BLV Đình Khải: Lần đầu tường thuật trực tiếp World Cup trên sóng phát thanh

09/06/2014 17:15 GMT+7 | World Cup ở Việt Nam

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là năm 2002, khi Giải vô địch bóng đá thế giới - World Cup lần thứ 17, diễn ra tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

1. Nhật Bản và Hàn Quốc có múi giờ sớm hơn so với Việt Nam. Bởi vậy, khi các trận đấu diễn ra vào buổi chiều, rất thích hợp với thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam. Có lẽ vì thế mà Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam quyết định trường thuật trực tiếp các trận đấu của World Cup 2002.

Để làm được việc này, Trung tâm âm thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ xin sóng "sạch" từ Đài Truyền hình Việt Nam ở Giảng Võ và truyền về 41-43 Bà Triệu, nơi tôi cùng các anh Mạnh Thắng và Thành Lương sẽ bình luận trực tiếp. Phòng bình luận được lắp hai chiếc TV thu tín hiệu từ hai kênh truyền hình khác nhau, đảm bảo tín hiệu thông suốt trong quá trình bình luận.

Quan trọng hơn cả là việc chuẩn bị thông tin, tư liệu cho việc bình luận. Ngày ấy, những thông tin liên quan tới World Cup đã phong phú lắm rồi. Báo chí trong nước đã phát triển mạnh mẽ. Thuận tiện nhất là đã có Internet, có thể cập nhật thông tin đa chiều vào bất cứ lúc nào. Thế nhưng, tôi vẫn đặt mua hai tờ Tin nhanh World Cup của Thể thao & Văn hoá/Thông tấn xã Việt Nam.

Chuẩn bị đầy đủ những thông tin về kỳ World Cup này, về việc chuẩn bị của hai nước đồng chủ nhà Hàn Quốc và Nhật Bản, về con đường đến với vòng chung kết của 32 đội bóng đại diện cho các châu lục, về chân dung những cầu thủ tài danh... là rất cần thiết. Nhưng, chúng tôi không quên tới đặc thù bình luận trên sóng phát thanh.

2. Khác với truyền hình, qua radio người nghe chỉ có một kênh thông tin duy nhất là âm thanh (tiếng động trên sân cỏ và tiếng của bình luận viên). Vì thế, khi bình luận trên sóng phát thanh, các bình luận viên phải chuyển tải thông tin thật đầy đủ, chi tiết, phải mô tả mọi diễn biến trên sân cỏ, phải "vẽ" lại trận đấu bằng ngôn ngữ để người nghe có thể hình dung và hiểu được cặn kẽ tất cả những gì đang xảy ra mà họ không hề nhìn thấy.

Chính vì thế, cùng với việc chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, những người bình luận bóng đá trực tiếp trên sóng phát thanh chúng tôi còn nhắc nhau phải rèn luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ cho thật tốt thì mới hoàn thành được nhiệm vụ. Phải nói liên tục trong suốt thời gian diễn ra trận đấu. Vì thế cần phải có hai bình luận viên, vừa để có thời gian nghỉ ngơi và suy nghĩ, vừa tránh tình trạng người nghe chỉ được nghe một giọng bình luận quá lâu.

Với sự chuẩn bị nghiêm túc và kỹ lưỡng như thế, chúng tôi hoàn toàn tự tin bước vào những buổi bình luận trực tiếp các trận đấu của World Cup 2002, từ trận khai mạc cho tới trận chung kết. Thật vui khi ngay từ buổi bình luận đầu tiên, nỗi lo lúc đầu của chúng tôi là liệu có đáp ứng được yêu cầu của người hâm mộ bóng đá hay không, khi mà truyền hình có những thế mạnh vượt trội, đã được giải đáp.

3. Rất nhiều bạn nghe đài, ở đủ lứa tuổi, nghề nghiệp và giới tính đã viết thư, nhắn tin hoặc gọi điện bày tỏ tình cảm, cổ vũ và động viên chúng tôi. Đó là người dân ở các vùng sâu, vùng xa, các chiến sỹ nơi biên giới, hải đảo, những người khiếm thị, những lái xe đang trên đường, những cán bộ thuyền viên đang lênh đênh trên biển, anh chị em đang làm việc trên các công trường, nhà máy.

Không chỉ có thế, ngay ở các thành phố, thị xã, nhiều người cũng điện thoại báo tin rằng họ vừa theo dõi hình ảnh trên TV, vừa lắng nghe tiếng bình luận trên Đài. Bởi, như họ nói “như thế mới hấp dẫn”. Nông dân Nam Định còn thông báo với chúng tôi rằng, vì đang giữa mùa gặt nên bà con đã mang radio ra đồng, thậm chí có nơi còn kéo loa truyền thanh ra đồng để bà con không bỏ lỡ những buổi bình luận bóng đá của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bạn nghe đài đang làm việc và học tập ở Malaysia cũng nhắn tin về cảm ơn Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều thính giả đã đến Đài để bày tỏ tình cảm của mình và tặng quà cho các bình luận viên. Nghệ sĩ ưu tú khiếm thị đàn guitar Văn Vượng đã nhờ bạn chở đến Đài để tặng các bình luận viên một bao tải vải thiều với lời nhắn “Để các bình luận viên ăn cho ngọt giọng, còn tường thuật các trận đấu cho những người khiếm thị chúng tôi nghe".

Thành công của lần đầu tiên tường thuật một kỳ World Cup trên sóng phát thanh như vậy đã giúp chúng tôi tự tin hơn để tiếp tục thực hiện các cuộc tường thuật các sự kiện thể thao và bóng đá quốc tế những năm sau này.

(Đón đọc kỳ 4)

Bình luận viên Đình Khải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm