được phát thêm một cổ phiếu mới (1:1). Tổng số cổ phiếu của công ty sẽ lên tới con số 100 triệu.

Cơ cấu lại vốn chủ sở hữu như nêu trên thực ra chỉ là một thủ thuật kế toán. Vốn thực tế sử dụng trong kinh doanh của công ty, giá trị vốn góp của từng cổ đông, quyền và lợi của họ, trước và sau cơ cấu không thay đổi. Dù số cổ phiếu của mỗi người tăng gấp đôi, nhưng cổ tức không vì thế mà tăng gấp đôi, giá trị của mỗi cổ phiếu do đó bị pha loãng, thị giá sẽ giảm. Bởi vậy không thể coi những cổ phiếu phát không cho cổ đông trong trường hợp này là thu nhập cá nhân để thu thuế TNCN.

4. Loại cổ phiếu phát không thứ tư, có người gọi là “cổ phiếu tách”, là loại cổ phiếu phát cho cổ đông trong trường hợp công ty xử lý số “thặng dư cổ phiếu” (chênh lệch giữa thị giá với mệnh giá của những cổ phiếu công ty mới phát hành thêm).

Về tính chất, thặng dư cổ phiếu có thể coi như một quỹ không chia nhưng được hạch toán riêng. Nếu công ty có thể nhập quỹ không chia vào vốn điều lệ, thì cũng có thể làm như vậy đối với thặng dư cổ phiếu. Trong trường hợp nhập vào vốn điều lệ, vốn điều lệ sẽ tăng.

Giả sử vốn điều lệ của công ty X là 500 tỉ, tương ứng với 50 triệu cổ phiếu. Công ty phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu với thị giá 30.000 đồng/cổ phiếu, thu được 300 tỉ đồng. Trừ đi mệnh giá cổ phiếu mới phát hành 100 tỉ, chênh lệch cổ phiếu sẽ là 200 tỉ. Vào thời điểm này, vốn chủ sở hữu bao gồm: vốn điều lệ 600 tỉ, tương ứng với 60 triệu cổ phiếu (50 triệu cũ và 10 triệu mới ) và thặng dư cổ phiếu là 200 tỉ (ở đây không tính tới các quỹ không chia). Nếu 200 tỉ thặng dư cổ phiếu được nhập vào vốn điều lệ, thì vốn điều lệ sẽ tăng thành 800 tỉ, do đó số cổ phiếu cũng phải tăng thành 80 triệu. Công ty phải phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu mới để phát không cho cổ đông theo tỷ lệ cứ 6 cổ phiếu cũ được phát thêm 2 cổ phiếu mới.

Nếu chúng ta coi số thặng dư cổ phiếu này cũng là một trong những quỹ không chia, thì việc nhập số thặng dư này vào vốn điều lệ cũng là một trường hợp cơ cấu lại vốn chủ sở hữu. Do đó cũng không có vấn đề thu nộp thuế TNCN đối với những cổ phiếu được phát không này. (Bài này không bàn về việc thu thuế TNCN vào cổ tức hay vào thu nhập về chuyển nhượng những cổ phiếu này).

Tới đây có một vấn đề khác xuất hiện: thặng dư cổ phiếu có phải là thu nhập của doanh nghiệp không? Trong thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, có một loại gọi là thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Vậy việc phát hành cổ phiếu mới dẫn tới hình thành thặng dư cổ phiếu có phải là chuyển nhượng vốn không? Nếu đó là chuyển nhượng vốn thì thặng dư cổ phiếu phải là thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, dù đó chỉ là con số kế toán. Hiện nay, các văn bản về thuế thu nhập doanh nghiệp chưa hướng dẫn về việc này và trong thực tế cũng chưa thấy thu khoản thuế này.
(Theo TBKTSG)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm