Chuyện bầu Giáo Hoàng qua lời người chứng kiến

21/02/2013 08:13 GMT+7 | Trong nước

Được quen biết Đức giám mục Franxico Xavier Nguyễn Văn Sang, có lẽ là một duyên may hiếm? Chưa hẳn vị chăn chiên này có lắm cái đầu tiên: Là linh mục đầu tiên cử hành Lễ Giáng sinh tại nhà thờ chính Tòa Hà Nội dịp Noel 1972.

Là linh mục miền Bắc Việt Nam đầu tiên được xuất ngoại sang Giáo đô La Mã. Từng được dùng cơm với Đức Giáo hoàng Jean Paul II... Mà có lẽ ngài là một người cởi mở lại chăm viết!


Đức Giám mục Nguyễn Văn Sang và Đức Hồng Y Gioan Phaolo II .

Buổi triều yết với Giáo hoàng Jean Paul II

Mùa xuân 1991, mấy anh em viết được hầu chuyện lâu lâu với ngài không phải ở Nhà thờ lớn Hà Nội nơi mà ngài với cương vị phụ tá Đức Hồng Y kiêm Giám đốc Đại chủng Viện Hà Nội, là với vị trí mới Giám mục chính Tòa địa phận Thái Bình.

Đến bây giờ tôi cũng không rõ quyết định ấy với ngài là khó khăn hay dễ dàng? Trong câu chuyện ngài kể lại với chúng tôi, trước thời điểm được bổ nhiệm công việc mới, trong đoàn đại biểu các linh mục Việt Nam thăm viếng Tòa Thánh có Đức giám mục Nguyễn Văn Sang.

Giám mục kể với tôi: Trong buổi triều yết Đức Giáo hoàng, Người đã nhìn sâu vào đôi mắt nhỏ bé của tôi rồi từ từ hỏi con có chấp nhận việc cha đặt con làm Giám mục Chính Tòa Thái Bình là nơi đã trống Tòa hơn 2 năm nay? Tôi mau mắn trả lời Thái Bình là một giáo phận miền quê xa ngái là gánh nặng cho con vốn là dân thành thị. Song con xin vâng lời Đức Thánh Cha.

Đoạn người nói gánh nặng của giáo phận, Cha sẽ gánh cho con một nửa bằng lời cầu nguyện và hy sinh. Cha cho con một chiếc xe hơi để đi lại...

Bức ảnh Đức giám mục Nguyễn Văn Sang chụp với vị chủ chăn trần thế Jean Paul II thời điểm đó vẫn lưu tại phòng làm việc của Đức giám mục.

Căn phòng trong ngôi nhà thờ Thái Bình xập xệ cũ nát cũng như gian phòng Nhà thờ chính tòa Thái Bình khang trang vừa được xây cất giữa xứ đạo sầm uất mấy năm nay.

Ít lâu sau việc khánh thành nhà thờ chính tòa, đức giám mục Nguyễn Văn Sang về hưu. Nói là nghỉ nhưng ngài vẫn tất tả với bao thứ mục vụ. Vẫn năng đi lại giữa Thái Bình với Hà Nội. Lắm khi đức cha giám mục bận việc, đức cha Sang kiêm thêm cả việc mục vụ kinh bổn.

Những bận thong thả, ngài cho gọi tôi đến một nhà hàng ở Hồ Tây, tặng cho cuốn sách ngài mới viết hoặc chuyển ngữ. Ăn uống chỉ là cái cớ. Thú vị nhất là vẫn chuyện nối chuyện như ngày nào. Tuổi bát tuần lại bị chứng huyết áp hành, ngài phải kiêng khem đủ thứ nhưng hình như trí nhớ của ngài đâm dai bền và sung túc thêm lên?

... Giáo hội La Mã sắp sửa diễn ra một việc trọng. Chắp nối lại những câu chuyện không đầu không cuối được hầu ngài, tôi mạo muội biên ra đây sự kiện nghiêm cẩn lẫn nhiêu khê là cái việc Tòa Thánh La Mã chọn lựa vị chủ chăn dưới trần thế bầu chọn Giáo Hoàng! Người được may mắn chứng kiến từ đầu đến cuối hai sự kiện đó chính là Đức giám mục Nguyễn Văn Sang.

Thời điểm ấy ngài mới là linh mục và là cha thư ký tháp tùng Đức Hồng Y tiên khởi Việt Nam Trịnh Như Khuê sang Roma trực tiếp bầu Giáo hoàng.

Không biết trong lịch sử Giáo hội Công giáo đã bao bận xảy ra những biến cố lành dữ? Nhưng có lẽ thời điểm mấy tháng cuối năm 1978 sẽ phải ghi những dòng khá đậm. Trước hết là việc Đức Giáo hoàng Phaolo VI đột ngột từ trần.

Trong những ngày tang gia bối rối ở đô thành La Mã, cha thư ký Nguyễn Văn Sang, không biết bằng cách nào đã có trong tay một tài liệu lạ, quý. Đó là bản Di chúc phải nói là độc đáo của Giáo hoàng Phaolo VI viết vào hai thời điểm năm 1965 và năm 1972.



Một trong những ngả vào Vatican. Nhiều ngả luôn được các nhân viên an ninh Tòa Thánh coi sóc cẩn thận


(Trích)... Khi tôi đối diện với sự chết đối diện với sự từ bỏ hoàn toàn và dứt khoát đời sống hiện tại tôi cảm thấy có bổn phận phải ca khen ân sủng hạnh phúc vẻ đẹp và định mệnh của chính đời sống qua mau này. Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã gọi con vào đời sống và nhất là vì Chúa đã cho con làm Kitô hữu... Biết bao nhiêu ân phúc biết bao nhiêu điều tốt đẹp và cao thượng biết bao nhiêu hy vọng tôi đã nhận được ở thế gian này. Bây giờ ngày sắp tàn, tất cả những gì trên sân khấu tuyệt vời và bi thảm của cuộc đời tạm gửi nơi trần thế này cũng sắp kết thúc và tan biến sau khi đã cảm tạ Chúa vì đã ban cho con đời sống tự nhiên và đức tin... Tôi xin chào và chúc lành cho tất cả những người tôi đã gặp trên đường lữ thứ trần gian những người đã cộng tác với tôi đã là cố vấn là bạn hữu. Tôi biết rõ việc từ giã này sẽ chẳng đầy đủ nếu tôi không nhớ tới việc xin lỗi những người mà tôi đã làm mất lòng những người tôi đã không phục vụ đã không yêu mến đủ cả những người đang chờ đợi tôi xin lỗi.

...Còn về các của cải trần thế: Tôi xin đề nghị được chết nghèo và xin đơn giản tất cả những vấn đề có liên hệ. Những bất động sản và động sản của riêng tôi do gia đình mà có, tôi để lại cho hai anh em ruột của tôi và xin dùng một phần giúp đỡ những người đang thiếu thốn và giúp các công việc từ thiện. Các anh em có thể giữ các đồ đạc vật dụng đạo đức và sách vở của riêng tôi hoặc cho ai muốn làm kỷ niệm thì tuỳ ý. Xin đốt các bản chép tay các thư từ riêng của tôi. Tôi xin huỷ các thủ bản các ghi chú tự tay tôi viết và trong các thư từ nhận được có tính cách thiêng liêng và riêng tư. Xin đốt tất cả những gì không có ý cho người khác biết...

(Phần phụ thêm vào Di chúc viết năm 1973) Tôi mong muốn Lễ an táng của tôi sẽ rất đơn giản và tôi không muốn có ngôi mộ đặc biệt nào cũng không muốn xây đài kỷ niệm. Hãy cầu cho tôi bằng việc từ thiện. Phao lô VI Giáo hoàng. Ngày 14 tháng 7 năm 1973.

Ngày 12 tháng 8 năm 1978, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã được an táng tại hầm mộ Vatican. Ngài yên nghỉ giữa tầng đất sâu trên mộ chỉ có một tấm bia đơn sơ đúng như trong chúc thư của Ngài. Và cũng bắt đầu từ thời điểm đó Giáo hội chuẩn bị cho cuộc bầu Giáo hoàng mới.

Trước cảnh tượng ấy, đức cha Sang cảm khái bằng mấy vần.

Kiếp sống trần gian chút hình hài/ Vui buồn sướng khổ trĩu đôi vai/ Phù du ảo ảnh nay cũng hết/ Nơi Chúa nghỉ yên sống đời đời.

Mật hội và thể thức

Non ngàn năm trước, các vị Giáo hoàng được bầu do hàng giáo sĩ hoặc dân chúng thành Roma. Nhưng bắt đầu từ năm 1095 Đức Giáo hoàng Nicolas II ra sắc chỉ Innomine Domini- Nhân Danh Chúa giành quyền bầu Giáo hoàng cho các vị Hồng Y. Và kéo dài mà giữ cho đến thời điểm này. Thể thức bầu Giáo hoàng được thực thi qua mấy bước cơ bản:

Con số Hồng Y được quyền bầu Giáo hoàng tối đa không quá 120 vị. Tất cả các Hồng Y cho đến ngày bầu chưa được 80 tuổi tròn đều được bầu Giáo hoàng (Đức Hồng Y Việt Nam khi đó là Trịnh Như Khuê chưa tới 79).

Các Hồng Y không được đem người hầu cận vào khu cấm (nơi bầu) trừ trường hợp đau ốm tàn tật nặng. Ban tổ chức cũng cho vào nơi bầu một ông thợ cắt tóc cạo râu. Ba nhân viên chữa cháy. Một thợ ống nước. Một thợ điện. Một thợ chữa tủ lạnh. Một số tu sĩ có chức linh mục để lo giúp đỡ phần hồn cho các Hồng Y ví dụ như giải tội.

Một bác sĩ giải phẫu một bác sĩ đa khoa một bác sĩ nha khoa và hai y tá.

- Đồ ăn thức uống cho hơn 200 vị kể cả Hồng Y và nhân viên phục vụ do nhân viên của Quán trọ Đức Maria một quán ăn tôn giáo duy nhất ở Vatican đảm nhiệm. Các đồ ăn thức uống đưa từ ngoài vào qua một khu cấm. Tuy vậy có rất nhiều Hồng Y phải ăn kiêng nên việc sửa soạn bữa ăn rất phức tạp.

-Khi các Hồng Y và tuỳ tòng vào khu cấm thì không được ra khỏi nơi bầu trừ trường hợp ốm nặng hoặc... chết! Những người ốm ra khỏi đó khi được chữa lành thì không được vào nữa.

Mọi liên lạc với thế giới bên ngoài đều bị cắt. Khoảng 800 máy điện thoại bị khoá chặt. Các Hồng Y và nhân viên mật hội không được nhận bưu phẩm thư từ báo chí hoặc bất cứ thông tin gì.

Các Hồng Y ngủ trong một gian phòng cá nhân chật hẹp. Có một giường một bàn một ghế và ở như thế suốt thời gian mật hội, còn ăn thì chung một phòng lớn.

vv...

Và sau đây là quy tắc thể lệ của việc bầu Giáo hoàng:

Một là Nhất trí hoan hô. Một vị Hồng Y có mặt được ơn Chúa thánh thần soi sáng đứng lên đề nghị bầu một Hồng Y có mặt. Một Hồng Y khác đứng lên xin bầu cho vị đó. Sau đó nhất trí vỗ tay. Vị đó kể như đã được bầu làm Giáo hoàng.

Cách thứ hai Bầu theo nhóm. Các Hồng Y uỷ quyền cho một nhóm bầu thay cho mình. Tối thiểu là 9. Tối đa là 15 đấng.

Cách thứ 3. Phương thức này thường được dùng và bây giờ vẫn áp dụng là bỏ phiếu kín. Mỗi Hồng Y được phát một phiếu có in sẵn câu Eligo nin...summum Pontificem (Tôi xin bầu... làm Giáo hoàng).

Vị đó điền vào chỗ trống tên người mình chọn làm Giáo hoàng. Đoạn tự tay mang phiếu đã gấp nhỏ bằng ngón tay cái bỏ vào chén thánh (một thứ hòm phiếu). Lúc kiểm phiếu xong, Hồng Y nào được hai phần ba số phiếu cộng một phiếu là đắc cử.

Nếu không đủ thì tiến hành bầu lại. Nếu ba ngày mà vẫn chưa bầu được Giáo hoàng thì nghỉ một ngày rồi vẫn tiếp tục bầu bảy lần nữa. Nếu vẫn chưa được mật hội vẫn kéo dài thì các Hồng Y có thể thoả thuận để bầu theo nhóm. Hoặc đem hai đấng nhiều phiếu nhất ra bầu. Vị nào được quá nửa số phiếu là đắc cử.

Theo Xuân Ba
     Tiền phong


  

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm