(TT&VH) -
Gớm, đại lễ ngàn năm có khác, các em U23 đá như rồng cuốn, với tinh thần hướng về Thăng Long - Hà Nội, nên thắng Iran dễ như trở bàn tay. Dân Sài Gòn vui lắm, khán đài sân Thống Nhất vang lên toàn các bài hát về thủ đô yêu dấu. Sài Gòn đã thế, Hà Nội không biết vui biết chừng nào. Nghe bảo là náo nhiệt lắm. Ngàn năm có một mà. Thế nên nhà nào cũng tranh thủ cho thêm số 1.000 vào cho xôm tụ. Nào là bia hơi, quán cháo lòng, tiệm karaoke, tiệm rửa xe, tiệm Internet…, quán nào cũng chăng biển chào mừng Đại lễ ngàn năm hết ráo.
U23 Việt Nam vô địch Eximbank Cup 2010
Thậm chí các báo nhà ta cũng ăn theo mốt đính chữ “nghìn” vào cho nó thời sự. Chẳng hạn như hôm cụ rùa ở Hồ Gươm trồi lên lấy tí ôxy, một chục tờ báo hết thì hết chín tờ đã giật tít “Hàng nghìn người đến mục thị cụ rùa trong ngày đại lễ”. Mà nghĩ cụ cũng hiển linh thật chứ nhỉ, mấy tháng nay cụ lặn mất tăm, đúng ngay ngày trọng đại cụ xuất hiện một cái là thành verdette ngay. Giá trị ngôi sao là nằm ở chỗ đấy.
Còn vô vàn những tiết mục chào mừng đại lễ nghìn năm nữa. Bên cạnh những tiết mục chính thống còn có không ít những chuyện ngộ nghĩnh như món ăn nghìn vị, hàng nghìn người đạp xe xuống đường, những người vượt nghìn cây số ra dự lễ, triễn lãm “Văn minh lúa nước sông Hồng” với nghìn cá thể rùa (lại rùa!), nghìn đồng tiền cũ và nghìn nông cụ. Có nơi còn làm món chả mực hình cụ rùa dài tới cả mét nữa (không biết ăn cụ thì có xúc phạm tới thành thần không nhể)… Nói chung ngày vui, ta cứ việc vui chơi, bỏ qua những chuyện buồn như có nơi phải thiêu hủy cả… nghìn con lợn vì dịch heo tai xanh hay đại loại thế.
Quay lại với hai cái cúp bóng đá kỷ niệm nghìn năm Thăng Long. Một ở sân Mỹ Đình với đội tuyển hẳn hoi và một ở sân Thống Nhất với đội tuyển Olympic. Tất nhiên là ở cả hai giải thì đội ta đều để lại ấn tượng. Riêng cái giải ở thành phố Hồ Chí Minh thì ta giành hẳn chức vô địch hẳn hoi như đã nói ở trên. Nói chung trận chung kết ta đá tưng bừng, dù thiếu người vẫn hạ đối thủ đến từ một cường quốc bóng đá ở châu Á, trong bối cảnh đối phương chỉ cần một trận hòa là vô địch. Trước đó, đội tuyển lớn của HLV Henique Calisto cũng tạo dấu ấn khi thắng U23 Kuwait (cũng là một quốc gia mạnh trong khu vực) 3-0. Điểm chung của 2 giải này, chúng ta đều thắng 2 đối thủ vốn được đánh giá cao và dù 2 giải tổ chức 2 nơi xa lắc nhưng đều có cái tên Ngàn năm Thăng Long.
Bởi thế tui mới ngạc nhiên là khi ra đường hiếm có ai nhắc đến chuyện đội U16 ta vừa vô địch giải Đông Nam Á mở rộng. Trận chung kết còn thắng cả người láng giềng hùng mạnh mới kinh. Mà cũng không phải "thắng rùa" đâu nhé, vì ở vòng bảng thì ta cũng thắng bạn 1-0.
Lại nhớ cách đây tròn 10 năm, đội U16 ta từng thắng đội Trung Quốc một cách tưng bừng, giới thiệu ngôi sao Phạm Văn Quyến mà sau này đã từng giành Quả bóng vàng cũng như cống hiến biết bao trận đấu đẹp cho bóng đá Việt Nam. Bây giờ, một thế hệ mới đang nhen nhóm xuất hiện với chiến thắng tương tự trước đội bóng láng giềng. Nếu như 2 đội Việt Nam ta được đá sân nhà, lại dự 2 cái giải mà cái tên đủ để nhắc nhở các đội đến dự về tính chất giao hữu của nó thì đội U16 cũng xứng đáng được ngợi khen vì họ dự giải ở Indonesia. Bóng đá sẽ phát triển từ những lứa tuổi nhỏ như vậy. Trước khi vô địch World Cup 2010, những Xavi, Puyol và Casillas cũng đã thành danh ở những giải dành cho tuổi teen đấy thôi…
BLV Đình 8