Biến tấu World Cup: Màu cam cuối cùng

25/06/2014 09:13 GMT+7 | Bảng B

(Thethaovanhoa.vn) - Trận ra quân đại thắng 5-1 trước TBN, trận then chốt khiến đội bóng xứ bò tót phải về nước sớm, đã thay đổi cách nhìn về Hà Lan một cách triệt để. Từ kẻ bị nghi ngại, họ bỗng thành một ứng viên hàng đầu.

1. Cuộc đời đúng là lạ kỳ. Cả một chuỗi ngày dài sống trong thầm lặng, không được đoái hoài tới bỗng nhiên thay đổi chỉ trong một chớp mắt, sau khi bạn có thể lóe sáng bất thần. Hiện tượng ấy nó giống như quả pháo hoa. Nằm trong thùng, nó hoàn toàn chỉ là một vật thể không cuốn hút. Nhưng khi đã nổ bung rồi, người xem thán phục trầm trồ. Nhưng có mấy ai tự hỏi rằng, sau kiếp tưng bừng kia sẽ là điều gì nối tiếp???

Hà Lan thắng Chile 2-0 trong một cục diện thế nào chắc ai cũng đã thấy rõ. Thực chất, họ vất vả hơn nhiều so với trận thắng TBN và chỉ nhàn nhã hơn trận thắng Australia một chút xíu.

Hà Lan năm nay được xây dựng dựa trên cơ sở lối chơi pressing quyết liệt, phòng ngự chắc chắn và tổ chức phản công hoặc tấn công chớp nhoáng nhờ vào tốc độ siêu việt của cặp “động cơ công thức một” có tên Robben-Van Persie. Bởi thế, gặp những đối thủ chủ động dâng cao, chủ động chơi lấn sân như TBN, Hà Lan rất dễ phát huy triết lý ấy của mình. Còn trước những đối thủ buộc Hà Lan phải tấn công để tìm bàn thắng, họ bỗng trở lại nguyên hình của một tập thể vất vả khi đánh mất thế chủ động rình mồi của mình.

2. Trận Chile là một ví dụ điển hình. Bàn thứ hai chính là bàn thắng được dàn xếp từ một pha phản công mà nhờ tốc độ của Robben, Depay mới có thể làm tung lưới đối thủ. Sở dĩ Hà Lan có thể tạo ra pha phản công chớp nhoáng đó là bởi Chile quá say đòn sau khi đã bị dẫn trước. Và giả như không có bàn mở tỷ số của Fer trong tình huống cố định, chưa chắc Hà Lan đã có bàn thứ hai (?).

Nhưng vấn đề tiếp sau 3 trận toàn thắng của Hà Lan là gì? Mexico có phải là đối thủ cho phép Hà Lan chơi phản công như họ có thể làm trước TBN hay không? Chưa chắc. Mexico thực ra lại là đối thủ khó nhằn hơn Brazil rất nhiều. Với Hà Lan, nếu dũng cảm chọn Brazil, đội bóng có thể cho phép Hà Lan đá phản công, thầy trò Van Gaal có thể tiến rất xa. Tất nhiên, trừ phi trọng tài quá thiên vị chủ nhà để loại Hà Lan một cách oan ức…

Bóng đá là tính toán và Hà Lan lẽ ra đã có thể tính toán. Nếu họ chọn vị trí nhì bảng, Brazil sẽ rất khó đá trước Cameroon sau đó 2 tiếng đồng hồ. Bởi bản thân Brazil, chọn Chile vẫn dễ chịu hơn chọn Hà Lan nhiều lần.

Lựa chọn ấy như kiểu miếng thịt duy nhất sót lại trên bàn ăn 4 người. Kẻ từ chối gắp đầu tiên bao giờ cũng để lại áp lực cho những kẻ theo sau mình.

3. Từ đầu giải đến giờ, không ít người thấy lạ mắt với màu áo Hà Lan ở 2 trận đầu tiên. Đó là màu áo sân khách, theo bắt thăm mặc định của FIFA. Chỉ đến trận thủ tục cuối cùng của bảng B, Hà Lan mới trở lại màu áo cam truyền thống.

Gặp Mexico, họ cũng được mặc màu áo cam truyền thống. Song, màu áo ấy liệu có may mắn hơn màu áo sẫm của hai trận đầu?

Nếu chọn Brazil, Hà Lan sẽ mặc màu áo sẫm lạ lẫm của mình, màu áo như hình ảnh một đội tuyển đang đổi mới.

Có lẽ nào, màu cam trước Mexico chính là màu cam cuối cùng của mùa World Cup, khi lựa chọn của Hà Lan lại thiên về hướng quá an toàn???

Hư hư thực thực, thực thực hư hư, nhiều khi lối an toàn lại chính là lối có nhiều cạm bẫy nhất…

43 Hà Lan là đội bóng phạm nhiều lỗi nhất ở World Cup 2014, tính đến thời điểm này, với tổng cộng 43 lỗi.

90 Leroy Fer chỉ mất 90 giây sau khi vào sân để ghi bàn thắng vào lưới Chile. Đó là khoảng thời gian ngắn nhất mà một cầu thủ vào sân từ ghế dự bị ghi bàn, tại VCK này.

8 Trước Chile, Hà Lan đã có tới 8 cú sút trúng cầu môn, so với 1 của đối phương.


Nhạc sĩ Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm