26/06/2012 16:44 GMT+7 | Hậu trường Euro
(TT&VH) - Những CĐV Việt Nam hay thích “nổi lửa lên em” trên các khán đài, chửi thề ỏm tỏi, chặn xe cầu thủ và trọng tài để “xin tí huyết” nên hướng về EURO để xem CĐV của các đội dự giải thể hiện tình yêu của mình. Có thể nói EURO 2012 dù có chất lượng chuyên môn cao đến đâu cũng không thể thành công nếu như thiếu lực lượng cổ động đầy màu sắc và rất tuyệt vời trên khán đài.
Từ thứ tình yêu chung thủy
CH Czech khởi đầu EURO với trận thua tan tác 1-4 trước Nga. Cứ ngỡ như 1 mùa EURO nữa đã đi đời. Vậy mà khi HLV Michal Bilek bị báo chí ném đá tơi bời thì số lượng CĐV đến Ba Lan xem trận đấu thứ 2 của CH Czech thậm chí còn đông gấp rưỡi trận ra quân. Họ bảo: đội tụi tui càng thua thì càng cần sự cổ vũ, không cổ vũ lúc này thì cổ vũ lúc nào, CH Czech là nước nhỏ xíu, đâu phải như Brazil đâu mà lúc nào cũng đòi thắng người ta?
Trời, nghe CĐV người ta nói, tự nhiên tui thấy xấu hổ với chính mình. Mà có lẽ nhiều người trong số các CĐV Việt của mình cũng thế, thấy đội tuyển thua thì đâm ra chán nản trong khi đó mới là lúc các cầu thủ cần sự cổ động nhất để bán độ tiếp, ý quên, để vượt qua khó khăn.
Tay trống Manolo, một CĐV nổi tiếng của đội TBN, người chưa từng vắng mặt trong bất kỳ trận nào của đội bóng xứ sở bò tót tính từ World Cup 1982 đến nay - Ảnh: Getty |
Đến thứ tình yêu quên mình
Nói về sự chung thủy và dễ thương, có lẽ trên đời hiếm ai được như anh Manolo của Tây Ban Nha. Từ World Cup 1982 đến nay, Manolo không vắng mặt bất kỳ trận đấu nào của Tây Ban Nha, từ giao hữu cho đến chính thức. Anh cũng chỉ có một gu ăn mặc: mũ nồi đen, áo số 12 và cái trống to tướng y như… cái bụng của anh. Vì niềm đam mê ấy, ảnh bỏ gia đình, bỏ hết công việc làm để chạy theo đội tuyển.
Một lần ngao du về nhà, Manolo phát hiện ra vợ con đã bỏ mình đi tự lúc nào. Nhưng anh không buồn: Tại tui bỏ họ mà đi trước, nên họ mới bỏ tui. Xong phóng viên hỏi nếu được chọn lại từ đầu thì anh sẽ chọn cái gì. Ảnh nói luôn: Tui chọn đội tuyển, cổ động đội bóng vui thấy mồ.
World Cup năm ngoái, đến tứ kết thì ảnh buộc phải về Tây Ban Nha nhập viện cấp cứu vì viêm phổi. Ai ngờ đâu Tây Ban Nha vô bán kết là anh đã chui tọt lên khán đài Nam Phi đánh trống ầm ầm. Mấy anh bác sĩ của đội cũng lắc đầu. Sau trận chung kết anh cười hì hì: Tui mà lỡ trận đấu này thì chết không nhắm mắt. Giờ thì chết được rồi. Tất nhiên, không một ai muốn anh Manolo treo trống cả.
Từ tình yêu rao bán
Anh Manolo chỉ cần giữ sức khỏe, anh sẽ còn được ủng hộ Tây Ban Nha dài dài. Chứ còn các CĐV Bỉ thì chờ mút mùa lệ thủy cũng không được cổ động ở giải lớn vì đội Bỉ cứ bị loại hoài. Lần cuối cùng họ được dự EURO đã cách đây 12 năm (mà lần ấy cũng nhờ đăng cai chung với Hà Lan nên mới được dự). Vì quá thèm khát không khí của ngày hội lớn, một nhóm gồm mấy chục nghìn fan Bỉ đã rao bán mình trên mạng Ebay. Ai mua là họ sẽ cổ vũ hết cho đội đó và toàn bộ tiền sẽ quyên cho Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc. Rốt cục Hà Lan mua họ. Đến khi Hà Lan bị loại, họ cũng buồn bã vật vã đàng hoàng rồi lên mạng… rao bán tiếp. Bán mình kiểu đó, dễ thương gấp mấy lần mấy cô showbiz nhà mình ấy nhỉ.
Đến thứ tình yêu thái quá
Tất nhiên, EURO không chỉ có những tình yêu dễ thương như vừa nêu. Nó còn là thứ tình yêu thái quá của các CĐV Nga hay Croatia, những người đã có những lời miệt thị chủng tộc rất đáng chê trách. CĐV Nga còn choảng nhau với an ninh sân bay, CĐV Croatia thì ném pháo sáng xuống sân khiến trận đấu bị dừng. Hên là năm nay chưa có vụ bắt bớ nào liên quan đến CĐV Anh. Hooligan từ xứ sương mù mà “hiện thân”, Ba Lan & Ukraina mà không thành cái chợ tui chết liền.
Vậy tại sao CĐV Anh không quậy? Vì họ cũng như CĐV… Việt Nam, không còn tin vào đội nhà nữa. Một lần, 2 lần, 3 lần, bị đối xử tồi tệ quá thì các CĐV Anh cũng phải quay lưng lại với đội nhà. Huống chi năm nay Anh vào giải với một đội hình bèo nhèo với gần một chục trụ cột bị chấn thương. HLV Fabio Capello thấy tình hình không êm nên đã chuồn trước, bỏ đội tuyển cho một ông HLV mặt khổ ơi là khổ là Roy Hodgson.
Đến tình yêu… trớt quớt
Nhưng lạ ghê, khổ vậy chứ Anh lại đá hay mới chết. Ở trung tâm hàng thủ khi không còn Rio Ferdinand, anh chàng giựt vợ John Terry giựt banh trong chân đối phương nhanh phải biết. Ở hàng tiền vệ khi không có Frank Lampard, Steven Gerrard nổi lên như một thủ lĩnh. Trong khung thành không còn Robert “xanh như tàu lá” nữa mà là Joe Hart. Nhưng tất nhiên đáng chờ đợi nhất vẫn là ngôi sao Wayne Rooney dù anh bị treo giò 2 trận đầu.
Nhìn Anh đá, những anh chàng si tình bỗng chợt dậy nên một niềm tin: rồi những tình yêu mù quáng của ta cũng sẽ có lúc được đền đáp. Và vào lúc mà ta mất hy vọng nhất vào một cô nàng, chính nàng ấy sẽ đến bên ta và… cua ngược lại ta. Trong cơn miên man suy nghĩ ấy, tui chợt nhận tin nhắn từ nàng thật mới chết. Nàng chỉ ghi ngắn gọn “Em yêu anh”.
BLV Đình 8
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất