01/02/2009 05:12 GMT+7 | Thế giới
Con người có thể tính toán chính xác đến từng giây lúc nào có nhật thực nhưng chịu, không thể dự báo chính xác ngày mai giá chứng khoán sẽ như thế nào. Bởi mọi quy luật kinh tế đều phải chiếu qua lăng kính tâm lý con người để rồi biến đổi khôn lường như chiếc kính vạn hoa.
Dự báo kinh tế bấy lâu nay còn tương đối chính xác do người ta cùng chia sẻ một niềm tin rằng nếu làm như thế này sẽ có kết quả như thế kia. Chẳng hạn, nếu hạ lãi suất, người dân sẽ vay tiền làm ăn nhiều hơn. Nay bỗng khủng hoảng kinh tế tài chính nổ ra, mọi giá trị bị đảo lộn, niềm tin biến mất, và mọi dự báo hóa ra đều trật lất! Lúc giá dầu thô vọt lên đỉnh 147 đô la/thùng, có ai dám nói nó sẽ rớt xuống dưới mức 50 đô la chỉ trong vòng bốn tháng?
Chẳng lạ gì khi cuốn “Thiên nga đen” của Nassim Taleb được xuất bản vào tháng 5-2007, có vô số bài điểm sách chê bai tác giả đủ điều và cũng chẳng lạ gì đến cuối năm 2008, hàng chục bài báo nhắc đến nó như một dấu ấn của một thiên tài suýt bị bỏ sót! Đến nay “Thiên nga đen” bán được trên 370.000 cuốn ở Mỹ và Anh, đang được dịch ra 27 thứ tiếng và liên tục nằm trên danh sách sách bán chạy nhất của tờ New York Times trong 17 tuần liền.
Tư tưởng chủ yếu của Taleb, một giáo sư toán tài chính tại trường New York University, có thể tóm gọn trong một câu: tất cả chúng ta đều nhắm mắt làm ngơ trước các biến cố hiếm hoi và cứ ảo tưởng mình có thể tiên đoán mọi rủi ro, mọi cơ hội.
Taleb tin rằng nhà đầu tư thường bỏ qua nguy cơ thị trường biến động mạnh, đặc biệt trong suốt thời gian dài kinh tế phát triển ổn định. Ông viết: “Chúng ta cứ gán thành công cho sự tài tình của bản thân còn thất bại là do biến cố ngoại lai, nằm ngoài tầm kiểm soát”.
Ông cho rằng các biến cố lớn thường xảy ra trong tài chính hơn ở ngoài đời và đưa ra ví dụ: “Nếu ta lấy ngẫu nhiên từ dân số toàn cầu hai người có chiều cao tổng cộng là 3,4 mét. Xác suất mỗi người cao bao nhiêu? 3 mét và 0,4 mét? Làm gì có, xác suất cao nhất là 1,7 mét và 1,7 mét. Nhưng trong tài chính, sự việc lại ngược lại. Nếu cũng lấy ngẫu nhiên từ dân số toàn cầu hai người có tổng tài sản là 14 triệu bảng Anh. Không lẽ xác suất dễ xảy ra nhất là mỗi người có 7 triệu bảng? Cũng làm gì có, thông thường là 5.000 bảng một bên và bên kia là 14 triệu bảng trừ bớt 5.000 bảng”.
Vì sao sách có tựa đề là “Thiên nga đen”? Đã có thời ai cũng nghĩ thiên nga toàn màu trắng cho đến lúc các nhà thám hiểm khám phá thiên nga đen ở Úc. “Thiên nga đen” là ẩn dụ chỉ những điều không ai nghĩ sẽ xảy ra nhưng vẫn có khả năng xảy ra.
Sách phát hành chỉ mấy tháng là cuộc khủng hoảng tài chính, bắt đầu từ các khoản nợ dưới chuẩn trên thị trường địa ốc, nổ ra. Chứng khoán toàn cầu chao đảo từ đó đến nay. Và Taleb trở nên nổi tiếng - khủng hoảng càng lan rộng ở mức độ gây kinh ngạc chừng nào, ông càng nổi tiếng chừng đó.
Không chỉ viết sách, Taleb còn thực hành ngay điều mình tin tưởng. Ông hùn hạp mở một quỹ đầu cơ phòng hộ Universa Investment mà chiến lược kinh doanh dựa nhiều vào những điều ông viết, đặc biệt là phải làm gì để “tận dụng cơ hội” khi thị trường tụt dốc. Quỹ này có nhiều quỹ riêng và trong tháng 10-2008 đầy biến động, chúng đều tăng trưởng từ 65-115% trong khi các quỹ khác thua lỗ nặng nề.
Quay trở lại lý thuyết “Thiên nga đen”, Taleb cho rằng con người có xu hướng bỏ qua các biến cố lớn với xác suất thấp bởi “các chuyên gia” thường đưa ra dự báo dựa vào các mối liên hệ đã được quan sát trong quá khứ. Ông chia các hiện tượng thành hai loại và đặt tên chúng là Mediocristan (Bình thường) và Extremistan (Cực độ).
Loại Mediocristan thường có độ ngẫu nhiên thấp như chiều cao, cân nặng, chỉ số IQ, thu nhập của giáo viên; còn loại Extremistan có độ ngẫu nhiên cao có sự phân bổ khác thường không tiên đoán được như tài sản, dân số của các thành phố, thiệt hại do động đất, giá hàng hóa và chứng khoán. Ví dụ, lấy một nhóm 100 người ngẫu nhiên, thêm vô anh chàng cầu thủ bóng rổ Yao Ming cao kều, chỉ số chiều cao bình quân của nhóm sẽ tăng chút ít nhưng không đáng kể. Cũng nhóm 100 người này, bổ sung thêm tỉ phú Bill Gates thì bỗng nhiên, tài sản bình quân của nhóm sẽ tăng đột ngột. Như vậy chiều cao của Yao Ming là loại Mediocristan còn tài sản của Bill Gates thuộc loại Extremistan.
Tiến bộ xã hội, nhất là do khoa học kỹ thuật, đã làm loại Extremistan xuất hiện nhiều hơn và liên quan đến con người nhiều hơn. Ví dụ, trước khi có công nghệ thu âm, thu nhập của ca sĩ được phân bổ đều hơn bây giờ. Taleb tin rằng bộ não con người phù hợp với một thế giới đơn giản hơn là thế giới phức tạp như ngày nay. Con người vẫn có xu hướng thấy, tin và nhớ lâu những dữ kiện củng cố suy nghĩ của chúng ta, những sự kiện phù hợp với dự phóng của con người về tương lai.
Cũng đúng là các nhà phân tích chứng khoán hành động rất buồn cười. Họ có thể cho rằng chứng khoán tăng giá vì Obama đắc cử và hôm sau nói ngược lại chứng khoán giảm do Obama sắp lên làm tổng thống - tức diễn giải sự kiện theo suy nghĩ chủ quan.
Giả dụ, một phụ nữ có thai đi qua, đối với người quan sát, đứa bé là con trai hay con gái hoàn toàn là điều ngẫu nhiên nhưng đối với bà mẹ (đã đi siêu âm) thì giới tính của con mình đã là chuyện đương nhiên. Ngẫu nhiên và đương nhiên cùng nằm trong một sự việc, chỉ khác ở góc nhìn nhưng không ai chịu nhìn từ nhiều góc độ.
Universa phòng hộ như thế nào? Trong giao dịch chứng khoán, có một hình thức giao kết trong đó một bên được quyền bán (nhưng vẫn giữ quyền không bán) một loại chứng khoán nào đó với giá ấn định có hiệu lực cho đến một thời điểm trong tương lai (put option). Đổi lại, người mua quyền này phải trả phí cho người kia.
Vào thời điểm thị trường ổn định, mức phí này rất thấp nên Universa thu gom chúng và chịu mức lỗ không đáng kể. Lúc thị trường lao dốc như những tháng vừa rồi, Universa hốt bạc vì họ có thể mua chứng khoán với giá thấp trên thị trường để thực hiện quyền bán với giá cao.
Chiến lược này sẽ hòa vốn hay lỗ ít trong hầu hết các tháng trong năm và chỉ chăm chăm tháng có biến động để kiếm lời.
Tất nhiên việc hốt bạc này chỉ xảy ra nếu như có người sẵn sàng bán “quyền bán” trên, tức là họ phải mua vì những người tin ngược lại là giá sẽ lên.
Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu những hoạt động trên tạo cho thị trường chứng khoán hoạt động hữu hiệu hơn hay chỉ làm tăng thêm độ biến động trên thị trường, và làm giảm bớt niềm tin vào thị trường, mà có lúc Ủy ban Chứng khoán Mỹ đã tạm cấm quyền bán mà không có chứng khoán trong tay.
Sự thành công của cuốn “Thiên nga đen” đem đến cho Taleb nhiều “biến cố bất ngờ” - nói theo ngôn ngữ của ông. Trước tiên là một hợp đồng viết tiếp cuốn khác, có thể có tựa đề Tinkering (Chỉnh sửa) với tiền ứng trước lên đến 4 triệu đô la. Cuốn này bàn về chuyện làm thế nào để sống trong một thế giới chúng ta không hiểu hết. Hiện nay ai muốn mời Taleb đến nói chuyện, xin trả một buổi như thế chừng 60.000 đô la. Khách hàng lại không thiếu, kể cả NASA, nhờ Taleb bày cách xác định con “thiên nga đen” trong việc chuẩn bị các chuyến bay vào vũ trụ; Cơ quan phòng chống hỏa hoạn của Mỹ muốn ông nói về xác suất cháy rừng…
Mới tháng 12-2007, Taleb đứng trước chừng 30 viên chức cao cấp của Ngân hàng Société Générale của Pháp và thẳng thừng cảnh báo, việc sáp nhập nhiều ngân hàng trong những năm qua đã đưa đến số lượng ngân hàng ít hơn nhưng quy mô lớn hơn nên độ tập trung rủi ro cũng cao hơn. Như thế xác suất ngân hàng thua lỗ nặng nề vì biến cố không lường trước lại cao hơn chứ không giảm đi. Chỉ sáu tuần sau đó, Société Générale báo cáo thua lỗ 4,9 tỉ euro, mức thua lỗ cao nhất của một ngân hàng cho đến lúc đó. Có lẽ sự chao đảo của hệ thống ngân hàng toàn cầu càng minh chứng cho tiên đoán này.
Những phê phán của giới học thuật nhắm vào Taleb tập trung vào một số điểm như đã từng có nhiều sách viết về xác suất các biến cố bất thường, chuyện Taleb nói không gì mới, chỉ gặp may là đúng thời.
Một số bài điểm sách chê trách Taleb dùng lối văn trịch thượng, mỉa mai đủ hết mọi giới học giả. Nhiều người trong giới tài chính cho rằng tính toán dự báo tài chính luôn liên tục cập nhật thông số mới để đưa ra dự báo mới chứ không làm lơ như cáo buộc của Taleb. Nhưng cập nhật vẫn là dựa vào quá khứ, nên không dự báo được những cái không bình thường hay cực độ mà Taleb nói tới.
Thật ra, cái thiếu dễ thấy nhất của “Thiên nga đen” là chỉ nói khơi khơi những hiện tượng Taleb quan sát được chứ không đưa ra giải pháp gì, ngoài chiến lược “đánh quả” trên thị trường chứng khoán. Và những quan sát đó, nhiều cái rất bất ngờ và đầy tính thuyết phục, đã làm nên sức hút của cuốn sách.
Thế nhưng ý nghĩa của cuộc sống này là gì nếu không phải là sự ngẫu nhiên của số phận và từ đó mới có sức mạnh của niềm tin. Giả sử lý giải của Taleb là đúng, có lẽ chẳng ai chịu ra sức vì một cái tương lai mà họ cho rằng họ có quyền hướng đến theo ý chí và nỗ lực bản thân của họ.
Cũng đã có nhiều cuốn tiểu thuyết dựa vào ý tưởng có người biết trước được tương lai nhưng tất cả cuối cùng đều muốn từ bỏ khả năng này vì với họ, cuộc sống không còn chút xíu gì ý nghĩa nữa khi ta biết rõ từng giây sau sẽ như thế nào. Ngay cả trong chiến lược làm ăn theo kiểu “Thiên nga đen”, hình ảnh một quỹ đầu cơ cứ chăm chăm đợi thị trường biến động để hưởng lợi cũng chẳng khác gì hình ảnh bầy quạ đen chăm chăm chờ chiến tranh xảy ra.
Thị trường xáo động khi mọi người mất niềm tin - vấn đề niềm tin này có thỏa đáng hay không là chuyện khác- và cả xã hội toàn cầu cũng sẽ rơi vào bất ổn nếu mọi người không còn tin vào hệ quả của hành vi từng được điều kiện hóa qua mấy ngàn năm tiến hóa. Và sức mạnh của nhân loại nằm ở chỗ họ biết điều chỉnh niềm tin để dần dần hướng đến cái tốt hơn, công bằng hơn và phổ quát hơn.
(Theo TBKTSG)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất