15/05/2016 06:05 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Các chân sút ngoại tiếp tục “làm mưa làm gió” ở sân chơi V.League. Đối với Thạch Bảo Khanh, đây không phải là điều quá bất ngờ mà ngược lại, ngoại binh không vượt trội thì mới là điều đáng ngại cho các đội bóng.
“Đồng tiền đi liền khúc ruột”
Tính đến thời điểm hiện tại, top 10 cầu thủ ghi bàn hàng đầu đều thuộc về ngoại binh. Anh nghĩ sao về điều này?
- Đây là điều hết sức bình thường, không có gì mới mẻ, bất ngờ cả. Ngoại binh có thế mạnh của họ. Họ tham gia giải đấu của mình, các CLB ưu tiên vị trí tiền đạo cho ngoại binh là lợi thế của họ.
Lợi thế nữa là họ có thể lực tốt hơn. Cầu thủ nội chơi 1, 2 trận thì được nhưng ở giải đấu đường dài thì phong độ và thể lực không thể bằng. Thể lực kém kéo theo phong độ không ổn định. Thế nên, chuyện họ thua thiệt về hiệu suất ghi bàn là đương nhiên.
BTC hạn chế ảnh hưởng của ngoại binh bằng cách giảm xuống mỗi trận đấu CLB chỉ được dăng ký 2 Tây, cộng với một cầu thủ nhập tịch. Anh có nghĩ, chân sút nội đã không còn đất dụng võ ở V.League?
- VFF thống nhất với các đội bóng hạn chế ngoại binh để tạo điều kiện cho cầu thủ ngoại thi đấu, trẻ cọ xát nhiều hơn là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, với hai suất ngoại binh, 1 cầu thủ nhập tịch thì các CLB ưu tiên sử dụng cầu thủ ngoại ở hàng công. Đấy là điều tất yếu vì họ đã từng thi đấu ở nhiều giải đấu, có kinh nghiệm, thể lực tốt hơn mình.
Thạch Bảo Khanh khi còn khoác áo Thể Công, là một tiền đạo chạy cánh đáng nhớ
Còn về trình độ, kỹ thuật và tư duy chiến thuật thì họ không hơn cầu thủ nội. Đôi khi nội binh còn nhỉnh hơn. Nói về tư duy chiến thuật và kỹ thuật các cầu thủ ngoại không biết nhưng mấu chốt là họ có sức khỏe, chạy nhiều nên ra chiến thuật.
Nói như thế thì phải chăng V.League quá dễ để ngoại binh phát huy thế mạnh thể lực để làm mưa làm gió ở sân chơi này?
- Điều này không hẳn. Có những cầu thủ ở đẳng cấp lớn hơn nhưng họ không thích nghi được. Tôi nghĩ đó chỉ là do đặc thù của giải đấu mà thôi. Chẳng hạn, có nhiều cầu thủ đẳng cấp đến VN không thành công, đặc biệt những người được đào tạo bài bản, đến từ những nền bóng đá tiên tiến như Pháp thì sự hòa nhập là điều họ chưa làm được.
Có thể dễ với người này mà khó với người khác. Tất cả chỉ do đặc thù bởi vì các cầu thủ đến V.League không cần chiến thuật, họ chỉ cần có sức khỏe, chạy rồi ra chiến thuật.
Anh có cảm thấy buồn phiền với tình trạng này?
- Tôi không hề chút buồn mà đây là một trong những điều giúp cầu thủ nội phấn đấu, cố gắng, cạnh tranh lành mạnh với các cầu thủ ngoại bởi vì chúng ta không thể nói các cầu thủ ngoại có mặt ở V.League thì giải đấu đi xuống được. Chính họ là nhân tố làm cho giải đấu hấp dẫn hơn.
Vậy, để một chân sút nội có thể bứt phá, đâu là mấu chốt?
- Đó là sự rèn luyện của cả quá trình. Nhưng mấu chốt vẫn là thể lực thôi. Vì thể lực kém hơn họ thì họ mới chiếm ưu thế.
Anh kỳ vọng chân sút nội sẽ làm nên khác biệt ở V.League 2016?
- Hy vọng thôi chứ khó lắm. Chuyện ngoại binh làm mưa làm gió ở giải VĐQG là điều hết sức bình thường. Nhìn sang khu vực thì Thái Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng vậy thôi. Bởi họ mua về với lương cao thì chất lượng hơn cầu thủ nội chứ. Nếu không chất lượng thì làm sao lại bỏ ra số tiền lớn như vậy, nếu thế thì trả cầu thủ nội nhiều tiền cho rồi.
Đương nhiên họ hơn mình mới được ký tiền chuyển nhượng, lương cao như vậy. Không có gì đáng buồn cho một giải đấu cả mà nên nghĩ theo chiều hướng ngược lại. Nó khích lệ tinh thần, khiến các cầu thủ nội cố gắng hơn; qua đó tiến bộ hơn chứ nếu cứ ganh đua nội bộ thì chỉ mãi ở trong “ao làng” mà thôi.
“Nên gọi lại cầu thủ nhập tịch lên tuyển, nếu…”
VFF cũng như HLV Hữu Thắng để ngỏ khả năng gọi lại cầu thủ nhập tịch. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
- Tất cả cầu thủ muốn cống hiến cho ĐTQG thì nên tạo điều kiện cho họ. Điều quan trọng là thái độ của họ như thế nào bởi đây là xu thế chung. Bản chất của nó không tốt mà cũng không xấu, làm sao để phát huy cái tốt, loại trừ cái xấu mới là điều đáng nói. Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn phải cầu thủ nội đóng “kép chính”.
Nếu điều này xảy ra có tốt cho nền bóng đá? Tại sao?
- Tốt hay xấu phải để nó diễn ra mới nói được. Điều này không có gì ghê gớm cả. Nếu họ thực sự muốn cống hiến cho ĐTQG thì nên mở cửa với họ. Thế nhưng, hai điều quan trọng cần phải tính đến là thái độ và trình độ chuyên môn phải tốt.
Các đội bóng ở V.league thường chơi bóng dài, ưu tiên ngoại binh ở vị trí hàng công. Điều này gây khó khăn cho triết lý bóng đá mà HLV Hữu Thắng muốn áp dụng lên ĐT?
- Chắc chắn sẽ phần nào gây khó khăn cho anh Thắng. Bởi anh ấy muốn xây dựng lối chơi bóng nhỏ, mà CLB chơi bóng dài thì mỗi lần tập trung phải xây dựng lại lối chơi. Không thể đòi hỏi các đội bóng chơi bóng nhỏ để phục vụ đội tuyển được. CLB có quyền lợi và mỗi người có triết lý bóng đá riêng. Phải tùy vào con người để xây dựng lối chơi phù hợp chiến thuật đề ra.
Các tiền đạo phải học cách thích nghi. Trong dòng chảy của bóng đá hiện đại, cầu thủ không được phép chỉ đóng đinh một vị trí mà sự đa năng, thích nghi tốt sẽ giúp họ có thể chiếm suất đá chính cho dù dưới tay bất kể HLV nào.
Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!
“Tre đã già mà măng chưa mọc” Ở vòng loại World Cup 2018, Lê Công Vinh là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho ĐTVN với ba pha lập công. Trong khi đó, ở SEA Games 2015, với 5 bàn thắng, Huy Toàn là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho U.23 Việt Nam. Tuy nhiên, chân sút này lại không thể góp mặt ở giai đoạn 1 V.League 2016 vì chấn thương. Tính đến thời điểm hiện tại, sau 9 vòng đấu ở V.League, tiền vệ Vũ Minh Tuấn là người ghi nhiều bàn nhất với 4 pha lập công trong khi Anh Đức và Duy Long, những tiền đạo thực thụ, mới chỉ có ba bàn thắng. Rõ ràng, các tiền đạo ở V.League đang trong tình cảnh “tre đã già mà măng chưa mọc”. Đây là vấn đề nan giải và bài toán khó cho HLV Hữu Thắng trong thời gian tới trong việc tuyển chọn nhân sự. “Chỉ có Anh Đức là tiền đạo thực thụ ở V.League” “Tôi ấn tượng với Anh Đức vì là tiền đạo hiếm hoi chơi ở CLB với vị trí sở trường, có khả năng cạnh tranh với cầu thủ ngoại. Khả năng săn bàn, nhãn quan chiến thuật tốt nhưng tiếc là không bén duyên với đội tuyển. Đấy là quan điểm của nhà cầm quân. Triết lý bóng đá mỗi người khác nhau. Mà chuyện này ở thế giới cũng xảy ra chứ không riêng gì ở Việt Nam mình”, Cựu tuyển thủ Thạch Bảo Khanh |
Nam Giao (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất