Blog bóng đá: Sát thủ, sợi xích và...bóng đá SEA Games

31/10/2011 12:02 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Một tuần qua, từ giới trẻ cho đến giới đã từng trẻ đều lên cơn sốt với cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” với hàng loạt ý kiến trái chiều. Điều này làm cho tui bùi ngùi nhớ lại tác phẩm “Sợi xích” cũng từng gây hoang mang dư luận cách đây ít lâu. Một bên là thành ngữ hiện đại, một bên là truyện tình cảm tình ái nhưng đều sử dụng những ngôn từ hết sức táo bạo. Cả đều có rất nhiều hình. Tác giả “sát thủ” thì dùng hình để minh họa còn tác giả “Sợi xích” đính kèm hình của chính mình cho nó “hot”. Kết quả là cả 2 đều bị thu hồi và tạo ra một cơn sốt còn ghê gớm hơn ban đầu trên mạng internet. Kết luận sơ khởi: “Sát thủ” cũng độc hại chả kém gì “Sợi xích”!

Tất nhiên đó là kết luận lớt phớt thôi, chứ nếu đi sâu thì thấy 2 tác phẩm này khác xa. Nếu như văn phong của “Sợi xích” hoàn toàn không có gì mới mà ta hoàn toàn có thể bắt gặp ở những tác phẩm kinh điển ngoài luồng như “cô giáo gì đó” thì ngược lại ở cuốn “Sát thủ”, ta bắt gặp một ý tưởng hoàn toàn mới lạ, độc đáo. Mà phàm cái gì mới cũng bị mổ xẻ rất nhiều. Cuốn sách được đại đa số giới teen chấp nhận và bị đại đa số giới đã từng teen lên án. Lý do là nó chà đạp sự trong sáng của Tiếng Việt.


Phải kiên cường như Tấn Trường, người sẽ chẳng ngán cả Rooney lẫn Messi (nếu chẳng may có phải đối đầu với họ)…

Ngay từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tui đã được nghe về cái gọi là sự trong sáng của tiếng Việt. Trong lúc ta chưa kịp làm trong sáng tiếng Việt, thậm chí đã có ý kiến làm trong sáng tiếng nước ngoài với phát kiến “F, J, W, Z” bất hủ. Nếu nói là cuốn sách bôi xấu văn hóa và chà đạp tiếng Việt thì ngày xưa, người ta đã không xuất bản cả nguyên một cuốn sách toàn là những câu đố tục giải thanh và nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương chắc phải đã bị ném đá tơi bời hoa lá. Lần mò lại lịch sử mới thấy ngày thơ mới của các cụ ra đời cũng bị ném đá. Thơ gì mà không ăn vần gì hết, thơ gì mà không thất ngôn, cũng chả lục bát, thơ gì mà ngôn từ hình ảnh cũng đều táo bạo. Tục ngữ và thành ngữ là do dân gian truyền miệng mà thành. Nó có những câu hay, những câu ít hay và những câu hoàn toàn không hay. Dần dần qua quá trình sàng lọc, những câu ít hay và không hay kia sẽ bị đào thải chỉ còn lại những gì tinh túy. Những câu thành ngữ trong cuốn sách kia chính là những gì giới trẻ ngày nay nói trong đời sống thường nhật, cấm cuốn sách, chứ làm sao cấm được giới trẻ nói chuyện. Chẳng lẽ bọn trẻ bây giờ buôn chuyện với nhau sẽ nói: “Cao xanh ơi. Sao người ta có thể đánh một người đã già như Gadaffi dã man như vậy chứ. Đánh kẻ chạy đi, chứ ai đánh người trước mặt bao giờ”? Người trẻ không nói vậy, họ nói: “Trời ơi, chúng đánh Gadaffi dã man con ngan, nhìn là chỉ muốn ngất trên cành quất. Mặc dù ảnh ác như con cá thác lác nhưng cũng đâu còn cần tàn độc như con cồng cộc như vậy chứ hả”!

Việc mở rộng từ ngữ tiếng Việt hiện đại (tất nhiên phải cần hệ thống hóa) là điều đáng bàn. Nhìn cuốn từ điển là thấy. Từ điển Việt – Anh mỏng lét như bánh tét trong khi cuốn Anh – Việt nó dày như cái bánh dày. Thay vì cấm những câu như “Ăn chơi đâu sợ mưa rơi” hay “ác như con tê giác” (câu này rất thời sự vì tê giác ở Việt Nam tuyệt chủng rồi), sao người ta không cấm những bài hát có cái tựa cực kỳ phản cảm như “Bất ngờ anh yêu người cùng phái”, “Bạn tôi mà em cũng không chừa”.

Tui đi xa như vậy là bởi tui đang ấp ủ làm một cuốn thành ngữ về bóng đá Việt Nam với hy vọng ở một cái giải nhá nhem như SEA Games, các cầu thủ vẫn sẽ nghĩ về người hâm mộ để mà ra sức. Sau giải, tui mong sẽ có cuốn sách nào đó ghi lại ta đã đi đến tấm huy chương vàng mơ ước nhờ sự kiên cường như Tấn Trường, thường lanh như Thành Lương, miệt mài như Tấn Tài, hiên ngang như Long Giang. Đại loại vậy, nếu không thì mãi mãi các cầu thủ nhà sẽ bị mang tiếng “Bán độ thì nhanh, đá banh thì dở”. Phải vậy thôi, chứ chẳng có ai “thất bại vì ngại thành công” cả!

BLV ĐÌNH 8

Chuyên mục có tính trào phúng, xuất hiện các thứ hai hàng tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm