Giải Biếm họa Báo chí VN lần thứ III: Các họa sĩ giành giải đã nói gì?

09:05 29/03/2012


(TT&VH) - Tác giả của những bức tranh tham gia cuộc thi Biếm họa Báo chí VN lần thứ III tự bạch.

* Họa sĩ Hữu Lộc: Tính thi cho vui, ai ngờ đoạt giải cao

Đang sinh sống ở TP Cần Thơ, họa sĩ Hữu Lộc biết mình đoạt giải Nhì cuộc thi Biếm họa Báo chí VN lần thứ III là do họa sĩ NOP từ TP.HCM gọi điện thoại báo tin mừng. Bản thân họa sĩ NOP cũng đoạt giải Nhì trong cuộc thi lần này.

Họa sĩ Hữu Lộc cho biết anh rất bất ngờ khi biết mình đoạt giải cao như vậy: “Tôi từng làm báo địa phương hơn 10 năm, làm công tác mỹ thuật của báo, vẽ minh họa. Nhưng đoạt giải Biếm họa do báo Thể thao & Văn hóa - TTXVN tổ chức quả là quá vui mừng. Với tôi, tầm vóc của giải thưởng Biếm họa quá lớn”.

Họa sĩ Hữu Lộc sinh năm 1965, anh học Trung cấp Mỹ thuật tỉnh Hậu Giang cũ, từng làm trình bày báo Cần Thơ từ năm 1993, nhưng vì sức khỏe và việc riêng gia đình, nên anh xin không làm báo nữa vào năm 2007. Hiện, Hữu Lộc sống bằng nghề thiết kế mỹ thuật và cộng tác biếm họa với một vài tờ báo trào phúng.

Hữu Lộc biết đến giải Biếm họa của TT&VH từ kênh thông tin của bạn bè trong giới. Anh dự Giải với suy nghĩ là tham gia cho vui, chứ không mong gì đoạt giải. Vì theo dõi những giải lần trước, Hữu Lộc tương đối “bị khớp” vì có quá nhiều “cây biếm” lừng danh của làng biếm họa Việt tranh tài.

Bức Cá chép hóa thạch của HS Hữu Lộc.

Nói về chủ đề cuộc thi biếm họa năm nay, theo Hữu Lộc: “Ngày nào đọc báo cũng thấy đề cập các vấn nạn về môi trường. Ra đường thấy rác, bụi tùm lum, sông ngòi kênh rạch bị đầu độc hoặc lấn chiếm, cây xanh ngày càng bị chặt trụi. Đây là vấn đề thời sự nóng bỏng không chỉ của hôm nay mà sẽ còn được đề cập vào rất nhiều năm nữa. Do có máu nghề báo, tôi không thể không hí họa về thảm trạng này. Cảm ơn BTC Giải Biếm họa Báo chí VN lần thứ III đã nghĩ ra được một chủ đề rất “hot” để giới vẽ biếm chúng tôi hào hứng dự thi”.

Tuy nhiên, Hữu Lộc cũng có đôi chút trầm ngâm về nghề vẽ biếm. Từ những thông tin “truyền tai” nhau trong giới, thì vẽ biếm họa “khó sống lắm” xét theo nghĩa “cơm, áo, gạo, tiền”. “Gần như phần đông anh em vẽ biếm chỉ xem đây là nghề tay trái, tôi cũng vậy. Vẽ khi thấy “ngứa tay” và vẽ cho “sướng tay” là chính. Sống chuyên nghiệp bằng nghề vẽ biếm, dường như chỉ có vài họa sĩ, trong đó nổi bật là họa sĩ NOP” – anh chia sẻ thêm.

* “Họa sĩ nhí” Hà Gia Khánh - “Con” hơn “cha”

Trong số các tác phẩm gửi về tham dự giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ III, tác giả nhỏ tuổi nhất là Hà Gia Khánh, 12 tuổi. Khánh đã có ba tác phẩm tham dự cuộc thi lần này. Tuy năm nay không có giải thưởng dành cho Thí sinh nhỏ tuổi nhất nhưng em vẫn nhiệt tình tham gia.

Gia đình Gia Khánh có bác là nữ họa sĩ Hà Thị Mộng Khanh. Từ bé đến giờ, em thường được bác đưa đi xem triển lãm tranh và rất thích. Theo lời chia sẻ, nữ họa sĩ Hà Khanh đã chỉ cho em biết có cuộc thi này và hướng dẫn để em tham gia thi. Gia Khánh mới chỉ bắt đầu vẽ từ tháng 12 năm ngoái. Điều đặc biệt, tranh của cả hai bác cháu đều được trưng bày tại triển lãm, song riêng tranh của Gia Khánh mới được chọn in vào Tuyển tập tranh dự thi. Đúng là “con” hơn “cha”!

Tác phẩm của Hà Gia Khánh.

“Em vẽ trong hai ngày là xong. Em muốn mọi người nhận thấy ô nhiễm môi trường nguy hiểm như thế nào trong cuộc sống. Chúng ta không nên chặt cây, phá rừng, vất rác thải ra biển và chúng ta phải biết bảo vệ môi trường. Trong những bức tranh em vẽ, có một bức em có ghi “Chúng ta chung tay góp phần cho thế giới thêm sạch” và đó cũng là thông điệp mà em muốn gửi tới tất cả mọi người” - “họa sĩ nhí” chia sẻ thêm - “Ở nhà, từ nhỏ, bố mẹ đã luôn dạy em biết cách giữ vệ sinh chung như bỏ rác vào đúng nơi quy định, ra đường cũng không được vứt rác lung tung. Nơi em ở mọi người cũng biết giữ vệ sinh chung nên sạch sẽ nhưng khi đi đường em vẫn thấy không ít người thường hay vứt rác bừa bãi, thật là vô ý thức…”.

* HS Trần Hải Nam (N9) với Cúp Rồng tre: Tôi chỉ là người vẽ không chuyên

Miếng ghép ngược lấy ý tưởng từ trò chơi ghép hình, chỉ cần một miếng ghép bị ráp sai, thì bức tranh không thể thành hình. Tôi vẽ cái đầu -  bộ phận quan trọng nhất - của con tê giác bị lộn ngược để thể hiện được chủ đề về chất độc màu da cam sao cho hiệu quả và có tác động mạnh nhất.

Khi biết tin mình đoạt giải, lại là giải Nhất, tôi đã thấy thật không thể tin nổi. Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam là một giải uy tín, thu hút rất nhiều họa sĩ vẽ biếm chuyên nghiệp tham gia. Còn tôi chỉ là một người vẽ không chuyên, nghề chính là đồ họa. Mặc dầu rất thích vẽ hí họa, tôi từng vẽ hí họa khi còn là sinh viên, lại có tính thích trêu chọc bạn bè… thế nhưng tôi chưa từng vẽ biếm họa. Năm bức tranh dự thi lần này, cũng là năm bức biếm họa đầu tiên của tôi.

Tôi biết đến giải Biếm họa Báo chí là vào năm 2010, khi Giải với chủ đề Giao thông thời… hội nhập đã đi đến chặng cuối. Khi nhìn trên các phương tiện truyền thông, thấy hình ảnh họa sĩ NOP đạt Cúp Rồng tre năm ấy, tôi tự hỏi đến khi nào thì… đến lượt mình (cười). Có một cái duyên rất tình cờ, là khi triển lãm các bức tranh biếm họa trong giải tại Thành phố Hồ Chí Minh, họa sĩ NOP đã vẽ hí họa tôi, chú vẽ nét thôi, còn tôi mang về tô màu lại. Có lẽ nhờ cái duyên đó, mà chú NOP đã truyền may mắn sang cho tôi.

Sau lần đó tôi quyết phải tham gia Cup Rồng tre lần này cho bằng được, chủ yếu là để thỏa mãn sở thích vẽ biếm họa. Cuối năm 2011 ngay khi đọc được thông tin về Giải lần thứ III, tôi đã tham gia ngay. Tuy nhiên tôi gặp rất nhiều khó khăn do chưa bao giờ vẽ biếm. Tôi mất rất nhiều thời gian cho tác phẩm đầu tiên và khi giải gần hết hạn nộp tranh tôi vẫn chưa có tác phẩm nào. Lúc này từ mục tiêu ban đầu đặt ra là có tranh được treo ở triển lãm tôi “thực tế” lại là chỉ cần có tranh gửi đi thi để thực hiện một lời hứa với bản thân.

Bức Miếng ghép ngược của HS Trần Hải Nam giành giải Nhất.

Cuối cùng tôi cũng đã có được hai tác phẩm đầu tiên, khi đó còn khoảng hai ngày nữa là hết hạn chính thức nên tôi từng quyết định “buông súng” và phần nào thỏa mãn với thành quả của mình. Tuy nhiên khi đó “bà xã” đã nói với tôi một câu: “Còn thời gian là còn… chiến đấu”… Chính nhờ câu nói này mà trong hai ngày cuối cùng đó Miếng ghép ngược đã ra đời. Sau này BTC gia hạn thêm và tôi đã có thêm hai tác phẩm nữa gửi đi thi vừa đủ tiêu chuẩn tối đa: 5 tranh (3 trong số đó đã có mặt tại triển lãm - NV).

Tôi từng có tác phẩm tham gia hai triển lãm về đồ họa (năm 2009 và 2011) và cũng may mắn có giải (giải Ba). Tuy nhiên, với tôi đây là lần đầu tiên tôi giành được một giải thưởng cao quý và có nhiều tác phẩm được triển lãm như vậy”.

HS Trần Hải Nam sinh năm 1983, nhà ở Hàng Bông - Hà Nội, hiện làm về đồ họa tại TP. HCM.

Nhóm Phóng viên Văn hóa thực hiện

Ảnh trong bài: Nguyễn Đình Toán

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự