Đã có những thời kỳ mà Trần Lực cảm thấy như cuộc sống chỉ cần 2 bố con là đủ, vẫn rất vui vẻ và sum vầy. Ngày lễ, hai bố con lên bar chơi. Bố một chai bia, con một lon coca, hai bố con ngồi nghe nhạc sống…
Ba đời vợ… hơi nhiều
Trần Lực là một trong những diễn viên hàng đầu của điện ảnh Việt nam, được nhiều thế hệ khán giả yêu thích qua các phim: Mẹ chồng tôi, Hoa ban đỏ, Người yêu đi lấy chồng… Hơn 5 năm trở lại đây, Trần Lực thường xuất hiện với vai trò là nhà sản xuất phim. Hãng phim Đông A của anh được thành lập năm 2005, ghi dấu ấn trong đời sống phim truyền hình nước nhà bằng những bộ phim như: Chàng trai đa cảm, Tìm lại chính mình, Thời khắc may mắn, Đầu bếp và đại gia…
Không chỉ được nhiều người biết đến nhờ những thành công trong sự nghiệp, Trần Lực còn được nhắc đến là một người đàn ông 3 đời vợ. Anh kết hôn với người vợ thứ nhất khi đang theo học ngành Đạo diễn Sân khấu tại Bulgari. Năm 1991, Trần Lực về nước, mang theo cậu con trai nhỏ tên Trần Hoàng. Người vợ đầu của anh hiện là một giảng viên piano. Người vợ thứ hai của Trần Lực là một Biên tập viên sắc sảo của Đài THVN.
Nguyên nhân của lần đổ vỡ thứ hai này không phải do những ồn ào mà người ta hay nhắc tới, mà là “do hai người quá bận rộn với công việc và không vượt qua được rào cản sự nghiệp”. Người vợ hiện tại của anh là chị Mỹ Trang, người đã sinh cho anh hai đứa con: Mỹ Anh (2007) và Trần Tú (2008). Mỹ Trang là con gái gốc Nam nhưng sau khi kết hôn với đạo diễn Trần Lực, chị ra Hà Nội sinh sống và lập nghiệp.
Ba lần đăng ký kết hôn. Ba lần lên xe hoa. Trần Lực nhắc đến chuyện này một cách bình thản, pha chút tự châm biếm bản thân. Anh cũng thấy rằng “ba lần là hơi nhiều”, nhưng cái số nó bắt anh phải như vậy. Ai cũng muốn có gia đình yên ấm, ổn định. Mỗi sự xáo trộn là một điều bất khả kháng, gây ra sự mệt mỏi cho không chỉ riêng anh và còn những người khác.
Với những người phụ nữ đã đi qua đời mình, tuy rất ít khi gặp lại nhau nhưng anh vẫn luôn quan tâm đến thông tin về cuộc sống của họ. Đối với Trần Lực, yêu nhau một ngày đã nên nghĩa, huống gì đó là người đã sống với mình vài ba năm. Anh cảm thấy yên tâm khi biết rằng những người phụ nữ đó đều đang có cuộc sống ổn định và tốt đẹp.
Trần Lực nổi tiếng từ rất sớm. Anh thường đóng cặp với nhiều người đẹp như: Thu Hà, Lê Khanh, Chiều Xuân với những câu chuyện tình ly kỳ đẫm lệ… Các đạo diễn khai thác tối đa vẻ phong tình của anh. Không biết có phải vì thế mà người ta đồn rằng Trần Lực đào hoa, khiến phụ nữ lắm cô… xin chết. Trần Lực thì vẫn một mực khẳng định mình không may mắn được như vậy, hơn nữa cuộc sống của anh đã có rất nhiều điều để phải quan tâm, thêm nhiều phụ nữ vào làm gì cho rắc rối!
Trải qua nhiều biến cố, đến thời điểm này Trần Lực đã có một cuộc sống gia đình đủ để anh an tâm với người vợ đảm và 3 đứa con ngoan. Hằng tuần, anh đưa vợ và các con đến thăm nhà ông bà nội. Thỉnh thoảng, hai vợ chồng lại thu xếp thời gian đưa các con đi chơi xa một vài hôm. Ngoài việc xả stress, những chuyến đi đó cũng là cơ hội để anh thắt chặt thêm sợi dây tình cảm gia đình.
Người đàn ông 49 tuổi này cũng thú nhận một tính xấu, đó là chẳng mấy khi anh mua quà tặng vợ vào những ngày lễ tết hay khi đi xa về. Vợ anh ban đầu cũng hụt hẫng, buồn và giận dỗi, nhưng dần dà rồi cũng đành chấp nhận. Nhưng Trần Lực bù đắp cho vợ bằng cách thường đưa các con nhỏ đi học và cùng vợ đi ăn sáng, nhâm nhi cà phê. Anh cho rằng sự chăm sóc bền bỉ đó hẳn là đáng quý hơn nhiều so với việc tặng hoa vài ngày trong năm chứ!
Đối với người đạo diễn này, điều khó nhất trong cuộc sống vợ chồng là phải biết tiết chế cái tôi của mỗi người. Anh rất hiểu điều này, nhưng để làm được thì quả thật là khó. Người phụ nữ của anh phải biết chấp nhận tất cả những gì thuộc về con người anh, đừng mong thay đổi điều gì bởi anh sẽ chẳng thể thay đổi. Trần Lực độc đoán đến mức anh tự nhận là “đôi khi cũng dở hơi”. Nhưng đàn ông 3 đời vợ này cũng đưa ra một kết luận, là anh mới chỉ được thấy phụ nữ mềm mỏng dịu dàng với người ngoài, chứ khi đã là vợ chồng rồi thì sự dịu dàng đó bay đi đâu hết.
Không quên thời “gà trống nuôi con”
Tài sản quý giá nhất của Trần Lực giờ là những đứa con và một sự nghiệp rộng mở. Tự nhận mình là một người sống thiên về gia đình, nhưng guồng quay công việc đôi khi cuốn anh vào và không dễ gì để thoát ra. Nhiều lúc, ông giám đốc Hãng phim Đông A ước có thật nhiều tiền, đủ để làm một bộ phim thật hay, thật đã, rồi sau đó vứt tất để về chơi với các con. Được ở bên con – đó là một sự sung sướng.
Cuộc sống giờ yên ấm, nhưng Trần Lực vẫn không thể quên được những ngày anh sống cảnh “gà trống nuôi con”. Khó mà nói cho hết được nỗi vất vả của việc nuôi con một mình. Quãng thời gian đi bộ đội và những năm tháng học ở Bulgari đã dạy Trần Lực sự tự lập từ sớm, cho nên việc nuôi con dù nhiều vất vả nhưng anh vẫn vượt qua được. Rồi khi về Việt Nam, cả hai cha con lại cùng bỡ ngỡ. Con trai anh bỡ ngỡ bởi lần đầu tiên đến một đất nước xa lạ, trong một gia đình lạ. Còn Trần Lực thì bỡ ngỡ bởi sau một thời gian đi xa, khi anh trở về thì đất nước đã thay đổi quá nhiều.
Đó là quãng thời gian khó khăn cho cả hai bố con anh khi phải bắt đầu làm quen một môi trường sống mới. Trần Hoàng là cậu con trai gắn bó với Trần Lực trên mọi bước đường thăng trầm của cha. Trần Lực cảm thấy mình thật may mắn khi có một điểm tựa vững chắc là bố mẹ. Trong thời điểm đó, dù rất thương con những anh đã phải gửi con nhờ ông bà nội chăm nom để đi đóng phim kiếm tiền và tìm hiểu nền điện ảnh mới của đất nước.
Có những phim anh làm đến 3 – 4 tháng trời mới xong, khi về thì giật mình vì thấy con trai đã lớn tướng! Thời gian đó, hai cha con anh chỉ nói tiếng Bulgari với nhau. Có một kỉ niệm mà Trần Lực không thể quên, đó là khi anh tham gia bộ phim Chuyện tình bên dòng sông (1991) mà anh phải vào làm việc tại Quảng Bình trong 2 tháng, lúc đó Hoàng gần 2 tuổi. Khi về đến nhà, con trai chạy ra và reo lên: “Bà ơi, bố, bố!”. Trần Lực cảm động đến sững sờ, đó là câu tiếng Việt đầu tiên mà anh nghe con trai nói.
Khi Hoàng đòi được gọi bà nội, gọi bác Mây (chị gái của Trần Lực) là Mẹ, Trần Lực hiểu rằng con trai anh thiếu thốn tình cảm rất nhiều. Bản thân anh và gia đình vẫn luôn cố gắng để bù đắp, nhưng đó chỉ có thể là sự bù đắp chứ không thể thay thế được một người mẹ. Đây cũng là điều mà anh thấy có lỗi nhất với con và luôn khiến anh day dứt…
Đã có những thời kỳ mà Trần Lực cảm thấy như cuộc sống chỉ cần 2 bố con là đủ, vẫn rất vui vẻ và sum vầy. Ngày lễ, hai bố con lên bar chơi. Bố một chai bia, con một lon coca, hai bố con ngồi nghe nhạc sống. Ngày Tết, bố và con trai tổ chức ăn uống rất linh đình. Ngày Trần Lực bước sang tuổi 40, sinh nhật anh chỉ có con trai cùng chén tạc chén thù. Hai cha con anh như hai người bạn thân thiết, hay phải chăng, hai người đàn ông cô đơn đang cố gắng để bù đắp cho người kia?
Chị Mỹ Trang, người vợ thứ ba của Trần Lực
Người vợ thứ ba của Trần Lực
Trong cách nuôi dạy con, Trần Lực cũng có những quan điểm rất mở và pha chút nghệ sỹ. Đối với anh, trẻ con cần phải được vui chơi và khám phá cuộc sống bên ngoài. Vì thế, cậu con trai cả nhà anh trong những năm học phổ thông đã không bị bắt đi học thêm và anh thì chấp nhận điểm kém của nó. Có lẽ Trần Lực chỉ độc đoán với phụ nữ. Với các con, anh nói đó giống như mối quan hệ bạn bè thân thiết. Ông bố rất thanh niên này có thể chia sẻ với con những chuyện của mình và ngược lại, các con cũng tâm sự với bố một cách rất thoải mái. Đối với con cái, Trần Lực thấy trước hết cần phải làm bạn với chúng đã. Anh tôn trọng quyền cá nhân, chia sẻ với những quan điểm và cá tính riêng của con mà không áp đặt hay thuyết giáo chúng.
Về cách nuôi dạy con cái, Trần Lực cho rằng anh chịu ảnh hưởng của bố. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật (cha anh là GS – NSND Trần Bảng, mẹ anh là diễn viên chèo Trần Thị Xuân), lại là con út nên Trần Lực được cha mẹ chiều chuộng nhất nhà. Ngay từ ngày Trần Lực còn nhỏ, không hiểu sao cha anh đã cho anh nhiều tự do và không bắt phải học nhiều như các anh chị. Vì thế, Trần Lực chưa bao giờ là học sinh giỏi! Sau này, mỗi khi con trai bị điểm kém, Trần Lực cũng nhắc nhở mấy câu, nhưng trong bụng thì lại thầm bảo “Ngày xưa mình cũng thế thôi mà!”.
Trần Lực rất tự hào về gia đình mà mọi thành viên đều làm nghệ thuật của mình. Khi cả hai cha con đều làm nghệ thuật thì việc ngồi trò chuyện, chia sẻ với nhau về cuộc sống, về quan điểm nghề nghiệp là điều không đơn giản, bởi người nghệ sỹ nào cũng có cái tôi lớn. Nhưng Trần Lực vẫn thường tìm đến cha để học hỏi, để nhận những lời khuyên hay đơn giản chỉ là để tâm sự. Đối với anh, cha còn là một người thầy, người bạn lớn và cũng là một hình mẫu để anh vươn tới.
Trần Lực có thể là một đạo diễn tài năng trên phim trường, nhưng trong cuộc sống, anh lại là người tin theo sự sắp xếp của tự nhiên. Hay cũng có thể anh hiểu rằng cuộc sống chẳng bao giờ tuân theo kịch bản do anh viết ra, vì thế anh đón nhận mọi việc đến với mình một cách nhẹ nhàng, bình thản. Anh nhận ra rằng, tự nhiên luôn có cái đúng của riêng nó.
Theo Đang yêu