Biến tấu World Cup: Kỷ luật cũng là một nghệ thuật

29/06/2014 13:14 GMT+7 | Vòng 1/8

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngờ vực về một đội tuyển Pháp ô hợp, suốt ngày mâu thuẫn nội bộ của 6 năm qua đã bị xoá tan sau màn trình diễn thuyết phục của những tuyển thủ trẻ của Deschamps ở vòng bảng. Và lần đầu tiên kể từ khi Deschamps lên tiếp quản ghế HLV trưởng tới nay, người ta mới bắt đầu được nghe đến một tuyên bố ‘to tát’ từ Les Bleus khi một số cầu thủ của họ đã nhắc đến câu “chúng tôi đến đây để đoạt chức vô địch”.

1. Có thể đó là một sự ‘quá khích’ của những người đang hưng phấn sau những trận đấu khiến khán giả nhà tâm phục khẩu phục. Song, đó là sự quá khích đáng yêu khi bản thân khán giả Pháp cũng đang thay đổi cái nhìn về những người con cưng của mình. Thực tế, nhiều người Pháp đã không dám tin vào ĐT của họ ở lúc World Cup khai màn. Nhưng thái độ đã dần thay đổi, giống như cách anh bạn của người viết có tên Nicholas, một ủng hộ viên CLB Lyon, đã gửi tin nhắn facebook ngay sau trận đại thắng Thụy Sỹ rằng “Thật không thể tin được. Nhưng tôi đã tin những gì cậu nhận xét về Les Bleus. Họ đã thuyết phục tôi”.

Song, vẫn có nhiều khán giả Pháp, hoặc những người không mang quốc tịch Pháp nhưng rất yêu tuyển Pháp, sẽ vẫn giữ một thái độ tương-đối-dửng-dưng. Với họ, cùng sự hoài cổ mang nặng trong lòng, Pháp chỉ thuyết phục họ thực sự khi quay lại với lối chơi hào hoa, phong nhã, lãng mạn và lịch lãm của thời 1982-1992.

2. Phải chăng, sự khó tính đến từ một nhãn quan bảo thủ, không chịu mở lòng, không chấp nhận cái cập nhật của một bộ phận chúng ta đang ngày càng biến chúng ta thành những người thiên kiến dựa trên sự phi lý của chính mình?

Đúng là chơi bóng kiểu Pháp ngày xưa vô cùng mẫn cảm và mỗi trận cầu của họ có thể sánh với một tuyệt tác nghệ thuật. Nhưng liệu rằng, việc xây dựng một tập thể trong kỷ luật, tuyệt đối tôn trọng kỷ luật không đủ được coi là một nghệ thuật sao?

Nếu ta đã từng ca ngợi lối chơi phòng ngự, thậm chí tiểu xảo là một nghệ thuật, như thể một trường phái đối lập với trường phái tấn công cống hiến, thì tại sao ta không thể tôn vinh sự sắp xếp theo kỷ luật nghiêm khắc cũng là một nghệ thuật?

Hãy nhìn vào những phalanx (đội hình được tuyển chọn kỹ, sẵn sàng chiến đấu thời Hy Lạp cổ đại) và hình dung thế này: một đội binh tài năng, ngẫu hứng, có thể chiến đấu đẹp mắt tuyệt vời nhưng đối đầu với một đội binh được tổ chức thành những phalanx kia, tính kỷ luật của đội-binh-phalanx cũng xứng tầm nghệ thuật ở trường phái khác, với ý niệm nghệ thuật và cách thực hành nghệ thuật cũng hoàn toàn khác.

Như vậy, cách mà Deschamps thiết lập Les Bleus thành một binh đoàn kỷ luật tuyệt đối chính là một hành trình thực hành nghệ thuật khôn khéo và dũng cảm. Hành trình ấy đặc biệt khó khi tập hợp những cá nhân dưới tay Deschamps vốn dĩ là những người quen thói suy nghĩ vô kỷ luật và tự tôn quá mức đã quá lâu rồi.

3. Trước trận gặp Nigeria, Deschamps tặng sách cho học trò, với các đoạn ông lưu ý đặc biệt trong đó, bằng những gạch đánh dấu cụ thể đoạn nào phù hợp với cá tính cầu thủ nào. Và ông yêu cầu họ phản hồi bằng email những nhận xét của họ về đoạn văn đó cũng như cảm nghĩ của họ về màu cờ sắc áo, về danh dự và tổ quốc.

Nghệ thuật là ở đó chứ còn ở đâu nữa? Tại sao cứ đòi hỏi nghệ thuật phải là những pha biểu diễn bay bướm trên sân, những pha có thể đẹp trong chốc lát, song không để lại dấu ấn lâu dài?

Và khi Deschamps đã hoàn tất nghệ thuật kỷ luật của mình, tương đương với tác phẩm sắp đặt của riêng ông, Les Bleus bây giờ phải tiếp tục giới thiệu một tác phẩm khác, của riêng những cầu thủ trên sân:

Một tác phẩm trình diễn…

Nhạc sĩ Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm