Biếm họa 'phản tỉnh' mỗi người trong cách ứng xử vì một xã hội văn minh

12:46 03/04/2018

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) chính thức phát động Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần V-2018, và khai mạc Triển lãm “96 năm biếm họa báo chí Việt Nam”.

Tại Lễ phát động, ông Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Trưởng BTC Giải chia sẻ: "Hôm nay, chúng ta phát động một giải thưởng dành cho biếm họa tức dành cho các nhà báo “vẽ” nên tôi xin phép chỉ phát biểu bằng đôi ba hình ảnh, đúng tinh thần biếm họa.

Trước khi tới dự cuộc họp báo này, hẳn quý vị đã phải đi một quãng đường. Quý vị thấy giao thông của chúng ta như thế nào, đặc biệt là trong cách mọi người bóp còi, nhường đường cho người đi bộ?

Chú thích ảnh
Ông Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Trưởng BTC Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần V-2018

Chúng ta cũng vừa trải qua một kỳ lễ hội, cũng khá ồn ào. Quý vị cảm thấy nhiều người tham gia lễ hội đã ứng xử với nhau ra sao trong cách họ xô đẩy, chen lấn và tranh cướp? Hay trong cách họ ứng xử với thần thánh bằng sự xin xỏ, cầu cạnh?

Hàng ngày đọc báo, chúng ta thấy thầy - trò, phụ huynh với các nhà giáo đã thực sự tôn sư trọng đạo chưa?

Và ngay lúc này đây, có thể một số quý vị cũng đang lướt mạng. Quý vị cảm thấy mọi người đang ứng xử với nhau ra sao trong không gian mạng?

Ứng xử văn hóa từ trong đời thường, đến nơi công sở; từ đời thực đến thế giới ảo luôn làm chúng ta trăn trở. Không thể có xã hội văn hóa, văn minh nếu mọi người đối xử với nhau thiếu đi sự nền nếp, tử tế.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Lễ Phát động cuộc thi Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cup Rồng tre lần V-2018

Nhằm góp một tiếng nói trước thực trạng này, trong sự trở lại lần này của Giải Biếm họa báo chí Việt Nam, chúng tôi quyết định chọn chủ đề “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh”, nhằm sử dụng tiếng cười của biếm họa để “phản tỉnh” mỗi người trong cung cách ứng xử ở mọi nơi mọi lúc. Và chúng ta cũng không quên rằng, tiếng cười luôn “bằng mười thang thuốc bổ”. Thế nên, biếm họa không chỉ có đả kích, phê phán những hành vi “kém văn hóa” trong ứng xử, mà còn cổ vũ những cách cư xử thanh lịch, văn minh.

Chúng tôi tin vào sức mạnh của biếm họa có thể làm nên một sự chuyển biến tích cực trong văn hóa ứng xử của cộng đồng. Đó cũng là cách phát huy truyền thống 96 năm của biếm họa Việt Nam trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ cái thiện, cái đẹp, chống cái xấu, cái ác.

Chú thích ảnh
Bức "Nụ cười phong bì" trong chùm tranh giành Giải Nhất Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần IV-2014 của họa sĩ Vũ Thanh Hiền, bút danh Zĩn

Như quý vị đã biết, cách đây 96 năm, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên đã vẽ những bức tranh biếm họa đăng báo, cụ thể là báo Le Paria tại Pháp. Và kể từ đó, biếm họa đã có một lịch sử vẻ vang, đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ghi đậm dấu ấn trong thời kỳ Đổi mới.

Trong thời đại ngày nay, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã khởi xướng Giải biếm họa Báo chí Việt Nam từ năm 2007, trải qua 4 kỳ giải thưởng, đã tôn vinh hàng trăm tác phẩm biếm họa xuất sắc. Nhưng Giải thưởng của chúng tôi cũng bị gián đoạn mất 3 năm vì những khó khăn về kinh phí tổ chức. Nhưng hôm nay, được sự ủng hộ của TTXVN, của Hội Nhà báo Việt Nam, được sự cổ vũ của các họa sĩ biếm họa mà tiêu biểu là họa sĩ Lý Trực Dũng và các họa sĩ biếm lão thành, chúng tôi nỗ lực phát động trở lại Giải thưởng này, nhằm phát huy sức mạnh của biếm họa trong công cuộc xây dựng xã hội văn hóa, văn minh.

BTC

Chú thích ảnh

 

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự