Bình luận viên Quang Huy: 'Bóng đá Việt Nam phải nỗ lực để vượt giới hạn'

16/04/2025 05:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

BLV Vũ Quang Huy nhìn nhận rằng nâng tầm lứa cầu thủ trẻ tiềm năng đang có hiện nay trở thành tài năng chỉ là một phần việc, điều cốt lõi nằm ở công tác đào tạo trẻ phải được quan tâm, đầu tư một cách thường xuyên, liên tục, khoa học và chuyên nghiệp.

Đưa ra những cảm nhận về giai đoạn phát triển mới của bóng đá nước nhà, BLV Vũ Quang Huy chia sẻ: "Những kết quả khả quan gần đây của ĐTQG cũng như lứa trẻ U17 có thể tạo ra một cú đạp nhảy thật tốt để bóng đá nước nhà bật đà tăng tốc trở lại. Tuy vậy, để hướng đến những giá trị bền vững thì còn rất nhiều việc phải làm. Đội tuyển Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024, qua đó lấy lại niềm tin của người hâm mộ với nền bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, để duy trì được thành tích và giữ vững vị trí hàng đầu khu vực và vươn tầm, cần có một nền tảng phát triển bền vững với tầm nhìn xa hơn, cả trong đầu tư và tạo điều kiện cho các tài năng trẻ phát triển.

Để bước tiếp một cách bền vững, có thêm những cột mốc mới, bóng đá Việt Nam phải dựa vào nội lực, đi lên từ nội lực. Bóng đá Việt Nam cần định vị lại chỗ đứng, củng cố nền tảng, tăng cường sức mạnh nội lực để chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển tiếp theo. Để bóng đá Việt Nam tiếp đà thăng hoa, những nhà chuyên môn cần nỗ lực nhiều hơn cho chu kỳ tiếp theo".

* Dù không thể hiện thực hóa khát vọng giành vé dự World Cup nhưng đội tuyển U17 Việt Nam đã chơi ấn tượng, hứa hẹn nhiều tươi sáng cho chặng đường phía trước, cảm nhận của anh về thế hệ cầu thủ trẻ hiện nay?

- Tiếc là đội tuyển U17 Việt Nam không thể giành vé đến với World Cup. Tuy nhiên, những gì đã có tại VCK U17 châu Á 2025 thật sự đáng quý, bổ ích cho những cầu thủ trẻ. Ở đó, lứa cầu thủ măng non đã được chơi, được trải nghiệm ở sân chơi hàng đầu châu lục. Từ đó, họ sẽ có cơ hội tiến bộ, duy trì được mạch kết nối mà mới đây đã bị chững lại sau khi nhiều lứa trẻ không thành công ở Đông Nam Á.

Các cầu thủ khi trải qua nhiều giải đấu chất lượng như thế, họ sẽ có được trải nghiệm rất tốt. Do đó, nhiệm vụ cũng như áp lực lớn nhất ở các tuyến trẻ đào tạo được bao nhiêu cầu thủ giỏi cho các ĐTQG, phục vụ những mục tiêu trọng điểm chứ không phải đạt bao nhiêu thành tích trước mắt. Muốn vậy, chúng ta phải kiên nhẫn với cầu thủ trẻ. Phải làm tốt khâu đào tạo trẻ một cách hệ thống, bền bỉ, từ các địa phương, học viện, lò đào tạo. Khi cái nền tốt thì chắc chắn các cấp độ đội tuyển Việt Nam sẽ mạnh lên.

BLV Vũ Quang Huy: “Bóng đá nước nhà phải nỗ lực để vượt giới hạn” - Ảnh 1.

Duy Mạnh là một trường hợp xứng đáng được coi là điển hình của bóng đá Việt Nam: Trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của CLB Hà Nội, lần lượt thi đấu cho các cấp độ trẻ quốc gia và bây giờ là trụ cột ở cả CLB cũng như ĐTQG. Ảnh: Hoàng Linh

* Và đâu là những yếu tố cốt lõi giúp bóng đá nước nhà phát triển, nâng tầm trong thời gian đến?

- Một nền bóng đá vững mạnh, phát triển căn cơ, bền vững phải được nhìn trên 2 yếu tố nền tảng là có một giải vô địch quốc gia thật sự chuyên nghiệp và làm tốt công tác đào tạo trẻ.

Điều này, đòi hỏi phải duy trì nhịp độ ổn định bao gồm công tác đào tạo trẻ; hệ thống giải chuyên nghiệp; chiến lược phát triển vĩ mô của VFF. Nền tảng của các ĐTQG luôn nằm ở hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp. Vì thế, chúng ta phải từng bước cải tổ mạnh mẽ V-League, qua đó nâng tầm cả nền bóng đá nước nhà.

Chúng ta phải hướng đến việc cải thiện chất lượng V-League, tăng sự thu hút với người hâm mộ. Phải tạo ra sự dịch chuyển quan trọng về nhận thức ở việc tăng cường đào tạo để có nguồn cung nội lực, tạo ra bản sắc địa phương. Đấy là những giá trị tạo nên sức sống mới cho V-League và cũng là con đường phát triển bền vững mà bóng đá chuyên nghiệp phải hướng đến.

* Như thế để có được những thế hệ cầu thủ chất lượng, bóng đá Việt Nam phải nâng cấp quá trình tuyển chọn, đào tạo?

- Như đã nói, bóng đá Việt Nam cần tái cấu trúc hệ thống đào tạo trẻ. Bóng đá cộng đồng và học đường phải được tạo những thiết chế tốt hơn để phát triển. Mặt khác, cần sự hợp tác toàn diện hơn với các nền bóng đá vượt trội trong khu vực để được giúp đỡ, chuyển giao công nghệ đào tạo. Đào tạo trẻ phải có được mô hình căn cơ, bài bản cùng lộ trình dài hơi. Cần nhiều hơn nữa các trung tâm, lò đào tạo trẻ chứ không chỉ nhỏ lẻ như hiện nay.

Có nghĩa, không phải cứ đào tạo là cho ra lò ngay được sản phẩm chất lượng. Nhưng về cơ bản phải làm thì mới thu về kết quả. Nếu không, mọi thứ sẽ gián đoạn, đứt gãy và không có tính kế cận. Các quốc gia trong khu vực thời gian qua cũng đã có sự phát triển trong công tác đào tạo trẻ.

Ở khâu đào tạo trẻ, chúng ta cần quy tụ nguồn lực xã hội, có thêm sự chung tay từ doanh nghiệp để nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất và nguồn lực quản lý. Đào tạo trẻ cần có nhân sự điều hành và làm chuyên môn giỏi thì cầu thủ mới giỏi được.

Cần phải đảm bảo đồng bộ 4 yếu tố cơ bản trong công tác đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ: Thứ nhất, phải có thầy giỏi chuyên môn, vững đạo đức; thứ hai, quy trình tuyển chọn, đào tạo khoa học, phù hợp với xu hướng phát triển của bóng đá hiện đại; thứ ba, điều kiện quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc cầu thủ trẻ phải chuyên nghiệp; thứ tư, môi trường thi đấu có tính cạnh tranh cao.

* Và hơn hết, V-League phải thật sự là "xương sống" của nền bóng đá phải không, thưa anh?

- Bóng đá Việt Nam đã có 25 năm khoác áo chuyên nghiệp nhưng chúng ta chưa có định hướng phát triển cụ thể. Nói nôm na, chúng ta mới chỉ có những "chiến thuật" ngắn ngày để áp dụng chứ chưa tạo ra được "chiến lược" theo kiểu hoạch định lâu dài, bài bản để làm kim chỉ nam phát triển.

Vì thế, chúng ta có gần 30 CLB chuyên nghiệp ở V-League và hạng Nhất, nhưng phần nhiều không đủ tiêu chuẩn theo quy định của FIFA, AFC về vấn đề tài chính, cơ sở vật chất, điều kiện đào tạo cầu thủ.

Rất ít CLB chăm sóc cái "gốc" khâu đào tạo trẻ, còn lại đều đầu tư từ ngọn. Do đó, một CLB vững mạnh phải căn cứ vào những tiêu chí cốt lõi: nền tảng đào tạo trẻ; tiềm năng tài chính; sự tâm huyết của các ông chủ được kiểm định trong thời gian dài

Một ĐTQG mạnh cần có một giải đấu mạnh. Vấn đề ở đây nền tảng của giải đấu có giúp cầu thủ tiến xa hơn trong sự nghiệp. Về tư duy huấn luyện, đào tạo cầu thủ, chúng ta phải hiểu rằng nếu coi cầu thủ là một gói sản phẩm hoàn thiện thì bóng đá Việt Nam cần phải có chuyên gia về kỹ thuật, chuyên gia về dinh dưỡng từ nhỏ, chuyên gia về thể lực, đội ngũ y tế gọi là phòng tránh chữa trị chấn thương, chuyên gia phân tích trận đấu hỗ trợ, chuyên gia tâm lý.

V-League và hạng Nhất phải được vận hành một cách ổn định, chuyên nghiệp, tạo nhiều giá trị gia tăng cho bản thân các CLB. Ở tầm các đội tuyển, ĐTQG và U23 quốc gia phải được tập huấn, thi đấu với các đội bóng đến từ nền bóng đá đỉnh cao của thế giới. Đó mới là hướng đi bài bản để tạo ra được một giải đấu chất lượng nhằm tạo nền tảng tốt cho ĐTQG.

* Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Tôi vẫn cho rằng, chất lượng cầu thủ ở tuyển trẻ Việt Nam bây giờ không phải kém. Họ vẫn có tố chất phát triển hơn nữa. Đồng thời, còn cả cầu thủ tiềm năng trong độ tuổi cần được khai quật. Điều cần nhất, cầu thủ trẻ phải được thi đấu nhiều, cọ xát, tích lũy. Hạn chế lớn nhất của bóng đá trẻ Việt Nam là ít được thi đấu, kinh nghiệm quốc tế còn hạn chế.

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm