16/05/2023 10:04 GMT+7 | Bóng đá Việt
U22 Việt Nam đã không có kỳ SEA Games như mong muốn nhưng vẫn phải thừa nhận rằng các cầu thủ đã có nhiều tiến bộ và cũng cần nhớ rằng HLV Philippe Troussier mới tới nên mọi người hãy bình tĩnh hơn với chiến lược gia người Pháp.
1. U22 Việt Nam đã có lợi thế để giành chiến thắng trận bán kết SEA Games 32 trước U22 Indonesia nhưng tiếc rằng không thể cụ thể hóa được. Thất bại này dĩ nhiên khiến nhiều người hâm mộ không hài lòng.
Đó là trận đấu các học trò của HLV Troussier vẫn cho thấy mình non kinh nghiệm. Đây là điều khó tránh khỏi khi gần nửa đội hình thuộc đội U20. Tuy nhiên, nếu nhìn cả chặng đường phát triển của lứa cầu thủ này dưới tay HLV Philippe Troussier thì vẫn phải thừa nhận đã có những cải thiện và tiến bộ. Dù chưa đáp ứng được kỳ vọng nhưng cũng không thể phủ nhận công sức của U22 Việt Nam.
Năm 2019, U18 Việt Nam tham dự giải U18 AFF Cup. Dù được thi đấu trên sân nhà nhưng HLV Hoàng Anh Tuấn và các học trò đã không thể vượt qua vòng bảng do nhận thất bại 1-2 trước U18 Campuchia ở lượt trận cuối vòng bảng.
Trong đội hình U18 Việt Nam khi đó có sự góp mặt của Phan Tuấn Tài và Huỳnh Công Đến. Lứa cầu thủ này sau đó đã không có được nhiều cơ hội thi đấu tại các giải trẻ quốc tế do vướng đại dịch Covid-19. Vì thế, có thể nói, lứa cầu thủ trong tay của HLV Troussier đã phải chịu thiệt thòi và có nhiều hạn chế nên năng lực chưa có điều kiện để phát triển.
Trong khi đó, đội U22 Indonesia hiện tại được đầu tư bài bản từ lâu. Nhiều cầu thủ của đội U22 Indonesia đã thi đấu nhiều trận cho Indonesia như Pratama Arhan, Marcelinho hay thủ quân Rizky Ridho. Tại giải quốc nội Liga 1, những cái tên này cũng đều được thi đấu thường xuyên. Lứa cầu thủ này của họ có thể so sánh giống như lứa Quang Hải, Công Phượng của Việt Nam. Chính vì thế, họ mới có sự bình tĩnh để chống trả U22 Việt Nam trong hơn 30 phút thi đấu thiếu người trong hiệp 2.
2. Nhìn lại đội U22 Việt Nam, ai cũng có thể thấy các cầu thủ không có nhiều thời gian thi đấu. Những cái tên trẻ muốn thi đấu thì đều phải là những tài năng kiệt xuất trong thế hệ của mình. Dẫu vậy, nếu ở đội 1 mà có một cầu thủ đàn anh thi đấu cứng thì khả năng họ được thi đấu cũng không cao. Đơn cử như Văn Tùng tại CLB Hà Nội. Anh là cái tên thi đấu nổi bật và ổn định nhất của U22 Việt Nam tại SEA Games 32 nhưng tại CLB, cầu thủ này chưa được đá nhiều, cũng như không thường xuyên được đá đúng sở trường.
Thời gian thi đấu cho các cầu thủ trẻ là câu chuyện không mới nhưng thời điểm này vẫn chưa có lời giải. Ở các nước bóng đá phát triển mạnh, nền bóng đá của họ xây dựng theo hình kim tự tháp. Những cầu thủ xuất sắc nhất sẽ đá ở những giải đấu cấp cao nhất như Premier League, La Liga hay Bundesliga. Các cầu thủ trẻ sẽ được cho mượn ở giải đấu cấp thấp hơn để có cơ hội ra sân thi đấu.
Với mô hình kim tự tháp, các giải đấu càng thấp thì lại càng có nhiều đội bóng. Điều này nhằm tạo điều kiện tối đa cho các cầu thủ ra sân. Trong khi đó tại Việt Nam, giải V-League 2 còn có ít đội hơn V-League 1 (4 đội), còn giải hạng Nhì và hạng Ba có cùng 14 đội như V-League 1. Do vậy, các cầu thủ trẻ được đem cho mượn cũng chưa chắc có nhiều cơ hội ra sân thi đấu.
Để có một nền bóng đá mạnh, việc đào tạo trẻ rất quan trọng. Giống như những cơn sóng, lớp sau phải liên tục xô lớp trước. Liên đoàn bóng đá Việt Nam tất nhiên hiểu điều này nên mới thuê HLV Philippe Troussier và cử đội U20 Việt Nam tham dự ASIAD 2023. Liên đoàn rõ ràng đang hướng tới mục tiêu xa cùng với lứa cầu thủ trẻ hiện tại của Việt Nam, cụ thể là đội U20. Do đó, hãy bình tĩnh và cho HLV Troussier thêm thời gian.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất