Tuyển sinh đại học (Bài 2): Nên thay đổi phương thức tuyển sinh

11/09/2010 15:06 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Trong cuộc họp bàn về nhiệm vụ năm học mới của bậc đại học mới đây, tân Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng sẽ phải tổ chức thảo luận để tìm một phương thức tuyển sinh mới cho các năm sau. Trong đó sẽ có thể giao tự chủ tuyển sinh cho một số trường có năng lực.

Điều này đồng quan điểm với nhiều trường đại học muốn bứt ra khỏi “ba chung” - phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) đưa vào thực hiện đã được 10 năm (với đặc điểm là chung đề, chung đợt, lấy kết quả để xét tuyển chung). Nhưng việc này có thể làm được không khi VN còn quá nhiều trường đại học “trọng số lượng hơn chất lượng”?

Không có trường dũng cảm từ chối người học

Một PGS từng đảm nhiệm công việc quản lý trường đại học tại HN nhiều năm đột nhiên xin từ chức đã giải thích: “Tôi muốn duy trì phương thức tuyển sinh “trọng chất lượng và biết từ chối khi chất lượng không đảm bảo”. Nhiều năm qua chúng tôi đã thực hiện như vậy, có năm chỉ tuyển được 70% chỉ tiêu nhưng đã dừng lại, vì không muốn hạ chất lượng đầu vào. Nhưng khi không tìm được sự đồng thuận nữa thì tôi xin nghỉ”.

Những người quản lý biết “dừng lại đúng lúc” không nhiều và trường dám dũng cảm từ chối thí sinh càng ít. Trong khoảng gần chục năm qua, nhiều trường đại học đã vượt rào để tận dụng cho hết chỉ tiêu được giao, thậm chí tuyển cao hơn chỉ tiêu nhiều lần.


Nhiều trường phải chạy đua để tuyển đủ thí sinh (ảnh minh họa)
Năm 2009, có gần 40 trường ĐH,CĐ đã bị Bộ GD&ĐT phạt tiền và khấu trừ chỉ tiêu vào năm nay vì đã “vượt rào” trong tuyển sinh. Trong đó có những trường tuyển vượt quá nhiều: ĐH Phan Thiết vượt 91,73%, CĐ Cần Thơ tuyển vượt 88,64%, trường CĐ Điện tử điện lạnh HN vượt 63%...

Cách đây vài năm, Bộ GD&ĐT đã thực hiện việc “đổi mới giao chỉ tiêu”. Theo đó, chỉ tiêu sẽ do các trường đề xuất lên trên cơ sở tương ứng với điều kiện cơ sở vật chất, giảng viên. Đây là một bước để “giao chủ động” cho các trường, dần dần tính đến cách bỏ cơ chế “xin cho” nhưng để có thể tăng chỉ tiêu đào tạo, nhiều trường ĐH, CĐ, nhất là các trường mới thành lập đã lập danh sách giáo viên “ảo”, kê khai cơ sở vật chất thiếu trung thực để đạt được chỉ tiêu như mong muốn. Đã có trường đại học khi bị phát hiện chỉ có vài giáo viên, còn lại hầu hết là giáo viên “ảo”.

Nếu không bị phát hiện, xử lý, các trường tuyển đủ, tuyển vượt chỉ tiêu sẽ phải xoay xở thế nào để đảm bảo hoạt động đào tạo? Đây là việc “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”. Trong khi theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT thì việc rải lực lượng để kiểm tra hết mấy trăm trường ĐH (chưa kể CĐ) đã phải mất vài năm. Chất lượng đầu vào không được chọn lọc, điều kiện dạy học không đáp ứng yêu cầu, cơ chế đào thải trong đào tạo không có, đó là con đường rộng mở cho những sản phẩm tồi của giáo dục được tung ra thị trường, những nơi đang khát “nguồn nhân lực cao”, nhưng chỉ tuyển dụng căn cứ vào bằng cấp chứ không phải trình độ thực tế.

Với thực trạng trên, đổi mới phương thức tuyển sinh thế nào để khắc phục được những bất cập thật khó.

Trường nhiều, đào tạo kiểu ăn xổi

Chỉ tính từ năm 1998 đến 2009, có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó có 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn, 9 trường được nâng cấp từ khoa trực thuộc của các trường khác.

Đặc biệt, với trào lưu “đại học cấp tỉnh” đã có 62/63 tỉnh, thành phố có trường ĐH,CĐ, trong đó có 40 tỉnh, thành phố có trường ĐH. Chưa có ở đâu như nước ta, khi xét cho thành lập trường ĐH, tính vùng miền được đã được ưu tiên, dù những yếu tố khác (cơ sở vật chất, giảng viên...) chưa đạt. Trong những năm 1998 - 2009, có 8 trường ĐH, CĐ được thành lập ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ có 22 trường, 34 trường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, 35 trường vùng duyên hải Nam Trung bộ.

Nhiều trường mới, nhưng trong số đó, những trường có khả năng đứng vững bằng chất lượng đào tạo và sớm tạo đươc uy tín rất ít. Ngoài một số trường ĐH khu vực tuyển được người học do yếu tố vùng miền, nhiều trường mới khác đều vật vã với việc khan hiếm nguồn tuyển trong mỗi mùa tuyển sinh.

Đại diện Vụ Giáo dục đại học, (Bộ GD&ĐT) từng cho rằng: Các trường có sức hấp dẫn kém phải có chiến lược để phát triển, đủ sức cạnh tranh. Nhưng thay vào việc xây dựng chiến lược, xây dựng thương hiệu, nhiều trường “chiếu dưới”, trường mới đã chỉ lo sử dụng các chiêu để giành giật người học, tổ chức đào tạo theo kiểu ăn xổi. Với cách làm này, chỉ cần cơ quan quản lý Nhà nước buông tay, chất lượng đào tạo không biết đi về đâu.

Cạnh tranh, kiểm định và chất lượng

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nên can đảm “buông tay” để cho các trường thực sự sống trong môi trường cạnh tranh, thì họ mới nghĩ đến việc tạo dựng chất lượng để tồn tại lâu dài. Nhưng với việc đó, sẽ phải chấp nhận một sự bát nháo trong giáo dục ĐH, CĐ một thời gian dài.

Đây là việc nhiều nước khác đã thực hiện, đã trải qua, và để có thể kích thích được năng lực cạnh tranh của các trường, cần có cơ chế kiểm soát tốt, cần có các cơ quan kiểm định chất lượng độc lập có uy tín, các trường phải chấp nhận một cơ chế công khai về điều kiện, chất lượng đào tạo và chấp nhận việc đào thải khắc nghiệt chứ không phải việc “phạt cho tồn tại” như hiện nay.

Bên cạnh đó là thay đổi cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ đối với người lao động, căn cứ vào năng lực. Việc đó sẽ khiến người học phải chọn chất lượng chứ không chọn chỗ học theo nghĩa đen.

Có rất nhiều thứ phải điều chỉnh, thay đổi, nếu không nói là một cuộc cách mạng để tạo động lực cho các trường phấn đấu cho chất lượng chứ không phải cho số lượng như hiện nay.

Việt Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm