05/11/2018 09:16 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Người Thái tỏ ra không mấy bận tâm đến AFF Suzuki Cup 2018, thông qua phát biểu với báo giới và bằng chứng là họ sẽ không gọi những cầu thủ tốt nhất đang chơi bóng ở nước ngoài về khoác áo ĐTQG. Nhưng với bóng đá Việt Nam và nhiều nền bóng đá trong khu vực thì khác, đây là giải đấu quan trọng và ngay cả khi phải “bỏ hết trứng vào một giỏ” thì cũng sẵn sàng.
Thực ra, với tiềm lực và con người mà bóng đá Thái Lan đang sở hữu, họ có quyền tính toán. 10 năm trước, Thái Lan đã từng công khai tham vọng lại vươn ra đấu trường châu lục và thậm chí là World Cup. Trước đó, thế hệ những Kiatisuk Senamuang, thực tế đã có thể tiệm cận châu lục, nhưng Thái Lan đã lỡ bước. Về tham vọng, bóng đá Việt Nam rõ là đi sau Thái Lan một bước, với ngay cả V-League với Thai Premier League.
Nhưng nếu cứ chạy theo những người láng giềng, trông đợi láng giềng đi xuống để tự hào mình vượt họ, thì đấy không phải là cách chơi đẹp. Tham vọng của nền bóng đá từng 5 lần vô địch khu vực và bá chủ sân chơi Đông Nam Á từ cấp độ bóng đá trẻ đến bóng đá người lớn, ắt phải khác với đội chỉ mới có lần đầu tiên và duy nhất đăng quang. Mà chuyện đăng quang ấy đã diễn ra cách đây 10 năm.
Đội tuyển Việt Nam hay chính xác là bóng đá Việt Nam đã và đang dồn hết vốn vào AFF Suzuki Cup 2018. Đấy là thuộc tính của chúng ta: Luôn bằng mọi giá vô địch dù chỉ là sân chơi nhỏ đến độ không thể nhỏ hơn. Thực tế, với tiền đề là thành tích tốt tại VCK U23 châu Á 2018 và ASIAD 18, chúng ta hoàn toàn có thể nâng cấp tham vọng lớn hơn giải vô địch Đông Nam Á.
Trở lại với “chiến lược” của bóng đá Việt Nam. Thực tế, nếu may mắn như năm 2008, đội tuyển Việt Nam một lần nữa đăng quang giải đấu khu vực, thì về thành tích, chúng ta vẫn chưa là gì so với Thái Lan hay Singapore, những nền bóng đá đã chia nhau 9/10 chức vô địch Đông Nam Á, và không hiếm lần giành vàng SEA Games. Danh hiệu quán quân nếu có thể kéo lại cuộc khủng hoảng như thời điểm 2008, thì cầu cũng được.
Đằng này...
Đại hội VFF khoá VIII vẫn chưa thể diễn ra theo kế hoạch, vì nhiều lý do. Nhân sự và một định hướng thực sự rõ ràng còn thiếu, chính là bản chất vấn đề. Thật nghịch lý, khi vào thời điểm mà VFF gặp nhiều vấn đề nhất thì đấy lại là giai đoạn thành công nhất của các ĐTQG và của giải VĐQG. Hãy cứ điểm lại giai đoạn 2007-2008 và mới nhất là 2016-2018. Tựa như khi không làm gì cả thì tự nhiên sẽ tốt lên.
Bóng đá cần những toan tính, chiến lược để phát triển. Nhưng bóng đá Việt Nam không hiếm lần “nát” vì những toan tính vụ lợi của những người tham gia địa hạt này. Nay, nền bóng đá muốn chơi hết vốn vào một giải đấu mà ngay cả những người láng giềng đã không còn thực sự tập trung. Đấy cũng là bởi thành tích, xuất phát từ cái tư duy - Chạy theo thành tích
Tất nhiên, với tiềm lực và tình hình chung của bóng đá khu vực, bóng đá Việt Nam có thể lần thứ 2 bước lên ngôi vô địch AFF Cup. Nhưng nếu chỉ xem đó là cơ hội mà không biến thành động lực phát triển cho cả nền bóng đá thì thật đáng lo ngại.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất