Biến tấu World Cup: Đọc lại thánh kinh trong bóng đá

20/06/2014 07:37 GMT+7 | Bảng G

(Thethaovanhoa.vn) - Hai anh em cùng chơi bóng đá, và cùng nổi tiếng vì tài năng của mình, có lẽ là chuyện không hiếm hoi gì trong thế giới túc cầu.

1. Người hâm mộ vẫn còn mãi nhớ đến Rai, khi lần đầu tiên anh ra mắt ở châu Âu, với cái ‘đuôi’ gắn theo tên gọi là ‘em của Socrates’. Nhưng rồi anh đã tạo dấu ấn riêng, với PSG, và cắt cái ‘đuôi’ ấy đi để định danh mình. Chỉ tiếc, anh chưa một lần được chơi bóng chung với Socrates, trong cùng một màu áo chuyên nghiệp.

Nhưng bên cạnh nỗi tiếc của Rai, có biết bao cặp anh em không bao giờ phải tiếc bởi họ sàn sàn tuổi nhau, thậm chí là song sinh, và có cơ hội gắn kết trong cùng một màu áo. Đó có thể là anh em nhà De Boer; anh em nhà Neville; anh em nhà Da Silva… Và thậm chí, thế giới bóng đá đa dạng dịch chuyển còn đưa những cặp anh em từng là đồng đội lại trở thành đối thủ của nhau, như anh em nhà Milito, kể từ khi họ bắt đầu lìa xa CLB Real Zaragoza để đôi người đôi ngả.

Song, có lẽ, câu chuyện lạ kỳ nhất và tốn giấy mực nhất bây giờ chính là câu chuyện nhà anh em Boateng, những người gắn kết với nhau đến lạ kỳ, và đối đầu nhau như một cái duyên lạ kỳ ở vòng bảng của hai kỳ World Cup liên tiếp, dưới hai màu quốc kỳ ở hai châu lục.

2. Câu chuyện của họ vẫn còn nhiều bí ẩn mà không ai có thể khẳng định chắc chắn được mình biết hết sự thật. Tại sao họ có khả năng và có thể chơi cùng dưới màu cờ Mannschaft nhưng Kevin lại chọn trở về quê mẹ, quê cha, với một đội tuyển khó có khả năng đi xa còn Jerome lại lựa tuyển Đức hùng mạnh và nhiều cơ hội trở thành nhà vô địch thế giới? Chỉ biết, người đời đồn rằng những tuyển trạch viên tuyển Đức không ‘mến’ Kevin và dường như anh đã bị tổn thương nên kiên quyết quay lưng lại với màu cờ mà người em của mình gắn kết.

Tự nhiên, câu chuyện nhà Boateng, với lần đối đầu liên tiếp thứ hai ở vòng bảng World Cup, cho một cuộc chiến không khoan nhượng chút nào, khiến ta liên tưởng lại một câu chuyện rất xưa, từ trong Thánh Kinh, với anh em Abel và Cain, những người con đầu tiên trên mặt đất này, của Eva và Adam thủy tổ.

Cain làm ruộng; Abel nuôi cừu. Abel dâng thịt ngon cho Thiên Chúa còn Cain cúng hoa trái đầu mùa. Thiên Chúa chê hoa trái đầu mùa mà nhận về những con chiên non, mỡ béo. Cain bởi thế tức giận mà rủ em mình ra đồng, rồi giết. Câu chuyện Thánh Kinh ấy đã được tìm thấy nhiều phiên bản tương đồng ở trong những câu chuyện dân gian của nhiều nền văn hóa khắp nơi trên thế giới mà theo như cuốn sách Eden in the East của Stephen Oppenheimer, một tiến sỹ người Anh, có lẽ cái tích bắt nguồn từ một lục địa đã chìm sâu có tên Sundaland. Phải chăng, nó chính là định mệnh của loài người, của anh em phải mỗi đứa mỗi nơi, phải ‘kiến giả nhất phận’???

3. Nhưng Boateng anh có thể dằn dỗi với những nhà tuyển trạch Đức song anh không vì thế trút giận lên anh em của mình. Họ có thể gặp nhau trên sân, đá rất quyết liệt nhưng vẫn luôn giữ gìn trong nhau một sợi dây gắn liền máu thịt thiêng liêng.

Thánh Kinh cũng viết rằng, vì loài người bất kính với Thiên Chúa mà xây tháp Babel nên ngài bắt họ nói trăm thứ tiếng để tứ tán muôn phương. Không còn tiếng nói chung, không còn mộng về một Babel nữa.

Nhưng anh em nhà Boateng thì khác. Họ vẫn có một tháp Babel riêng của mình, một tháp Babel chọc trời, một tháp Babel vinh danh tình huynh đệ. Đơn giản, họ còn giữ được tiếng nói chung, tiếng mẹ đẻ, tiếng Ghana, và hơn hết cả, là ngôn ngữ của niềm vui trong bóng đá…

41 Trong giai đoạn 2001-09, Kevin-Prince Boateng đã thi đấu tổng cộng 41 trận (ghi 9 bàn), cho các đội tuyển trẻ của Đức, từ U15 đến U21.

8 Trong 10 năm qua, Kevin-Prince Boateng đã trôi nổi qua 8 CLB, còn Jerome khoác áo 5 CLB. Đội bóng duy nhất họ thi đấu cùng nhau là Hertha Berlin.

9 Jerome Boateng đã giành 9 danh hiệu trong sự nghiệp (1 cùng Man City, 8 cùng Bayern Munich). Anh đã cùng tuyển Đức giành HCĐ World Cup 2010, giải đấu mà Ghana dừng chân tại tứ kết.


Nhạc sĩ Hà Quang Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm