Cùng cười để xoá đi sự vô cảm

08:43 02/04/2014

(Thethaovanhoa.vn) - Muôn hình muôn vẻ, những tác phẩm tham dự Giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần IV - Cúp Rồng tre của báo TT&VH đều hướng về một câu hỏi: Phải chăng, chúng ta đang vô cảm và dần trở nên thờ ơ với những góc khuất đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày?

2 năm kể từ Cúp Rồng tre 2011-2012 đã có quá nhiều sự kiện diễn ra. Và, bên cạnh ánh sáng là khoảng tối, giống như 2 mặt cùng song hành của bất cứ một xã hội phát triển nào. Nhưng, dưới ngòi bút của các biếm sĩ, những vấn đề về đạo đức, nhân phẩm, trách nhiệm… bỗng trở nên sống động, khái quát, và bắt độc giả phải dừng lại suy nghĩ - thay cho việc bị cuốn theo những câu chuyện được báo chí đăng tải hàng ngày.

TT&VH xin giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu trong cuộc thi lần này.

1. Những bất cập của ngành y tế được dư luận chú ý nhất trong 2 năm qua. Từ "bác sĩ đồ tể" Nguyễn Mạnh Tường, cái chết của 3 bé sơ sinh sau khi tiêm vác xin tại Quảng Trị, vụ làm giả kết quả xét nghiệm tại Hoài Đức cho tới những chuyện "mới mà cũ" về sự quá tải hay thái độ tiêu cực của các bác sĩ trong bệnh viện, tất cả những thông tin ấy đủ tạo nên cảm giác ngần ngại, lo lắng, bất an của mỗi người dân bình thường.

Trong hàng loạt biếm họa về ngành y, tác giả Sói chọn hình thức "đả phá" trực diện nhất. Sự dí dỏm và cách chơi chữ của chị đã biến chữ "Y" thành một chạc súng cao su đủ để bắn phần "đức" của các bác sĩ đi thật xa. Quả thật, trước sức ép đồng tiền, cũng như từ những bất cập về cơ chế đãi ngộ trong ngành y, rất nhiều bác sĩ đã không còn giữ nổi đạo đức và truyền thống của nghề nghiệp vốn dĩ rất cao quý này...

2. Giáo dục cũng là một chủ đề "nóng" trong thời gian qua với hàng loạt vấn đề nảy sinh về đạo đức thầy trò, chất lượng đào tạo, hay bệnh thành tích . Và, đỉnh cao của những bất cập ấy chính là con số giật mình vừa được thống kê vào cuối tháng 3 vừa qua: Việt Nam hiện có tới 72.000 cử nhân và thạc sĩ đang ở tình trạng... thất nghiệp.

Giữa những tác phẩm dự thi chọn đề tài giáo dục, bức tranh biếm họa  của tác giả TÊ đã khiến người xem phải... tê tái thật sự khi xoáy vào chuyện "thừa thầy thiếu thợ" vốn là hệ lụy "độc quyền" của lĩnh vực này. Theo nhận xét chung của Hội đồng giám khảo, tác phẩm Không lời của TÊ có cách thể hiện cực tốt về mặt mỹ thuật và ý tưởng. Bức tranh được chia làm 2 phần, với 2 dòng "cử nhân" đi về các hướng ngược nhau. Không cần khắc họa rõ nét mặt, chỉ dáng đi của các cử nhân ấy cũng cho thấy sự đối lập giữa 2 trạng thái tâm lý: hăm hở, hào hứng trong lễ tốt nghiệp và ủ rũ, bế tắc khi  phải mưu sinh bằng các nghề bán bóng bay,  bơm xe, mài dao kéo... với quãng thời gian sau này.


Không lời của TÊ

3. Giao thông là đề tài đã được khai thác tại Cúp Rồng tre lần 2. Nhưng, sau 4 năm, dường như những bức xúc của dư luận vẫn... còn nguyên, và thậm chí tiếp tục tăng vọt theo cấp số nhân. Lý do khá đơn giản: trong 4 năm ấy, những thay đổi có tính bước ngoặt của chúng ta để cải thiện tình trạng an toàn giao thông vốn dĩ không nhiều. Ngược lại, theo thời gian, sự bùng nổ của dân cư đô thị vẫn diễn ra, và tiếp tục đẩy "vấn nạn" giao thông vào ngõ cụt.

Không có gì ngạc nhiên khi nhiều họa sĩ biếm vẫn yêu thích đề tài giao thông trong giải năm nay. Trong số đó, họa sĩ Trần Hải Nam (Quán quân Cúp Rồng tre 2012) có cách nhìn vấn đề khá sắc sảo: mọi người hãy hãy tự... cứu mình bằng ý thức trách nhiệm, thay vì biến những tấm biển báo giao thông thành "bù nhìn bất đắc dĩ" như thực tế đang diễn ra.


Bù nhìn bất đắc dĩ của Trần Hải Nam

4. Rất nhiều và rất nhiều góc khuất của đời sống xã hội đã trở thành chủ đề của các biếm sĩ tham dự Cúp Rồng tre 2014. Và, như nhận xét của họa sĩ Lý Trực Dũng (Hội đồng giám khảo), cúp Rồng tre cũng chưa bao giờ nhận được những tác phẩm dự thi thể hiện nhiều... nụ cười đến thế. Cười toe toét, cười sung sướng, cười hả hê, cười chua chát... theo nghĩa bóng lần nghĩa đen. Bởi thế, bức tranh cuối cùng được TT&VH giới thiệu trong bài viết chính là tác phẩm có cái tên... "Nụ cười Việt Nam" của tác giả Zĩn


Nụ cười Việt Nam của tác giả Zĩn

Chỉ là chuyện "chặt chém" khách du lịch nước ngoài, nhưng nụ cười ấy đặt ra một câu hỏi lớn: sự tươi tỉnh, hào hứng ấy phải chăng xuất phát từ chính sự vô cảm của chúng ta trước những cái xấu, cái vô lý bất công đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.


>>> Chuyên trang: Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự