Nghệ sĩ ballet Nguyễn Phúc Hùng: Bị chê, bị dè bỉu vẫn phải đi

04/08/2010 06:52 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - 10h sáng, cái nắng của Sài Gòn đã bắt đầu tăng nhiệt. Trong phòng tập tạm ở trường Múa, Nguyễn Phúc Hùng cùng các đồng nghiệp Nhà hát Giao hưởng & Vũ kịch TP.HCM đang miệt mài luyện tập mặc mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Nguyễn Phúc Hùng - vũ công solist số một của Nhà hát vừa về nước hơn một tháng nay, sau chuyến du học tại Hà Lan theo học bổng của UBND TP.HCM năm 2007. Câu chuyện của chúng tôi diễn ra ngay trên sàn tập, trong những phút nghỉ giữa giờ.

Tôi là “đại gia ” trong trường

* Đúng ra thì anh đã về nước từ cách đây hơn một năm rồi chứ?

- Đúng là tôi học xong cách đây hơn một năm nhưng tôi muốn ở lại làm việc cho các công ty bên đấy vì cảm thấy kiến thức của mình còn hổng nhiều lắm. Bởi vì học trong sách vở là một chuyện, ra trường đi thực tập, đi làm lại là một chuyện khác. Tôi học xong, thi tuyển và được một công ty của Hà Lan nhận vào làm. Tôi làm việc được năm rưỡi, vừa hết hợp đồng và thấy bắt đầu có thể về được nên tôi quyết định dừng việc bên đó.

* Hơn một năm làm việc ở Hà Lan anh thấy điều kiện cho các nghệ sĩ học và làm nghề bên đó như thế nào?

- Khác hẳn ở bên mình rất nhiều về điều kiện cũng như tất cả mọi thứ. Bên đó, họ làm thật ăn thật. Một tuần họ làm việc 6 ngày, từ 9h sáng đến 7h tối và chỉ được nghỉ một ngày. Cường độ làm việc quá căng và khắc nghiệt. Những điều kiện về sàn tập, phòng ốc, nhà hát… thì phải công nhận Hà Lan là số một ở châu Âu. Ở Hà Lan có hơn 10 triệu dân thôi nhưng có gần 100 công ty múa lớn và nhỏ, thành phố nào cũng có nhà hát dành cho múa. Cũng cần phải nói thêm rằng, cuộc sống bên đó bây giờ rất khó khăn. Cho nên nhiều công ty họ tuyển gắt gao và khắc nghiệt hơn. Mô hình của các công ty nước ngoài hiện nay gói gọn, cả một công ty múa, công ty nào cao nhất cũng chỉ có 15 người. Các công ty hoạt động theo mùa, theo dự án, khi nào cần thì họ tuyển. Có khi, một dự án như vậy chỉ tuyển 2 người một nam một nữ mà số lượng đăng kí lên tới 4-500 người. Nhiều khi tuyển vào, khoảng chừng 5 tháng hết dự án thì đi ra, sang năm có dự án mới lại tiếp tục tuyển. Nó liên tục thay đổi như vậy.

* Thế còn thù lao cho diễn viên múa thì sao, liệu có khập khiễng khi so sánh với các diễn viên múa của Việt Nam?

- Múa ballet ở châu Âu là một công việc cực kì khó khăn, chứ không riêng gì Hà Lan. Bên đó sẽ có 2 mức dành cho 2 đối tượng: nếu là người giỏi, có kinh nghiệm, công ty sẽ kí hợp đồng trong vòng một năm với mức thù lao là 1.800 Euro/tháng, nếu làm tốt thì năm sau có thể kí hợp đồng tiếp. Còn không, hết một năm, diễn viên lại phải đi tìm việc ở chỗ khác. Hầu như 80% công ty bên đó khi tuyển đầu vào đều lấy thực tập sinh, với thù lao 300 Euro/tháng gồm ăn ở, tập luyện, diễn… Đây thường là những sinh viên năm cuối của trường múa, họ cần một nơi để thực tập. Mà thực ra sinh viên năm cuối bên đó đã “rắn rỏi” lắm rồi.

Mức 1.800 Euro/tháng so với bên kia không là gì cả, giống như muối bỏ bể thôi. Mức này so với Việt Nam thì nó vẫn có sự chênh lệch. Vì Việt Nam nửa bao cấp, nửa cơ chế thị trường nên nó cứ lẫn lộn, đánh đồng nhau. Có nhiều người tài năng nhưng trả lương rất thấp. Điều đó là tất nhiên vì cơ chế của mình như vậy rồi. Cách làm việc như của châu Âu cũng rất hay vì nó luôn luôn khuyến khích mức độ nghệ thuật cao lên và diễn viên phải nỗ lực để nâng cao năng lực của mình lên. Còn ở bên mình, hưởng biên chế rồi ăn nằm ở dề mà ít có sự phấn đấu.

* Từ Việt Nam sang một đất nước hàng đầu về đào tạo ballet, nói về khó khăn chắc là nhiều lắm?

- Về nghề thì phải nói là rất khó khăn. Thực ra ở châu Âu bây giờ người ta phát triển dòng múa mới và bắt đầu từ sự nhận thức của diễn viên. Ở bên đó, biên đạo đưa ra ý tưởng và diễn viên phải dựa theo ý tưởng đó để sáng tạo ra từ chính cơ thể của mình. Tôi không bị sốc vì tôi hoạt động múa trong nước cũng được mười mấy năm rồi. Tất nhiên thời gian đầu mình cũng hơi khó khăn vì chưa hòa nhập được, có phần hơi bỡ ngỡ. Qua thời gian đó thì tôi hòa nhập tương đối nhanh. Còn cuộc sống thì có học bổng của UBND TP.HCM, được 700 Euro/tháng, thuê nhà 250 Euro, ăn uống 300 Euro, còn lại dành để đi xem các buổi biểu diễn, nói chung là cuộc sống đầy đủ, thậm chí còn sướng hơn các học sinh châu Âu, mỗi tháng họ chỉ có 500 Euro thôi. Với mức học bổng như vậy, tôi cũng giống như các… đại gia trong trường rồi đấy! Thỉnh thoảng mà thèm thuốc lá thì có người từ Việt Nam sang mang cho mấy cây.


Nguyễn Phúc Hùng trên sàn tập tại Hà Lan
Đang có Mạnh Thường Quân là bố mẹ

* Anh định làm gì với những gì học hỏi được ở trời Âu?

- Tôi sang bên kia học, chỉ chú ý đến phát triển của múa hiện đại. Bây giờ múa của thế giới đã tiến rất xa, tiến xa hơn Việt Nam khoảng 50 năm rồi, trong khi đó hệ thống múa của mình vẫn đang còn giậm chân tại chỗ, vẫn sử dụng giáo trình cách đây mấy chục năm từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, tôi cũng có một số thuận lợi, trong nhà hát có một số người mới đi học về từ Đức, Pháp, Úc… Chúng tôi cùng cộng tác với nhau, giúp đỡ nhau. Tôi muốn kết hợp giữa múa ballet với hơi thở múa mới của bây giờ.

Điều tôi ghi nhớ trong thời gian học ở bên kia là lời ông thầy, rằng cứ đi theo hướng của mình, dù có bất cứ chuyện gì thì cũng đừng lung lay. Ông bảo, múa hiện đại của châu Âu bây giờ, hồi mới đầu cũng bị đánh đập tơi bời. Thầy khuyên tôi kiên trì, có thể bị đánh, bị chê, bị dè bỉu nhưng vẫn phải đi. Đến tận cùng con đường của mình sẽ là thành công.

* Một nghệ sĩ ballet có thời gian du học ở nước ngoài từng tâm sự rằng chị bị sốc khi về nước.

- Tôi cũng sốc nặng đấy. Vì bên kia, khi được tuyển vào công ty, mình chỉ việc tập trung làm việc, mọi thứ khác đã có người khác chuẩn bị. Một công ty có tiếng, chỉ ra thông báo về kế hoạch dựng vở thì các nhà hát châu Âu và thế giới đã đăng kí mua suất diễn hết rồi. Bây giờ tôi về lại, chỉ có một số ít diễn viên theo kiểu của mình, nên tập luyện rất vất vả. Tôi phải bắt đầu lại từ đầu.

Để có thể phát triển tốt thì diễn viên phải sống được với nghề, thu nhập phải đảm bảo, nhưng thực tế, diễn viên múa vẫn chưa sống được với nghề. Các diễn viên phải đi múa đám cưới, vũ trường. Về mặt bằng nghệ thuật, bây giờ so với trước khi tôi đi học, dường như vẫn chưa có đột biến gì cả. Chỉ có một số ít người có thể tạo nên đột biến mà thôi. Như anh Tấn Lộc, anh cũng từng đi học nước ngoài, về nước phải cùng đồng nghiệp lăn lộn rất nhiều, chương trình Chuyện kể của những chiếc giày anh làm thực sự là một cú hích, kích thích mọi người.

* Từng được giải thưởng Tài năng Múa Việt Nam, Huy chương vàng LH Vũ kịch Việt Nam lần I và bây giờ còn thêm “mác” đi học nước ngoài về. Hiện tại, mức thu nhập của anh có khác so với trước kia không?

- Thì vẫn giống như các diễn viên ở nhà hát vậy thôi. Nói thật là hiện giờ tôi đang… đói lắm! Tôi mới về nên cũng chưa có làm gì cả, may mắn là hiện tại có Mạnh Thường Quân là bố mẹ. Trước mắt mình vẫn còn yêu nghề, còn ham nghề, vừa mới học xong và có rất nhiều thứ muốn làm thì mình cứ làm thôi. Tất nhiên sau này tôi cũng sẽ phải kiếm tiền nhưng trước mắt cứ phải làm những gì mình thích cái đã. Tôi được rất nhiều sự động viên của các bạn, những người cũng đã từng đi học nước ngoài về. Và tôi nghĩ, cái gì nếu mà thành công thì hiệu quả, không riêng về kinh tế mà tất cả mọi thứ rồi nó sẽ đến thôi. Quan trọng là mình phải chứng minh, mình phải làm đã, chứ đừng có chưa làm gì mà đã ngồi đó rồi gào lên, khổ thế, tại sao thế này thế kia. Như thế chẳng chứng minh được gì cả.

Huy Sơn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm