09/12/2017 14:59 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Bitcoin ra đời vào năm 2008. Đây là thời điểm quan trọng với nền kinh tế thế giới khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu lan rộng từ những sản phẩm tài chính đầy rủi ro ở Mỹ và châu Âu, kéo đổ các ngân hàng lớn, buộc các chính phủ phải ra tay in và bơm một khối lượng tiền khổng lồ để cứu nền kinh tế.
Đồng tiền ảo Bitcoin
Bitcoin đang làm mưa làm gió trên thị trường tài chính với nhiều tranh cãi và nhiều chính sách điều chỉnh khác nhau ở các quốc gia. Lúc này, nhiều người cả không chỉ ngoài giới tài chính giật mình nhìn lại thật sự Bitcoin là gì?
Cộng đồng sử dụng đồng tiền điện tử Bitcoin từng rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi sàn giao dịch Bitcoin lớn hàng đầu thế giới Mt.Gox có trụ sở tại Nhật Bản đột nhiên biến mất hoàn toàn khỏi mạng Internet hôm 25/2/2014. Sự việc Mt.Gox phá sản không chỉ khiến giới đầu tư thất vọng mà còn khiến dư luận thế giới phải lên tiếng cảnh báo về tính rủi ro cao của những đồng tiền ảo. Qua đó, việc giao dịch trong thế giới tiền ảo cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Khi đó, vào tháng 11/2008, một nhân vật bí hiểm có nickname là Satoshi Nakamoto đã đưa lên mạng công trình nghiên cứu, miêu tả cách thức tổ chức, vận hành của một đồng tiền điện tử dưới tên gọi là Bitcoin nhằm mục đích đưa đồng tiền này thành một công cụ thanh toán không chịu sự chi phối bởi ngân hàng của bất kỳ chính phủ nào.
Bitcoin được hiểu là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), được tạo ra từ các thuật toán. Quá trình xử lý thuật toán trên máy tính được gọi là "đào” (mining). Thực chất, bitcoin chỉ là chuỗi các con số và chữ cái. Chỉ cần máy tính có cấu hình đủ mạnh và thiết bị ngoại vi lắp thêm là người dùng có thể tham gia vào “đào” bitcoin. Cũng giống tiền thật, bitcoin được chia thành các mệnh giá nhỏ như: Decibitcoin, centibitcoin, milibitcoin... và được ký hiệu là BTC.
Để thực hiện giao dịch cần phải có số bitcoin tương ứng. Đầu tiên, người dùng phải có một ví BTC (bitcoin wallet) bằng cách tải những phần mềm tạo ra nó từ một số trang web chuyên làm dịch vụ này. Mỗi ví bitcoin có một địa chỉ riêng là một chuỗi số và chữ (ví dụ: 13vxz4E7ieSRdjT5Z12hv4UYWd6PQ3MRVh). Sau đó, người dùng có thể vào các trang giao dịch BTC để mua BTC đem về bỏ vào ví và được xem là đã tham gia cộng đồng BTC.
Thường thì mua BTC bằng chuyển khoản, thẻ tín dụng hay trả trực tiếp bằng tiền mặt. Sau đó, người ta giao dịch, mua bán hàng hóa hay dịch vụ và thanh toán bằng BTC. Cứ 10 phút, mọi giao dịch sẽ được cập nhật vào sổ cái (block chain) và lúc đó giao dịch được dán nhãn là đã xác nhận.
Mỗi khi có giao dịch được thực hiện, cộng đồng BTC quy định thông tin về giao dịch đó sẽ được ghi vào sổ cái. Thông tin cũng được gán vào phần cuối của dãy chữ và số tượng trưng cho BTC, cho biết số tiền đã tiêu và còn lại. Theo quy định, cộng đồng BTC sẽ đua nhau giành lấy quyền được ghi các giao dịch vào sổ cái, cứ 10 phút cập nhật một lần. Để không phải ai cũng giành được cơ hội, người ta sẽ gán với việc cập nhật sổ cái những thuật toán với độ khó liên tục được nâng lên, sao cho việc giải thuật toán cần thời gian trong khoảng 10 phút đúng như quy định về thời gian cập nhật.
Người giành được quyền cập nhật thì sẽ được thưởng 25 BTC. Số 25 BTC này được tạo mới hoàn toàn, như vậy tổng số BTC cứ 10 phút tăng thêm 25 và cho đến nay, đã có khoảng 12 triệu BTC ra đời theo kiểu này. Để thị trường tránh khỏi lạm phát BTC, người ta cũng quy định cứ sau 210.000 lần cập nhật sổ cái thì số BTC được thưởng sẽ cắt còn một nửa, dự tính đến năm 2017, số BTC phát sinh mỗi 10 phút chỉ còn 12,5 và đến năm 2140 con số thưởng sẽ bằng 0.
Với những quy định tạo ra BTC như vậy, khi mới ra đời, đồng tiền ảo này đã được xem như là một phương tiện tương thích với thương mại điện tử, giảm các chi phí trung gian (phát hành và đưa vào lưu thông), thuận lợi khi giao dịch (chỉ cần tài khoản và internet), không chịu sự kiểm soát của tổ chức hay cá nhân nào, nên không sợ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các tổ chức phát hành. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, đồng tiền nhiều quốc gia bất ổn thì việc tích trữ, đầu tư BTC cũng là một kênh giao dịch được lựa chọn. Vì vậy mà BTC đã được nhiều nơi trên thế giới chấp nhận và phát triển nhanh chóng về quy mô và giá trị.
Tuy còn nhiều đặc điểm quan trọng về Bitcoin mà thế giới chưa thực sự hiểu hết nhưng từ chỗ nghi ngờ nó, tò mò về nó, tìm hiểu nó, đồng tiền ảo bitcoin đã khiến nhiều người phải quay cuồng theo vũ điệu lên xuống của đồng tiền ảo này. Nếu như vào đầu năm 2013, giá trị mỗi bitcoin tương đương chưa tới 20 USD/1BTC thì vào tháng 9/2013, tỷ giá của BTC là khoảng 150 USD/1 BTC, đến cuối tháng 12/2013, nó đã vượt mốc 1.000 USD/1BTC, khiến đồng tiền ảo này trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Cũng chính vì sự lên xuống như vậy mà người ta cũng cho rằng, giá trị của đồng tiền này thiếu tính ổn định.
Hiện nay trên thế giới, Đức là quốc gia đầu tiên thừa nhận Bitcoin có chức năng của tiền tệ (vào tháng 8/2013), còn Canada là nước đã lắp đặt cây ATM giao dịch đồng Bitcoin đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, trong khi Đức công nhận Bitcoin là tiền tệ thì Phần Lan, Na Uy chỉ coi là hàng hóa, nhưng Trung Quốc và Thái Lan lại cấm. Thái Lan trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấm lưu hành Bitcoin, sau khi ngân hàng trung ương nước này xác định đây không phải là một đơn vị tiền tệ…
Ở Việt Nam, ngày 27/2/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra thông cáo nêu rõ: Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Tiềm ẩn rủi ro lớn
Chính vì giá trị của đồng BTC có những thời điểm tăng vọt với tốc độ khó tin nên nó đã trở thành miếng mồi ngon của tin tặc. Theo trang Technology Review, một trong những vụ trộm BTC đầu tiên xảy ra vào năm 2011 khi tin tặc xâm nhập máy vi tính của một nhà đầu tư có tên trên mạng là Allinvain, lấy đi 25.000 BTC. Lúc ấy, số tiền trên trị giá 500.000USD và nếu so với thời điểm hiện tại thì phải lên đến nhiều triệu USD. Tới tháng 4/2013, một nhà đầu tư tên Dave Wright cho biết đã bị mất số BTC trị giá 16.500USD khi tin tặc dùng mã độc tấn công một sàn giao dịch để cướp đi tiền ảo.
Chưa dừng lại ở đó, vào tháng 10/2013, tin tặc tấn công sàn giao dịch Inputs.io và rút đi 4.100 BTC trị giá 1,3 triệu USD lúc đó. Tương tự, hồi tháng 11-2013, tin tặc đã tổ chức một số đợt tấn công vào sàn giao dịch BIPS ở châu Âu, cướp đi 1.295 BTC, trị giá khoảng 1 triệu USD. Cũng trong thời gian này, trang web Sheep Marketplace thông báo đã bị tin tặc lấy đi 96.000 BTC, trị giá tổng cộng 107,8 triệu USD…
Đặc biệt, trong số những rủi ro của BTC có lẽ phải kể đến sự kiện ngày 25/2/2014 khi sàn giao dịch BTC lớn thứ ba thế giới Mt.Gox có trụ sở tại Nhật Bản bị tin tặc tấn công.
Mt.Gox là một trong những sàn giao dịch tiền ảo BTC đầu tiên và lớn nhất trên thế giới, chiếm 14% tổng giao dịch toàn cầu (theo số liệu từ Bitcoin.org). Mặc dù ra đời vào năm 2009 nhưng BTC chỉ bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox vào tháng 6/2010. Đến năm 2013, BTC đã được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư của sàn này. Ở thời kỳ đỉnh cao, Mt.Gox xử lý hơn 1 triệu giao dịch.
Từ đầu tháng 2/2014, sàn giao dịch này liên tục gặp nhiều sự cố kỹ thuật, khiến người sử dụng Mt.Gox không thể rút Bitcoin ra khỏi ví của mình trong xử lý giao dịch. Sàn giao dịch này đã phải yêu cầu các nhà đầu tư tạm ngừng rút tiền. Những sự cố này mãi không được khắc phục đã khiến giá BTC trên sàn có lúc giảm còn 124 USD/ 1 BTC vào tuần trước thời điểm nó bị biến mất, so với mức từ 550-560 USD/ 1 BTC trên các sàn giao dịch khác cùng thời điểm.
Vào ngày 25/2/2014, cộng đồng sử dụng đồng tiền điện tử Bitcoin trên toàn thế giới đã hoảng loạn sau khi sàn giao dịch Mt.Gox đột nhiên biến mất hoàn toàn khỏi mạng Internet. Theo đó, khi khách hàng truy cập trang giao dịch của sàn Mt.Gox tại địa chỉ http://www.mtgox.com/ chỉ thấy hiện ra một trang màu trắng trong khi mọi giao dịch đều không thể thực hiện được. Sự "mất tích" đột ngột của Mt.Gox xảy ra sau khi rộ lên nhiều tin đồn sàn giao dịch này đã bị đánh cắp 744.000 BTC và đang lâm vào cảnh vỡ nợ với khoản nợ lên đến 174 triệu USD. Trong khi đó, văn phòng làm việc của Mt.Gox ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản cũng rơi vào cảnh bị bỏ trống và bị một nhóm những người biểu tình đã đầu tư vào đồng tiền BTC tại sàn giao dịch này bao vây.
Ngay sau khi trang mạng của Mt.Gox biến mất, tại các sàn giao dịch khác, đồng BTC cũng bị "tuột dốc" không phanh khi mất đi 20% giá trị và tỷ giá hiện tại của đồng tiền Internet này chỉ ở mức 517 USD/1 BTC.
Trước sự cố trên, nhiều chuyên gia nhận định việc Mt.Gox đóng cửa là một "sự thất bại lớn" đối với cộng đồng sử dụng BTC, đồng thời cho thấy sự tồn tại của đồng tiền điện tử này đang mang lại những rủi ro lớn. Các nhà phân tích cho rằng, Mt.Gox sụp đổ là điều không mấy ngạc nhiên, điều ngạc nhiên là mức độ thiếu kiểm soát trên sàn giao dịch bitcoin lớn nhất này. Cũng từ đó, người ta đã đặt ra câu hỏi liệu Bitcoin có phải là một khoản đầu tư có thể sinh tồn hay chỉ là một đồng tiền của những nhóm tội phạm có tổ chức? Cũng chính bởi tính ẩn danh của người sử dụng Bitcoin đã gây lo ngại về việc sử dụng đồng tiền ảo này cho mục đích rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố.
Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích, các nhà giao dịch, các nhà kinh tế, các nhà xã hội học đều đồng tình cho rằng, từ sự việc Mt.Gox, thị trường tiền ảo bitcoin cần phải sự giám sát chặt chẽ hơn của chính phủ.
Cấm phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo, bitcoin
Liên quan đến việc sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán.
Cụ thể, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; Đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; Đã phối hợp bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp vào Bộ luật Hình sự.
Theo đó, Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về phương tiện thanh toán như sau: Khoản 6: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định củaNgân hàng Nhà nước; Khoản 7: Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”.
Cùng với đó, Khoản 6 Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về hành vi bị cấm bao gồm: “Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.
Như vậy, theo các quy định của pháp luật đã dẫn, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán bị cấm tại Việt Nam.
Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Đồng thời, từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Thảo Nhi (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất