Biến tấu World Cup: Vua hay Hoàng đế thì cũng thoát y như nhau

08/07/2014 18:47 GMT+7 | Bán kết

(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ chưa có vòng bán kết World Cup nào người Brazil lại hoang mang, lo lắng đến thế. Họ mất ngôi-sao-điểm-tựa Neymar, và không có cả Thiago Silva, người lãnh đạo hàng phòng ngự. Đó thực sự là một điều bất thường đối với nền bóng đá được coi là có năng lực xuất khẩu cầu thủ mạnh nhất thế giới.

1. Kể từ khi Brazil vô địch World Cup lần đầu tiên cho đến bây giờ, chưa bao giờ họ bước vào bán kết World Cup mà lại không có một siêu sao tầm cỡ là người lãnh trách nhiệm phất lá cờ đầu và xuất quân với tư thế gần như là cửa dưới.

Nhiều người liên hệ sự vắng mặt của Neymar với Pele hồi 1962, nhưng có lẽ đó là liên hệ cảm tính và cũng là so sánh cọc cạch. Năm ấy, Pele được gọi là Vua bóng đá, nhưng khi ông vắng mặt, tuyển Brazil vẫn có những người như Garrincha, Didi, Vava… thay ông làm “Vua” của đội bóng. Còn hôm nay, ai đủ tầm làm ‘Vua’ ở hai trận đấu chót của Selecao tại World Cup 2014 thay cho Neymar đây?

Tờ L’Equipe của Pháp đã nhận định về Selecao ở bán kết này bằng một câu ngắn gọn và đa nghĩa là “Một Brazil chống lại các ngôi sao”. Đúng, Scolari đang cầm một đội bóng bị buộc phải theo triết lý ‘chống lại chủ nghĩa ngôi sao’ bằng cách khai thác mạnh hơn nữa những người thợ như Paulinho, Gustavo và Fernandinho. Và chính triết lý ấy của họ cũng phải chống lại một tuyển Đức có nhiều cá nhân nổi bật, những người đủ sức vóc để làm ‘Hoàng đế’ dẫn dắt đội bóng của mình, như Neuer, Metersacker, Hummels, Mueller hay thậm chí là cả Klose.

2. Bóng đá thế giới dường như chưa bao giờ được chứng kiến một đội bóng không có ngôi sao nổi bật có thể đăng quang được ở World Cup. Nhưng phải chăng thói quen đó sẽ bị thay đổi, khi Selecao vẫn có những ngôi sao khác, nằm ngoài đội bóng, đủ sức vực họ chiến đấu hết mình để vượt qua gian khó này? Dễ hiểu, họ đang được chơi trên sân nhà, nơi mà tất cả, trừ mỗi đối thủ, đều ủng hộ họ. Thế thì họ có cần phải dựa vào một ông Vua nào đó hay không (khoan vội liên tưởng đến Vua áo đen nhé)? Và nếu họ đăng quang rồi, liệu việc ‘phong vương’ cho một cầu thủ nhất định nào đó, có chăng cũng chỉ là chuyện vô ích?

Cũng trên tờ L’Equipe hôm qua có đăng một tấm ảnh lịch sử. Đó là tấm ảnh Pele và Beckenbauer trần truồng trong nhà tắm, sau một trận cầu ở Jersey, trong màu áo New York Cosmos, vào năm 1977. Họ, một người là Vua của những vòng chung kết 1958; 1970, và một người là Hoàng đế của vòng chung kết năm 1974. Cởi bỏ sắc áo nhà vô địch ra, buông bỏ hào quang ở các trung tâm bóng đá lớn, sang đến đất Mỹ, họ chỉ còn là hai con người bình thường như muôn người khác khi đã bước vào nhà tắm. Lúc ấy, họ chỉ còn là những con người trần trụi, và bé nhỏ, trước siêu nhiên.

3. Siêu nhiên mới chính là vị Vua trên hết tất cả, có thể quyết định tất cả, thậm chí là việc đưa một đội bóng ‘không-sao’ như Brazil đến chức vô địch.

Và khi đã ở chức vô địch rồi, bằng chính những người lính thợ bình thường, chắc chẳng còn người Brazil nào chê bai lối chơi xấu xí của Scolari cả. Chỉ có những kẻ thất bại mới luôn bất phục, những kẻ thất bại với triết lý ‘cay cú’ kiểu con sãi ở chùa mong cuộc can qua.

Can qua có nổi lên, để có một vị vua mới thì cũng chỉ là tạm bợ, so với sức mạnh siêu việt của siêu nhiên này. Thế thì cứ đá hết mình để mà đăng quang cái đã, đợi chờ vào một ông Vua làm điểm tựa để làm gì. Bởi lẽ, khi cả Vua lẫn Hoàng đế đều phải có lúc thoát y như nhau, đội bóng vô địch cũng phải kết thúc màn đăng quang ở trong phòng tắm, nơi tất cả những người hùng của 90 (hay 120) phút đều phải trút sạch xiêm y, để trần trụi như những kẻ tầm thường nhất…

Nhạc sĩ Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm