'Giải mã' phong cách Toshiya Miura

17/09/2014 11:04 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc thăm dò “bỏ túi” của Thể thao & Văn hoá với một bộ phận các tuyển thủ quốc gia về phong cách và phương pháp huấn luyện của HLV trưởng người Nhật Bản, Toshiya Miura, đã cho kết quả khá lạc quan.

Theo đó, đại bộ phận những người được hỏi đều tỏ ra rất quý mến HLV Toshiya Miura và đánh giá cao năng lực chuyên môn của ông thầy xứ phù tang.

Đầu đã xuôi...

HLV Toshiya Miura đã chọn đấu trường ASIAN Games 17 làm điểm xuất phát cho bản hợp đồng thời hạn 2 năm với bóng đá Việt Nam, dù ai cũng biết, AFF Suzuki Cup 2014 mới là nhiệm vụ chính trong năm. Với nhiều người, đó có vẻ không phải là lựa chọn khôn ngoan, song ông thầy người Nhật Bản thừa biết mình đã và đang làm gì.

HLV Miura quyết đi vào tâm bão, bởi nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất?! Cũng không hẳn, bởi HLV Toshiya Miura là mẫu người hành động. Tân HLV trưởng các ĐTQG Việt Nam thậm chí đã ghi điểm cao, khi giúp Olympic Việt Nam đặt một chân vào vòng 1/8, sau chiến thắng thuyết phục 4-1 trước ứng viên vô địch Olympic Iran.

Ngoài tính kỷ luật trong tập luyện, thi đấu, cũng như sinh hoạt, HLV Toshiya Miura đặc biệt đề cao yếu tố thể lực, khi tố chất cầu thủ Việt Nam vốn giàu sẵn kỹ thuật và sáng tạo. Trong bóng đá hiện đại, yếu hơn (đối thủ) thì thua, đơn giản thế thôi. Olympic Iran không yếu hơn (về thể lực), nhưng họ thua chúng ta bởi miếng đánh bất ngờ.

Soi lại cả 4 bàn thắng của Olympic Việt Nam ghi vào lưới đối thủ thì thấy điểm chung là đều rất nhanh (tốc độ), mạnh (tranh chấp, tì đè) và táo bạo (từ ý tưởng đến cách dứt điểm). Thầy trò HLV Toshiya Miura không chủ động phòng ngự co cụm, mà chơi pressing và khi đoạt được bóng, họ tổ chức tấn công để tiếp cận khung thành đối phương theo cách nhanh nhất có thể.

Chiến thuật mà HLV Toshiya Miura áp dụng cho Olympic Việt Nam phần nào đó mang hơi hướng của triết lý bóng đá kiểu HLV Henrique Calisto. Điểm khác biệt (nếu có), đó là tầm sát thương trên hàng công, khi trong tay HLV Miura lúc này có nhiều sự lựa chọn ở tuyến đầu hơn so với thời HLV Calisto trước đây. Chúng ta đánh vỗ mặt (trung lộ) và giãn biên đều hiệu quả.

Đuôi có lọt?

Tại ASIAN Games 16 năm 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc), Olympic Việt Nam dưới thời HLV Henrique Calisto cũng khởi đi đầy hanh thông sau chiến thắng 3-1 trước Bahrain. Chúng ta đi tiếp tới vòng 1/8, khi là một trong số các đội bóng xếp thứ ba vòng bảng có thành tích tốt nhất, trước khi để thua 0-2 trước Triều Tiên.

Nhưng phải đợi đến khi bị biến thành cựu vương tại AFF Suzuki Cup 2010 (thua Malaysia, đội bóng sau đó đã vô địch với tổng tỷ số 0-2 ở bán kết), bóng đá Việt Nam mới thực sự biết mình đã thất bại toàn tập. Thế mới nói, một chiến thắng đậm, thậm chí có thể gọi là địa chấn ở ngày xuất quân, chưa nói lên điều gì cả.

Với HLV Toshiya Miura lại càng không! Như đã nhắc ở đầu bài viết, AFF Suzuki Cup 2014 mới là sàn diễn chính của bóng đá Việt Nam, khi sân chơi ASIAN Games vẫn bị xem là quá tầm. Ông Miura đã ghi điểm cao trong mắt học trò và người hâm mộ, cũng như các ông chủ VFF, nhưng nếu được, hãy xem đó là gói “kích cầu” cho ĐTQG.

Chứng kiến hàng vạn khán giả tìm đến Mỹ Đình để cổ vũ U19 Việt Nam tại một giải đấu nặng tính thử nghiệm vừa qua, HLV Toshiya Miura hẳn có chút chạnh lòng, khi cũng thời điểm đó, chỉ có chừng 2 ngàn người đến Lạch Tray xem ĐTQG đá với Hong Kong (Trung Quốc). Ông thầy người Nhật Bản đã ước giá mà đội bóng của ông cũng được quan tâm như thế.

“Chúng tôi sẽ phải làm việc cật lực để kéo người hâm mộ đến sân cổ vũ”, HLV Toshiya Miura phát biểu trong phòng họp báo sau trận đấu ở Lạch Tray. Phải, cái gì cũng có nguyên nhân của nó và không phải tự nhiên, người hâm mộ lại sát cánh, cổ vũ U19 Việt Nam, thay vì ĐTQG hay V-League. Bóng đá có đôi khi đơn thuần chỉ là một trò chơi.

Chúng ta đã giành chiến thắng trước một đối thủ mạnh ở ngày xuất quân có ý nghĩa hơn 3 điểm, bởi nó mở ra một chương mới cho nền bóng đá để kỳ vọng. Bóng đá vốn không tồn tại chữ “nếu”, nhưng nếu như trọng tài chính điều khiển trận đấu này thẳng tay thổi penalty kèm chiếc thẻ đỏ do lỗi triệt hạ của thủ thành Bửu Ngọc (phút 65, thời điểm chúng ta đang dẫn 2-0, trước khi bị gỡ 1-2 từ chấm phạt đền), chưa biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Soi kỹ pha bóng đó, Bửu Ngọc quả là rất khó thoát tội. Nhưng chỉ ông trọng tài không nghĩ thế và ở cabin BHL, HLV Toshiya Miura đã thở phào nhẹ nhõm. Đúng là có hay thì mới có may!


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm