12/12/2011 11:26 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH) - BLV Đình 8 tiếp tục gặp lại độc giả chuyên mục Blog bóng đá. Tuần này là câu chuyện "phỏng vấn công an giao thông".
+ PV: Chào anh công an, dạo này anh khỏe chứ?Công an: Khỏe gì nổi hả nhà báo, bữa giờ luyện tập mệt đến phờ người. Dám mai mốt được cử đi thi SEA Games lắm
+ Ồ, giao thông thì liên quan gì đến thể thao nhỉ?
Ơ, giao thông không đánh golf chứ chơi được nhiều môn chứ. Nói đùa, tụi tui bữa giờ tập bủa lưới bắt vi phạm giao thông. Sau này SEA Games mà có môn bủa lưới... tốc độ thì khỏi cần kiếm nguồn CĐV đâu cho xa, cứ mang tụi tui ra thi là ăn giải hết.
+ Nghe rất hợp lý!
Rõ ràng là vậy. Bên Indonesia người ta còn thi môn đánh bài, chả thấy chút gì gọi là thể thao trong đó, sao ta không thi được những môn này.
+ Tập luyện mệt thế có phụ cấp không nhỉ?
Làm gì có. Trái lại, tụi tui đang mệt với quy định chỉ được mang tối đa 100.000 đồng trong người đây.
+ Đấy là một quy định hợp lý để ngăn tiêu cực, sao lại mệt?
Chỉ có 100.000 đồng, tức là phải chi tiêu dè xẻn. Ăn uống cả ngày cũng tạm ổn. Nhưng lỡ hư xe là phải mượn tạm tiền công. Không có tiền công, chả lẽ lại canh coi ai vi phạm để có tiền mà mượn hay sao. Thiệt khổ. Bây giờ tụi tui thấy tiền là sợ gần chết
+ Ồ, sợ tiền?
Chứ sao. Lỡ cấp trên phát hiện tụi tui có hơn 100.000 đồng là mệt. Hôm nọ có thằng bạn thiếu nợ đã lâu, nó thấy tui trên đường tấp vào trả. Làm sao tui dám nhận chứ. Thế là nó cười hề hề: “Tại mày không lấy chứ không phải tao không trả nha”. Hôm nọ bà vợ kêu chạy vào mua hủ chao, bó rau muống mà lỡ dùng hết tiền là chỉ có nước bó tay. Buổi sáng trước khi ra khỏi nhà là phải kiểm tra đủ các túi, coi coi có tiền thừa nào trong đó không, lỡ mang có 100.000 mà cái túi sau còn 5.000 hôm trước sót lại là cũng không ưng cái bụng. Theo tui, trên thế giới mỗi chúng ta... sợ tiền.
+ Anh nói thế nghe cũng hợp tình, nhưng để cái nhìn của mọi người về ngành nghề của anh tốt hơn, để triệt để loại tiêu cực thì phải chịu khó một thời gian vậy.
Đồng ý với nhà báo. Nhưng tình hình bất tiện này chắc phải xin chuyển nghề.
+ Nghề gì oai hơn công an nữa?
Trọng tài chứ chi.
+ Trọng tài bị chửi hoài vì dính tiêu cực đó thay?
Ơ, công an và trọng tài đều bị chửi là tiêu cực. Tại sao dưỡng liêm cho công an bằng cách không cho xài tiền còn dưỡng liêm cho trọng tài bằng cách phải ép xài tiền?
+ Cái vụ ép xài tiền này bữa giờ xôn xao nè, anh cũng coi tivi hả?
Không có tiền làm sao đi ăn nhậu, về nhà bật tivi cho lành. Nghe đài bảo thu nhập hàng năm của trọng tài từ 30-50 triệu đồng/tháng.
+ Anh thấy vậy là không thỏa đáng ư?
Nhà báo có thấy thỏa đáng không. Hãy so sánh công sức bỏ ra với mức thù lao thì sẽ rõ, so với những ngành nghề khác càng rõ. Phần lớn số tiền trong hàng chục triệu kia được dùng để dưỡng liêm, khiến cho trọng tài không đến mức túng thiếu đến mức phải bán mình cho quỷ dữ, nhầm, bán mình cho bọn dàn xếp tỷ số.
+ Phương án đó có gì sai, hay anh ghen tỵ?
Tôi chả ghen tỵ, chỉ thấy mắc cười. Hôm nọ nghe đâu có tiêu cực ở trận Lyon và Zagreb. Nghĩ sao mà giữa chốn Champions League mà còn có tiêu cựu. Cầu thủ giờ thu nhập bạc tỉ, việc gì họ phải bán độ chi cho cực. Họ bán độ vì mức thu nhập từ bán độ còn cao gấp trăm lần thu nhập chính thức của họ chứ sao nữa. Chả lẽ người ta đi mua độ 100.000 ngàn hay mấy triệu bạc sao?
+ Anh chê bai nhiều quá, từ ngành mình sang đến ngành bạn?
Ơ, không, tui chỉ thấy sao nói vậy. Chê bai là chuyện của nhà báo các anh chứ. Nhưng đúng là có một chút ghen tỵ khi nhìn mấy anh trọng tài. Tụi tui giám sát giao thông, mấy ảnh giám sát trận đấu, vậy mà chênh lệch cao quá. Hôm nọ anh trọng tài Hàn Quốc sang đây cũng được săn đón không thua gì diễn viên điện ảnh nổi tiếng. Hỏi anh có thích không chứ.
+ Ừ cũng thích thật. Nhưng thôi, việc ai nấy lo thôi. Cám ơn anh vì cuộc phỏng vấn, xin gửi anh chút thù lao uống nước?
Muốn giết tôi à. Khỏi thù lao chi hết. Nhà báo chạy xe cẩn thận đấy nhé, kẻo dính vào lưới cá, lưới luật pháp đó nha.
BLV ĐÌNH 8
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất