Bức tranh toàn cảnh về giao thông Việt Nam

11:32 31/03/2010

(TT&VH) - Sau hơn 5 tháng phát động, ngày 1/4 tới đây, lễ tổng kết, trao giải và triển lãm giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ II - Cúp Rồng tre sẽ diễn ra tại Nhà triển lãm 29 - Hàng Bài - Hà Nội (và sau đó sẽ tiếp tục được triển lãm tại TP.HCM vào đầu tháng 5 tới).

Không phải ngẫu nhiên mà giải Biếm họa lần 2 này đã thu hút được đông đảo các họa sĩ biếm họa tham gia như vậy. Có thể nói, với chủ đề “Giao thông thời... hội nhập”, cuộc thi đã đụng đến vấn đề nóng bỏng và cũng sát sườn hằng ngày của hàng triệu người dân cả nước. Gần 400 tranh của 80 tác giả dự thi đã vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về giao thông Việt Nam với những ý tưởng táo bạo, bất ngờ, thâm thúy, cay chua mà hài hước, xem muốn khóc rồi lại muốn cười... Tiếng cười đại chúng, lạc quan theo cách của biếm họa.


Tác phẩm Bài học muộn của họa sĩ NOP
Ở giải lần này có một kỷ lục dễ thấy là có tới hàng chục bức tranh dự thi vẽ về “quốc nạn” lô cốt trên đường phố. Đi đâu cũng đụng lô cốt cho nên các họa sĩ biếm “tưởng tượng” ra đủ thứ chuyện về lô cốt, nào là Táo quân lên giời vẫn gặp lô cốt, rồi cảnh người ta ăn ngủ trong lô cốt. Anh công nhân trên công trường lô cốt trèo lên trên chiếc máy xúc để tặng hoa cho cô gái “cao cao bên cửa sổ”, với lời hứa đinh ninh của anh “Anh sẽ ở đây vài quý thậm chí cả năm để chờ câu trả lời của em”. Lô cốt quen thuộc quá đến nỗi người ta làm lịch biểu tượng lô cốt cho năm mới... Đặc biệt, “biểu tượng” lô cốt, máy xúc và công nhân đào đường qua con mắt biếm họa của họa sĩ LAP trong Khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn đã trở thành một “đặc sản” đậm đà bản sắc Sài Gòn để trưng ra đón du khách quốc tế đến tham quan tìm hiểu “Vẻ đẹp tiềm ẩn” của VN.

Cùng với nạn lô cốt, bức tranh toàn cảnh về giao thông Việt Nam càng trải rộng ra, người ta càng thấy nhiều bất cập về quy hoạch. Nhìn vào bức tranh Ba giai đoạn của họa sĩ NOP về 3 giai đoạn của dự án xây dựng cầu, tôi chợt nhớ đến một chuyện thật như đùa mà tôi được nghe kể về hồi đào kênh Bắc Hưng Hải hơn 40 năm trước. Nếu bạn để dọc toàn bộ hệ thống kênh mương này, ngày nay bạn sẽ thấy có một đoạn kênh mương được đào rất lạ kỳ: Kênh mương đang chạy ở bên này đường quốc lộ, đột ngột quay ngoắt sang bên kia đường và người ta phải xây một cái cống để nối xuyên qua đường. Hiện tượng này được giải thích như sau: Hồi đó, toàn dân đào kênh. Kênh chạy qua địa phận xã nào thì xã ấy phải đào. Ở đoạn kênh mương này, khẩu lệnh đặt ra cho bà con rất đơn giản và... cũng rất khoa học: cứ bên trái đường mà đào (vì hướng tuyến của kênh đã xác định là bên trái đường quốc lộ). Oái oăm thay, nếu như xã dưới đào lên phía xã trên thì đào bên trái là đúng, nhưng xã trên “quay đầu” đào xuống phía xã dưới thì cái “bên trái” ấy phải được hiểu là “bên phải”. Đằng này cả hai xã đều cắm cúi đào bên trái mình mà chẳng nhìn trước ngó sau gì cả, đến lúc gặp nhau mới ngã bổ ngửa ra là mỗi xã đào một bên đường.


Tác phẩm “Ba giai đoạn” của họa sĩ NOP
Dĩ nhiên đó chỉ là trường hợp “lệch pha” hãn hữu có thể thông cảm do trình độ phương tiện kỹ thuật cũng như quản lý thời bấy giờ còn lạc hậu, điện thoại còn hiếm hoi, làm sao dám mơ tới hệ thống định vị tọa độ toàn cầu qua... vệ tinh?!

Thế nhưng nhiều dự án thời đại ngày nay, dù được trang bị hiện đại gấp nhiều lần, nhưng vẫn để xảy ra sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch mà dư luận đã từng lên tiếng như chuyện làm xong cầu nhưng... chưa có đường dẫn, cầu vượt thấp khiến cho xe không... thể chui qua hầm cầu. Trong bức tranh biếm của họa sĩ NOP, cây cầu được xây dựng qua 2 dự án, nhưng mỗi dự án chạy một hướng, rốt cuộc lại phải có thêm dự án thứ 3 rất tạm bợ để ghép nối hai dự án chệch choạc ban đầu. Bức tranh này đành rằng có sự “phóng đại” theo tinh thần biếm họa, nhưng càng ngẫm càng phải cười ra nước mắt.

Nhưng vấn nạn giao thông không thể đổ hết cho... khách quan, cho hạ tầng kỹ thuật. Chính ý thức kém cỏi của những người tham gia giao thông đã làm hại bản thân họ và làm cho giao thông trên đường phố trở nên toán loạn “như đàn cá bơi trong bể kính”. Theo quy định ở nhiều nước, người vi phạm giao thông bị bắt buộc phải đi học lại Luật Giao thông. Điều đó rất đúng và rất cần thiết. Nhưng cách mà họa sĩ NOP “bắt” anh chàng quấn bông băng từ chân đến đầu trong bức tranh Biển báo phải ngửa mặt lên trần bệnh viện mà học luật thì còn “nghiêm khắc” hơn ngàn lần. Nhưng với nhiều “anh hùng xa lộ” hay những thanh niên thích quậy phá, thì có lẽ phải như thế thì họ mới “nhớ đời” được!

Nguyễn Mỹ

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự