“Liều thuốc bổ” cho biếm họa Việt

08:29 23/03/2012


(TT&VH) - Nhiều người trong giới làm nghề đã công nhận giải Biếm họa Báo chí Việt Nam như là “liều thuốc bổ” để xốc lại sức vóc của một lĩnh vực “đang suy hơn đang thịnh”. Họa sĩ NOP từng phát biểu rằng: “Nền biếm họa Việt Nam hiện nay giống như “loạn 12 sứ quân”, bùng phát nơi này nơi kia, chưa có ai đủ bản lĩnh để đứng ra “nhất thống thiên hạ”.

Còn đó những băn khoăn...

Truy cập website của Giải Biếm họa Báo chí - Cúp Rồng tre tại đây.

Tại Việt Nam không có trường nào dạy bộ môn biếm họa, nên cũng đừng hi vọng sẽ có những giáo trình, hoặc các sách lý luận, phê bình bài bản về lĩnh vực này. Tại một số nước, ví dụ Liên Xô trước đây hay Thái Lan bây giờ, người ta sẵn sàng mở bộ môn biếm họa để dạy vì “cung” và “cầu” ngoài xã hội có đủ cho sinh viên, ở Việt Nam thì chưa có đủ “cung-cầu”, nên chưa thể mở các lớp như vậy. Chính vì điều đó, biếm họa ở Việt Nam vẫn là chuyện của những người tự học, tự mày mò hoặc tự chuyển hướng sáng tác từ các bộ môn lân cận như kiến trúc, hội họa, thiết kế...

Ngay tại các hội chuyên ngành cũng thế, ví dụ Hội Mỹ thuật TP.HCM, biếm họa được xếp chung với đồ họa, hai phạm trù công việc khá khác nhau. Thế nhưng, nếu tách ra cũng khó, vì số hội viên là họa sĩ biếm họa không nhiều, đứng riêng quá ít, đứng chung thì sai chuyên ngành. 

Một tác phẩm về chủ đề môi trường của họa sĩ Nhốp

“Vì biếm họa là “đặc sản” của báo chí, nó sinh ra từ và vì báo chí, với các đặc thù chuyên biệt về đề tài, chất liệu... nên trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc sưu tập tranh biếm họa thường chưa được chú ý đúng mức. Tại Việt Nam cũng chỉ có tranh biếm họa của một vài danh họa là được sưu tập, nên nhu cầu của thị trường còn khá ít, khá hẹp. Tôi cho rằng những sự kiện như giải Biếm họa Báo chí Việt Nam đã khôi phục được phần nào đời sống của một bộ môn gắn liền với lịch sử mỹ thuật và báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, nếu được phần đông hệ thống báo chí ủng hộ nữa thì rất tốt, bởi xã hội chúng ta đang có nhiều đề tài cho biếm họa”, nhà sưu tập Lê Thái Sơn cho biết.

“Tôi không biết hội mỹ thuật có đánh giá biếm họa là một ngành nghệ thuật với các tác phẩm đặc thù hay không, chứ thực tế thì cho thấy hội chưa có những giải thưởng cho lĩnh vực này. Chính vì vậy, nếu xã hội có nhìn không đúng hay còn xem nhẹ biếm họa thì cũng dễ hiểu, bởi công chúng ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi cách hành xử của các tổ chức chuyên môn”, Lê Thái Sơn nói thêm.

Có vượt qua những nốt... trầm?

“Biếm họa là “hàn thử biểu” của thời sự, nhưng không phải lúc nào cũng được các báo đồng hành 100%, có lúc nó đụng được tới những vấn đề gai góc (ví dụ thập niên 80), có lúc nó chỉ châm chọc vui vui (thập niên 90), có lúc nó sa sút như thời gian gần đây, có những giai đoạn biếm họa đã làm đúng chức trách phóng sự của mình, có lúc chỉ “lui về” làm tiểu phẩm, vui vẻ là chính”, họa sĩ Nhốp nói.

Tác phẩm Chưa tính được của họa sĩ NOP

Bản chất của biếm họa là giữ vai trò dự báo xã hội, nhưng ngày nay, do điều kiện xuất hiện không thuận lợi (ít báo còn có mục biếm họa; sự e dè trong việc biên tập, chọn đề tài...) nên nó bị thay đổi rất nhiều về chất. “Trong lịch sử biếm họa Việt Nam cả trăm năm qua, những lúc đỉnh cao là khi nó được thể hiện tính chiến đấu, sự phê phán mạnh mẽ, còn hiện nay thì xìu xìu vì nó chỉ nói những vấn đề rất nhẹ nhàng, vẽ “nặng đô” thì các báo không chịu in”, họa sĩ NOP tâm sự.

Biếm họa... xuống đường

Lễ tổng kết, trao giải và khai mạc triển lãm những tác phẩm tiêu biểu của giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ III – Cúp Rồng Tre sẽ diễn ra tại 61 Lý Thái Tổ - Hà Nội vào ngày 28/3/2012. BTC giải thưởng cũng đã quyết định trưng bày tác phẩm ngay tại vỉa hè phố Lý Thái Tổ trong thời gian từ 28/3-3/4/2012.

Bên cạnh những tác động tích cực mà giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre mang lại, họa sĩ Nhốp cho rằng giải cũng hé lộ cho thấy biếm họa đang thiếu đội ngũ kế cận. Phần lớn các tác giả trẻ tham dự lần này đều thể hiện tính... ham vui hoặc có một vài bức bối thì vẽ, chứ chưa phải là nhiệm vụ, sứ mệnh của họ.

“Tôi cho rằng tên gọi Biếm họa Báo chí Việt Nam đã khu biệt và sâu sát được vấn đề, nhưng cá nhân tôi vẫn thích tên của giải là Biếm họa Việt Nam, lúc đó sẽ quy tụ được nhiều tác phẩm và nhiều tác giả không thuộc báo chí. Tôi thấy báo TT&VH đã có giải Âm nhạc Cống hiến với cách chấm giải rất hay, nếu cách này cũng được áp dụng cho biếm họa, với một BGK mặc định, họ chỉ cần tuyển lựa trên các báo rồi trao giải thì sẽ phong phú hơn, bởi một số họa sĩ tên tuổi vì ngại thi nên không gửi tác phẩm đến, tự nhiên giải bị khiếm khuyết”, NOP thẳng thắn.

Văn Bảy

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự