26/10/2021 10:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Vốn là niềm kiêu hãnh của tư bản Pháp ở Việt Nam, có thể nói, đường sắt chính là huyết mạch của nền kinh tế Đông Dương, giữ vai trò to lớn trong đời sống kinh tế - xã hội thời thuộc địa.
Đường sắt Pháp ở Đông Dương và Vân Nam do MaiHaBooks liên kết cùng Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành vào quý 3/2021 là tập 1 trong bộ sách nhiều tập Đường sắt Pháp ở hải ngoại (Les chemins de fer la France d’Outre-Mer) của học giả người Pháp Frédéric Hulot. Đây là công trình hiếm hoi trình bày một cách trọn vẹn và tổng thể đường sắt Pháp ở Đông Dương và Vân Nam, gồm cả đường tàu hỏa và tàu điện, được hai dịch giả Nguyễn Thục Hạp và Nguyễn Văn Trường chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.
Bằng sự lao động nghiêm túc và miệt mài, Frédéric Hulot cùng các cộng sự - nhóm kỹ sư ngành đường sắt Pháp - đã dày công nghiên cứu toàn bộ mạng lưới đường sắt Đông Dương và Vân Nam (Trung Quốc) từ khởi đầu năm 1867 đến những thập niên gần đây, khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất đất nước. Bên cạnh sự miêu thuật tỉ mỉ về sự hình thành và phát triển của mạng lưới đường sắt ở Đông Dương như tuyến chính từ Hà Nội đến Sài Gòn, các tuyến nhánh ngang sang Lào, Campuchia, nhánh từ miền ven biển Việt Nam lên Đà Lạt cũng như các nhánh Đông Dương đi Vân Nam, với hơn 200 ảnh, bưu ảnh, cùng 24 bản đồ lớn bé và 27 bảng biểu, bản vẽ kỹ thuật toa tàu, đầu máy… cuốn sách của Frédéric Hulot là một tập sử liệu bằng hình ảnh, như một bức thư họa tái hiện phong phú và sinh động toàn tuyến 3.471km đường sắt (với 2.676km trên lãnh thổ Việt Nam và 795km ở Trung Quốc (Vân Nam), Lào và Campuchia).
Điều thú vị khi đọc công trình Đường sắt Pháp ở Đông Dương và Vân Nam, bên cạnh lịch sử từng khu đoạn, từng tuyến đã nêu ở trên, tác giả Frédéric Hulot đã cung cấp thông tin chi tiết về cơ sở vật chất, kho xưởng, bến bãi và khả năng quản lý, khai thác của nhà cầm quyền đương thời, các công ty trên từng khu đoạn, từng tuyến đường. Giá trị nổi bật của cuốn sách không chỉ là những thông tin tư liệu, những sự kiện của ngành đường sắt mà khi đọc công trình này, độc giả còn nắm được nhiều thông tin quý giá về hình ảnh, bản vẽ thiết kế, chế tạo đầu máy, toa xe, nhiều thông số kỹ thuật, tiêu chuẩn đường ray 600mm hay 1.000, hầm xuyên núi trên các cung đường địa hình cực kỳ phức tạp như Vân Nam hay miền Trung Việt Nam.
Về những đóng góp của công trình này, chúng tôi rất chia sẻ với quan điểm của hai dịch giả trong phần “Lời người dịch” của cuốn sách: “Rất thiệt thòi và không công bằng với người Việt là có tới hơn 80% mạng đường sắt Đông Dương nằm trên đất nước Việt Nam nhưng chưa có tập sách, hay khảo cứu nào trọn vẹn, đầy đủ viết bằng tiếng Việt, hoặc chuyển ngữ sang tiếng Việt để người Việt Nam có thêm điều kiện tìm hiểu và nghiên cứu hệ thống đường sắt ở Đông Dương”.
Mạng lưới đường sắt hoàn thành như một dải lụa bằng thép trải dài và rộng trên khắp xứ Đông Dương. Những cây cầu thép bắc qua sông thuộc hệ thống đường sắt vừa là những tác phẩm nghệ thuật, vừa là thành tựu của khoa học kỹ thuật điển hình lúc bấy giờ. Cầu và đường không chỉ thể hiện sức mạnh về kinh tế mà nó còn là niềm kiêu hãnh về khoa học kỹ thuật hiện đại của người Pháp trên toàn cõi Đông Dương.
Nếu như Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer – người khởi xướng xây dựng hệ thống đường sắt toàn tuyến – luôn đề cao một trong những vai trò chủ yếu của nó là tạo một liên kết vật chất giữa các vùng, miền trong xứ Đông Dương thuộc địa và nhanh chóng đi tới thống nhất toàn Liên bang; thì Toàn quyền René Robin lại nhìn nhận và đánh giá: “Đường sắt Bắc – Nam là một sự nghiệp của đế quốc Pháp, là xương sống của Đông Dương, tạo nên bộ khung kinh tế toàn thuộc địa, là cái đòn gánh làm cân bằng hai miền Nam – Bắc được các nhà địa lý ưa dung để so sánh như 2 thúng gạo, con đường sẽ lập lại sự thăng bằng cần thiết giữa hai miền”. Tất cả giá trị tinh thần cũng như giá trị vật chất của đường sắt – đường tàu vận tải công cộng là rất to lớn và hữu ích, nó phục vụ rất hiệu quả cho nền kinh tế Đông Dương thuộc Pháp trước đây.
Ngày nay, hệ thống đường sắt vẫn đang tiếp tục phục vụ và được khẳng định đúng vị trí cũng như vai trò quan trọng trong nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam. Ngành đường sắt từng bước phát triển và hiện đại hóa. Với vai trò quan trọng trọng nền kinh tế, thì các tư liệu lịch sử của đường hầm xuyên núi, những khó khăn xử lý nền đất trên mỗi đèo, dốc hiểm trở chạy dài dọc theo đất nước Việt Nam và những thông số kỹ thuật của các khẩu độ đường ray, các đầu máy, toa xe… trong cuốn sách này thật sự có giá trị tham khảo, nghiên cứu.
Nội dung cuốn sách là sản phẩm kết hợp của khoa học lịch sử và khoa học kỹ thuật đã tạo nên một điểm khác biệt với mọi tập sách lịch sử truyền thống, đồng thời cũng là điểm nhấn đáng chú ý cho các nhà kinh tế, nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành giao thông vận tải, đường sắt, du lịch và cho tất cả những ai quan tâm đến lịch sử ngành đường sắt và mạng lưới đường sắt ở Đông Dương xưa kia và đường sắt Việt Nam ngày nay. Cuốn sách Đường sắt Pháp ở Đông Dương và Vân Nam cũng là nét chấm phá hoàn thiện hơn rất nhiều cho bức tranh toàn cảnh về kinh tế, văn hóa, xã hội thời kỳ thuộc địa trong bộ sách Ký ức Đông Dương mà MaiHaBooks đang thực hiện.
Hoàng Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất