Quảng bá ẩm thực Việt bằng 'cơm đường cháo chợ'

26/06/2013 08:57 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - 1. Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản khuyến cáo sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng vị thế độc quyền tại khu vực cảng hàng không để nâng giá dịch vụ và hàng hóa bất hợp lý...

“Nâng giá dịch vụ” thực ra chỉ là mỹ từ trong văn bản hành chính, từ trước đến nay, những hành khách có điều kiện được đi lại bằng thứ dịch vụ tân kì bậc nhất không lạ gì cảnh “chặt chém” ở các sảnh sân bay. Cách tốt nhất là nhịn, đừng ăn uống, nghỉ ngơi, mua bán gì tại các sân bay, đừng thò cổ ra cho kẻ khác chém, trừ khi không thể nhịn.

Nhưng với du khách nước ngoài thì khác, họ có tiền và họ đến Việt Nam với hình ảnh một đất nước tươi đẹp, mến khách, với nền ẩm thực đa dạng và đáng thưởng thức. Nơi đầu tiên họ đặt chân tới hẳn nhiên thường là các sân bay.

Nhưng ẩm thực Việt đã dành cho thực khách món “khai vị” như thế nào? Như báo chí vừa nêu: “Bánh mì chả, heo quay giá 45.000 đồng, nhưng bên trong phần lớn là xà lách, vài lát chả lụa mỏng như lưỡi mèo thêm vài miếng heo quay. Mì Ý xốt bò bằm có một hộp nước xốt bò là chủ yếu, còn thịt bò không là bao, giá 79.000 đồng...” Một thực khách là nhân viên hãng lữ hành quốc tế phải thốt lên: “Giá cả thì ngang với ở châu Âu, nhưng chất lượng thì quá tệ, ngược hẳn những gì mà tôi biết về ẩm thực Việt Nam”.

2. Cần phải nói, ẩm thực được coi là đặc sản, điểm mạnh của du lịch đất nước. Đây là một thế mạnh mà chúng ta dày công quảng bá. Không ít tiền cho những lễ hội du lịch, những hội chợ quốc tế, những bộ phim...

Mới đây, để thực hiện và phát 26 tập phim với siêu đầu bếp Martin Yan về ẩm thực Việt phát sóng trên các kênh truyền hình chuyên về du lịch ẩm thực nước ngoài như Asian Food Channel, hệ thống PBS của Mỹ, Malaysia... các đơn vị trong nước đã phải bỏ ra cả triệu đô la (trung bình 900 triệu đồng/tập phim).

Nhưng trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, mà trăm sờ chắc gì được bằng một thử. Để đến với dạ dày du khách, những phở, bún chả, búng thang Hà Nội, cơm cháy Ninh Bình, miến lươn Nghệ An, gỏi cuốn, cơm tấm Sài Gòn hay những bún bò Huế, chả cá Lã Vọng, bánh canh Trảng Bàng...  cũng phải xếp hàng sau những ‘thảm họa ẩm thực” tại các sân bay. Sau khi lĩnh “gáo nước lạnh” ban đầu, thử hỏi bao nhiêu khách còn cảm hứng để thưởng thức và ca ngợi ẩm thực Việt.

Tuy thế, cũng có một điều an ủi, nếu các vị Tây biết rằng, ở Việt Nam có câu “Cơm đường cháo chợ”, dù là đường hàng không, thì cũng vẫn là đường.

Nguyễn Gia
Thể thao  & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm