Tranh biếm họa: Chiến đấu, xây dựng, nhân văn

08:35 04/04/2018

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - Đến dự Lễ phát động Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần V-2018, nhiều khách tham dự đã bày tỏ ý kiến đồng tình và vui mừng khi biếm họa có một giải thưởng để tôn vinh. 

Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh: Một tranh biếm họa có khi hơn cả ngàn chữ viết

"Tranh biếm họa đang dần trở lại trong nền báo chí thế giới, với vị trí rất quan trọng, tất nhiên biếm họa ngày nay phát triển khác với trước kia, vốn chỉ có trên báo in, nay là phát triển trên báo điện tử, với các hình thức tương tác và sự lan truyền mạnh mẽ. Kể từ năm 2015, biếm họa đã trở thành một trụ cột quan trọng của báo chí thế giới.

Chú thích ảnh
Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh

Tại Việt Nam, sự tiên phong của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) qua 11 năm với 4 lần tổ chức Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre, và nay là lần thứ V, sẽ là một động lực quan trọng thúc đẩy tranh biếm họa Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Nhiều khi, có những bài viết kỳ công, nhiều ngàn từ, lại rất khó thu hút người đọc. Nhưng đôi khi, những tranh vẽ lại "đập" vào mắt người ta, giúp người ta nhận biết các vấn đề trong xã hội, trong cuộc sống một cách nhanh chóng, dễ cảm thụ hơn".

Họa sĩ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm): Các biếm sĩ hãy tự tin để thể hiện

“Trong đời sống văn hóa hiện nay, tranh biếm họa là nhu cầu tất yếu của một xã hội phát triển. Bởi, vai trò phản biện xã hội của nó được thể hiện qua nghệ thuật, và trở nên hấp dẫn, dễ đi vào lòng người. Đặc biệt, khi Đảng và Nhà nước đang rất tích cực kêu gọi phòng chống tham nhũng, cũng như điều chỉnh những vấn đề chưa hoàn thiện trong đời sống, thì biếm họa lại càng được cộng đồng chú ý.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Vi Kiến Thành

Với đặc tính ấy, biếm họa là hình thức nghệ thuật mang tính báo chí cao. Đó không chỉ là những tác phẩm đặt ra yêu cầu về thẩm mỹ, mà còn đòi hỏi tính xã hội, với ý tưởng độc đáo và ngôn ngữ đồ họa rất cô đọng, súc tích, kiệm lời (thậm chí là không cần lời). Và, giá trị của tranh biếm họa cũng không chỉ thuần túy nằm ở góc độ tạo hình, mà còn nằm ở thông điệp được người xem tiếp nhận thông qua đường nét.

Riêng ở góc độ nghệ thuật, tôi cũng muốn chia sẻ thêm: Trong đời sống xã hội, người nghệ sĩ bao giờ cũng phải là người đi tiên phong so với cộng đồng. Xã hội hiện tại đã phát triển sang một giai đoạn mới, nhận thức chung của cộng đồng cũng đã được nâng cao, bởi vậy người sáng tác cũng tới lúc cần có những giải pháp tạo hình đi trước cả xu thế thẩm mỹ của xã hội.

Chúng ta hãy mạnh dạn theo đuổi cách thể hiện của mình, đừng sợ cộng đồng không hiểu - rồi từ đó lại có cách nghĩ rằng phải vẽ tranh biếm theo cách này, cách kia thì mới phổ thông hơn, dễ dàng chuyển tải thông điệp hơn. Nghĩ như vậy, vô tình, lại chính lại một cách kéo chậm lại xu thế phát triển của biếm họa”.

Nhà báo Hồ Quang Lợi (Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam): Thiếu biếm họa, gương mặt báo chí thiếu đi một điều lý thú

“Trong nhiều năm, biếm họa là thứ không thể thiếu ở rất nhiều tờ báo. Các báo đều dành cho tranh biếm họa một vị trí đặc biệt, quan trọng và xứng đáng. Góc biếm họa báo chí với tranh của các họa sĩ - nhà báo Phạm Tấn Phú, họa sĩ Lý Trực Dũng... khiến cho tờ báo trở nên sống động, lý thú và cũng rất đáng yêu.

Những năm vừa rồi theo dõi báo chí, tôi cũng không hiểu vì sao lại thiếu vắng tranh biếm họa như vậy và tôi có cảm giác gương mặt báo chí thiếu đi một điều lý thú.

Chú thích ảnh
Nhà báo Hồ Quang Lợi

Đúng như một số họa sĩ phát biểu, hãy coi như chúng ta "ngủ Đông" và bây giờ, chúng ta khởi động giải biếm họa vào đúng mùa Xuân. Tôi nghĩ lần này, biếm họa sẽ trở lại với sức sống lớn hơn, với sự tham gia của nhiều họa sĩ nổi tiếng như: Thành Chương, Duy Liên, Phạm Tấn Phú, Lý Trực Dũng...

Sự có mặt của các họa sĩ nổi tiếng chứng tỏ rằng giải này luôn có ý nghĩa rất lớn trong đời sống. Tôi tin, họ sẽ là những người đầu tiên gửi tác phẩm tới cuộc thi, không phải chỉ để dự thi mà còn để những tác phẩm biếm họa của mình được xuất hiện trên đời sống qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Riêng ở lần tổ chức này, tôi thấy đề tài về văn hóa ứng xử rất trúng, rất hay. Làm việc ở Hà Nội nhiều năm, trong đó có 6 năm làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, tôi thấy văn hóa ứng xử nói chung và ở Hà Nội nói riêng là vấn đề “nóng”. Xã hội phát triển đến mấy, thiếu văn hóa ứng xử thì vẫn chưa đẹp, chưa hoàn hảo, bởi đó là bộ mặt của chúng ta.

Tranh biếm họa bên cạnh tính đả kích, chiến đấu, còn có cả tính xây dựng và nhân văn. Tính nhân văn là điều xã hội đang rất cần, và báo chí, trong đó có biếm họa, cũng đang làm nhiệm vụ góp phần bảo vệ và bồi đắp nó”.

Cúc Đường (ghi)

Chú thích ảnh

TOÀN CẢNH Lễ Phát động Giải biếm họa Báo chí Việt Nam – Cúp Rồng Tre lần V

TOÀN CẢNH Lễ Phát động Giải biếm họa Báo chí Việt Nam – Cúp Rồng Tre lần V

Sáng nay (3/4) tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) chính thức phát động Giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần V-2018, và khai mạc Triển lãm 96 năm biếm họa báo chí Việt Nam.

 

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự