Người mẫu nam - Để sống cần nghề tay trái (Bài 2)

23/11/2010 07:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - "Thu nhập tương đối trung bình” là giới thiệu đầu tiên về người mẫu nam của hai ông chủ hai CLB người mẫu còn hoạt động tại TP.HCM (PL và Venus). Mỗi tháng nhiều nhất họ có 6 show (rất hiếm) còn ít thì có thể chỉ là hai, thậm chí duy nhất một show (thường xuyên). Vậy họ sống thế nào?

Thu nhập “bèo”

Tính trên cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, hai nơi có hoạt động thời trang, số lượng công ty người mẫu còn duy trì hoạt động không vượt quá con số 5. Ở TP.HCM, công ty Venus có 8 mẫu nam còn PL thì có khoảng 20. Giá cát-sê trung bình của những người mẫu ít danh chỉ 500 – 800 ngàn đồng/ show, người có danh hiệu (thường là đoạt giải tại các cuộc thi như Siêu mẫu hoặc Manhunt hay Nam vương…) thì có từ 1,5 – 2 triệu/ show, cao nhất là 3 triệu nhưng rất hi hữu mới có những show cát-sê hậu hĩnh như vậy. Tuy nhiên, số tiền kia là tiền khách hàng trả cho những công ty quản lý người mẫu, tiền người mẫu bỏ được vào túi chỉ là con số cuối cùng khi đã trừ đi 20% chi phí quản lý cho công ty. Nhưng đó cũng chỉ là lý thuyết, trên thực tế, cát-sê một show diễn là 1,2 – 1,5 triệu, nhưng sau khi trừ đủ các thứ phần trăm cho nhiều thành phần (công ty, người môi giới…) thì có khi người mẫu nhận được có… 700 – 900 ngàn đồng. Mẫu nam ít danh tiếng có khi chỉ nhận được 150 – 300 ngàn đồng/show. Người mẫu còn hoạt động thường xuyên và được hưởng cát-sê cao nhất trên thị trường hiện nay là Vĩnh Thụy, nghe nói anh không nhận show nếu số tiền nhận được dưới 300 USD. Còn người mẫu có được những hợp đồng quảng cáo giá trị nhất là Bình Minh, tuy nhiên, những giá trị được “đắp” thêm vào cát-sê quảng cáo của Bình Minh là do anh đã trở thành một nhân vật trong giới giải trí, đi từ catwalk đến phim ảnh, sân khấu kịch rồi MC.


Các thí sinh nam trong cuộc thi Siêu mẫu 2010

Có một nghịch cảnh là trong khi giá cả của tất cả các thứ đều leo thang thì cát-sê của người mẫu nói chung và mẫu nam nói riêng ngày càng giảm xuống. Những người trong nghề lý giải nguyên nhân của điều này là do tình trạng phá giá. Để có được hợp đồng biểu diễn, một số ông bầu sẵn sàng giảm giá xuống còn một nửa so với giá sàn và người mẫu thì không có cách nào khác, họ đành phải chấp nhận cát-sê thấp nếu không muốn ngồi chơi xơi nước.

Rất hiếm một chương trình thời trang chỉ cần toàn mẫu nam. Hầu hết họ phải diễn chung với mẫu nữ trong tình trạng lép vế. Thông thường, một chương trình cần 20 mẫu nữ thì chỉ cần 3 mẫu nam. Có những chương trình mẫu nam chỉ làm nhiệm vụ dắt mẫu nữ chứ không được coi là người trình diễn. Trong những show kiểu này, họ chỉ nhận được cao nhất là 300 ngàn đồng/show và phải tự chuẩn bị trang phục luôn! Hiện giờ gần như mỗi năm chỉ có duy nhất một show diễn mà mẫu nam được diễn thật sự và có vai trò quan trọng, đó là Đẹp Fashion Show.

Không có mẫu nam chỉ làm mẫu


Vĩnh Thụy – gương mặt được cho là sáng giá nhất hiện nay.

Thu nhập bèo bọt như thế nên không có người mẫu nam nào chỉ làm mỗi nghề người mẫu và hầu như chỉ coi nghề này là tay trái. Một số người còn đang đi học, một số khác có công việc ổn định nào đó, và nhiều người thì tham gia đóng phim. Nghề tay phải của Hoàng Anh là kiến trúc sư, của Đức Vĩnh là kinh doanh trang phục, của Hải Anh là kinh doanh đá quý, của Tiến Đoàn là dạy học…


Quang Tuyến, một stylist khá quen thuộc với các tạp chí thời trang, vốn được biết đến là người mẫu. Anh vào nghề khi còn học đại học Kinh tế và luôn nghĩ rằng “làm cho vui”. Khi đã có kinh nghiệm trên catwalk, có nhiều mối quan hệ với người mẫu, chuyên gia trang điểm, nhà thiết kế, Quang Tuyến trở thành stylist và rất ít khi trình diễn. Anh nói: “Tôi nghĩ rằng nếu chỉ sống bằng nghề người mẫu thì chẳng ai sống nổi. Ngành thời trang hiện nay không đủ việc cho họ làm. Để sống được ở TP.HCM, nếu không có nhà cửa, thu nhập của bạn phải được ít nhất 10 triệu/ tháng, một con số quá lớn so với số tiền mà một người mẫu nam có thể kiếm được”.

Phim ảnh đang trở thành bến đậu cho nhiều người mẫu. Nhiều mẫu nam đã xuất hiện trên màn ảnh và họ chiếm thế thượng phong so với sinh viên các trường điện ảnh. Bình Minh, Đức Tiến, Hải Anh, Hoàng Anh, Thanh Thức, Quách Ngọc Ngoan, Vĩnh Thụy… là những cái tên quen thuộc với khán giả mê phim. Và theo lý giải của một người mẫu lâu năm thì đóng phim là con đường tốt nhất cho mẫu nam khi họ còn muốn gắn bó với làng giải trí. Cũng đúng thôi, vì với một bộ phim truyền hình dài 30 tập, cát-sê trung bình 2 triệu/tập, thì sau 2 tháng ăn ngủ làm việc với đoàn phim, họ được 60 triệu đồng. Làm người mẫu cả năm chưa chắc kiếm được số tiền đó. Chưa kể khi đi phim, họ hầu như chẳng phải chi tiêu gì vì mọi thứ đã có đoàn phim lo. Thêm một đặc điểm nữa mà các nhà làm phim thích ở người mẫu (ít nhất là thích hơn so với ca sĩ) ngoài vẻ đẹp ngoại hình và sự nổi tiếng là họ có sức khỏe tốt và… chịu khổ được vì hình ảnh hào nhoáng trên catwalk hay những bức hình chỉ là vẻ ngoài của một quá trình lao động vất vả.

Chuyên gia đào tạo người mẫu lâu năm, đồng chủ nhân công ty PL, Tạ Nguyên Phúc cho biết: “Rất nhiều nam mẫu đến với nghề này với ý định sử dụng nó như một cây cầu bắc sang lĩnh vực phim ảnh, không ít người trong số họ xin vào CLB đào tạo người mẫu của tôi sau khi đã thi trượt đầu vào ở các trường điện ảnh.” Nguyên Phúc cũng cho biết thêm, anh khuyến khích các người mẫu của mình chỉ coi nghề này như nghề tay trái bởi theo anh, đàn ông không chỉ cần tiền để sinh nhai mà còn cần sự nghiệp, cần lo cho gia đình và nghề người mẫu không thể giúp họ được những điều đó…

Mẫu nam cũng làm việc “tế nhị”

Thời kỳ huy hoàng của người mẫu nam là vào khoảng từ năm 2002 – 2006 với những gương mặt nổi trội và cá tính như: Đức Hải, Đức Tiến, Khánh Trình, Bình Minh, Đức Vĩnh… Theo những bầu sô kỳ cựu, ở thời điểm hiện tại, mặc dù không thiếu những người mẫu đẹp và có danh hiệu nhưng tìm được người nổi bật rất khó. Mẫu nam duy nhất được đánh giá là có cá tính hiện nay là Vĩnh Thụy – giải Bạc Siêu mẫu 2009.

Nếu mẫu nữ có thể làm người yêu của các đại gia hay có “nghề” làm đẹp các bàn tiệc của đại gia hoặc thậm chí là “đi khách” thì mẫu nam cũng không ngoại lệ. Trong giới người mẫu vẫn luôn truyền tai nhau thông tin về những nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng với nhiều thế hệ nam mẫu, đó là những doanh nhân giàu có, cô đơn và… không thích phụ nữ. Nhiều mẫu nam không “gay” nhưng để có một cuộc sống vương giả, lên xe xuống ngựa, áo quần tinh tươm, họ sẵn sàng đánh đổi, đảm nhận vai trò của người “gay”. Có những chủ công ty người mẫu sẵn sàng sử dụng người mẫu như những con mồi để nhử đại gia hoặc nhử các mối làm ăn mà thu nhập không đến từ biểu diễn thời trang. Họ chính là kẻ gây lũng đoạn và phá giá thị trường người mẫu. Ngoài chuyện “cặp” đại gia, người mẫu nam cũng chịu “cặp” cả với ông bầu của mình, mục đích cũng chỉ là để có vị trí vững vàng…


Bi kịch các người mẫu nam xứ ta đang chịu xem ra cũng chẳng khác mấy bi kịch mà mẫu nam ở các trung tâm thời trang của thế giới. Tuy nhiên, bất chấp những điều không hay, nghề người mẫu vẫn thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Các CLB đào tạo người mẫu hàng ngày vẫn có nhiều nam thanh niên gia nhập. Họ muốn thử bước vào giấc mơ xem nó là thực hay đúng là mơ.

Đón đọc Bài kết - Bình Minh: Tôi được như hôm nay là nhờ nghề người mẫu

Huyền Thơ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm