BLV Lý Chánh: Còn phải chờ châu Phi đến bao giờ?

02/07/2014 19:39 GMT+7 | Vòng 1/8

(Thethaovanhoa.vn) - Dù chẳng có dây mơ rễ má gì với các đội Phi châu, nhưng tôi đã thật sự lặng người đi sau tiếng còi kết thúc 120 phút của trận Algeria thua Đức 1-2 lúc gần 6 giờ sáng. Vì với tôi, châu Phi đã bắt đầu từ Algeria của Espana 82.

1. Có mặt tại World Cup từ năm 1934, nhưng bóng đá châu Phi chỉ thực sự góp mặt thường xuyên từ năm 1970. Trong các kỳ World Cup sau đó, Phi châu chẳng để lại ấn tượng gì ngoại trừ trận thắng đầu tiên của Tunisia trước Mexico (3-1) tại Argentina 1978.

Espana 1982 đánh dấu bước tiến vượt bậc của châu Phi khi Cameroon và Algeria chỉ để thua 1 trong 6 trận ra quân. Cameroon không thua trận nào nhưng vẫn không đi xa được vì kém Italy (sau đó vô địch) hiệu số, hoặc thua điểm Ba Lan (vào bán kết). Trong khi đó, trận cầu “nhơ nhớp” giữa Đức và Áo đã tiễn Algeria về nước trong nỗi uất hận. Với thằng bé 12 tuổi đã biết mê bóng đá như tôi, Đức trở thành đội bóng không bao giờ có chỗ đứng trong trái tim kể từ đó. Còn Algeria, với tôi, là châu Phi.

2. Đã có lúc, châu Phi cho người ta hy vọng thật nhiều vì cứ mỗi bốn năm họ lại tiến thêm một bước. Sau lần bước hụt ở Espana 82, châu Phi lần đầu đặt chân vào vòng 16 đội khi Marocco vượt qua một bảng nặng gồm Anh, Ba Lan, và Bồ Đào Nha ở Mexico 86 trước khi dừng bước ở vòng 2. Sau đó, Cameroon lại gây chấn động khi đá bại ĐKVĐ Argentina của Maradona 1-0 ngay trong ngày khai mạc Italy 90, và chỉ cách trận bán kết có 8 phút trước khi thua ngược 2-3 trước tuyển Anh ở tứ kết.

Kể từ đó, việc góp mặt ở vòng 16 đội được xem là điều đương nhiên (Nigeria 1994, 1998) trước khi nó bị xem như là một thất bại (Ghana 2006, Algeria-Nigeria 2014) vì Senegal đã làm quá tốt vào năm 2002. Tại World Cup ở châu Á đó, Senegal cũng đánh bại ĐKVĐ Pháp 1-0 ở ngày khai mạc trước khi dừng chân ở tứ kết trước Thổ Nhĩ Kỷ vì bàn thua ở phút bù giờ thứ tư của hiệp phụ thứ nhì! Cách đây bốn năm, Ghana còn tiến gần hơn nữa đến bán kết nếu không có cú đẩy bóng bằng tay của Luis Suarez trên vạch cầu môn, và cú sút từ chấm 11m ở phút cuối đó của Asamoah Gyan bật xà!

3. Đã có lúc, tưởng như suất bán kết đã đến rất gần với bóng đá châu Phi, nhưng, nó cứ … gần mãi, không biết bao giờ mới đến! Hóa ra, vấn đề lớn nhất các đội bóng châu Phi - tiền thưởng đá World Cup - đã có từ năm … 1974. Zaire khi đó đã thua Nam Tư 9-0 vì lý do này!

Ở Brazil 40 năm sau, Cameroon tan rã đội hình ngay từ trước khi giải diễn ra. Ghana bước vào trận đấu quyết định với Bồ Đào Nha với tấm ảnh dàn xe chở 3 triệu USD chia cho đội tuyển và trung vệ John Boye hôn cọc tiền 100.000 USD được tung đầy trên internet! Điều đáng nói là sau đó, chính anh này đá phản lưới nhà còn Ghana thua 1-2. Nigeria vào vòng hai cũng không thoát khỏi vấn đề tiền nong dù họ vẫn chơi tốt (lẽ ra có thể tốt hơn?).

Algeria, đội bóng châu Phi duy nhất không có scandal, cho thấy sự khác biệt khi đứng trước cơ hội rửa hận năm xưa với người Đức. Dù thua, nhưng đội bóng Bắc Phi đã chơi một thứ bóng đá phản công nhưng vô cùng hiện đại, đẹp mắt, lãng mạn, đầy chất kỹ thuật – và đương nhiên, đầy tràn nhiệt huyết.

Tiếc là họ đã dừng bước vì vẫn thua kém một chút (Pháp, Đức quá mạnh), và kém may mắn một chút (bỏ lỡ nhiều cơ hội mở tỷ số). Nhưng “suất bán kết tưởng đã rất gần” kia vẫn sẽ ở rất xa, nếu lực cản của đồng tiền cứ tiếp tục làm “nhão” tinh thần đoàn kết của các cầu thủ châu Phi mỗi khi họ lâm trận.

7 Với 7 bàn thắng tại World Cup 2014, Algeria đã ghi nhiều hơn tổng số bàn thắng ở 3 VCK mà họ tham dự trước đó (6).

3 Trong lịch sử, mới có ba đội bóng châu Phi từng lọt vào đến tứ kết World Cup. Họ là Cameroon (1990), Senegal (2002), và Ghana (2010).

3 Ghana bước vào trận đấu quyết định với Bồ Đào Nha với tấm ảnh dàn xe chở 3 triệu USD chia cho đội tuyển và trung vệ John Boye hôn cọc tiền 100.000 USD trên internet!


Lý Chánh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm