Họa sĩ Lê Phương (LEO): Không yêu thì cho vàng 9999 cũng chẳng vẽ ra hồn

10:16 13/11/2013

(Thethaovanhoa.vn) - Bút danh LEO được Lê Phương lấy ý tưởng từ hình tượng chú sư tử Leo, một nhân vật trong truyện tranh của họa sĩ biếm nổi tiếng người Nhật Bản Osamu Tezuka. Anh từng được giải Nhì - Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần I (năm 2008) và hiện giữ mục Góc biếm họa trên TT&VH Cuối tuần.

Năm nay Lê Phương được BTC giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần IV mời vào ghế giám khảo cuộc thi. Anh cười: “Làm giám khảo coi như tôi đã hết thi thố giải năm nay rồi” khi bắt đầu cuộc trò chuyện với PV TT&VH về biếm họa và thể thao.

* Vẽ biếm họa thể thao so với biếm họa các đề tài khác có gì khác biệt? Anh vẽ biếm họa thể thao vì được đặt hàng hay vì yêu thích?

-  Biếm họa thể thao trong nước có sự tương đồng với đề tài khác. Mẫu số chung luôn là sự quan liêu, trì trệ và thiếu minh bạch, nên ý tưởng tranh phần lớn mang ý nghĩa châm biếm. Còn thể thao thế giới có sự khác biệt lớn về chất. Những tranh vẽ về thể thao quốc tế của tôi có thể gọi thêm cái tên khác là tranh vui. Còn trong nước thì không.

Tôi vẽ vì được đặt hàng. Nhưng nếu không yêu thì đặt vàng 9999 tôi cũng không vẽ được cái gì ra hồn.


Chân dung LEO qua nét vẽ của họa sĩ CÒM.

* Đề tài thể thao trong nước nào “nóng” nhất mà anh đã từng thực hiện trong vòng 2 năm trở lại đây?

- Nóng nhất thì vẫn là chuyện lùm xùm của bóng đá Việt Nam thôi. Rất nhiều sự kiện bi, hài. Không hiểu sao, cho đến tận bây giờ các nhà lãnh đạo bóng đá của ta vẫn còn nội lực để “sáng chế” ra rất nhiều “sáng kiến” vô cùng sáng tạo khiến tôi lúc nào cũng có cảm hứng để vung cọ.

Đề tài tâm đắc nhất chính là cuộc “đảo chính bóng đá” lịch sử của bầu Kiên và kết thúc cũng là màn ngã ngựa cũng “lịch sử” không kém của nhân vật độc đáo này. Rất may cho các sếp liên đoàn, màn “ngã ngựa” lại vì chuyện không liên quan đến bóng đá.

* Tuy nhiên, xin hỏi thực, khi cứ phải vẽ chê một điều gì đó rất lâu mà vẫn không thấy sự thay đổi, tâm trạng của họa sĩ biếm thế nào?

- Tôi không vẽ để chê hay có ý muốn qua đó thay đổi được gì. Tôi vẽ, trước hết là để giúp vui cho độc giả mà thôi. Kế đó, có chút nhuận bút mà uống cà phê. Sự việc tiêu cực vốn dĩ đã nặng nề rồi, tôi biến nó thành chuyện vui, chuyện tiếu nhẹ nhàng, có lẽ là tốt hơn cho cả mấy bên.

Còn trước thực tế cứ vẫn mãi như vậy, bức xúc cũng không giúp được gì cả, chỉ hại thần kinh của tôi mà thôi.


Một tác phẩm của họa sĩ Lê Phương.

* Vẽ biếm thể thao quốc tế có nhẹ nhõm hơn thể thao trong nước hay không? Anh thấy có hứng khi vẽ nhân vật nào nhất?

- Thể thao quốc tế đã phát triển đến tột cùng của sự chuyên nghiệp, nên những chuyện tiêu cực ít xảy ra. Thay vào đó tôi khai thác những câu chuyện thú vị của nhân vật hay kết quả những trận đấu gây cảm xúc lớn. Đó là vùng đất phong phú và bay bổng, nên tôi thích vẽ thể thao quốc tế. Thêm vào đó, chân dung các nhân vật thể thao phương Tây vẽ cũng dễ đẹp và dễ ra đặc điểm hơn ta.

Tôi thích vẽ Roger Federer. Anh ấy là thần tượng của tôi. Thứ tennis hoa mỹ của anh ấy mê hoặc lòng người. Rất tiếc, Fed “móm” đã chuẩn bị “tuổi hưu”, thành tích năm nay cũng bết bát nên tôi ngày càng ít có cơ hội để vẽ. Hi vọng năm sau anh ấy “hồi xuân”, “chàng móm lãng tử” sẽ lại được xuất hiện trở lại trên TT&VH nhà ta.

* Khi đang ấp ủ những ý tưởng bay bổng, điều gì khiến các họa sĩ biếm như anh dễ bị mất hứng nhất?

- Ban biên tập thông báo nội dung thay đổi.

* Có khi nào anh cảm thấy hài lòng với ý tưởng và nhân vật của mình?

- Quá trình họa sĩ sáng tác đã quá chủ động trong từng ý tưởng, tạo hình, đôi khi mang tính rập khuôn, nên đôi khi tôi “lờn thuốc”. Xem tranh người khác thì cười được chứ tranh mình thì không. Diễn viên hài méo mặt diễn thì cứ diễn, chỉ có khán giả thì được cười thỏa thuê các bạn ạ.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam là sáng kiến của báo TT&VH (TTXVN) nhân dịp kỷ niệm 85 năm Biếm họa Báo chí Việt Nam (1922 – 2007). Thành công vang dội của giải lần I đã đưa giải thưởng này trở thành cuộc tôn vinh biếm họa lớn nhất nước, được tổ chức định kỳ 2 năm/lần.


Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa


Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự