Đầu năm Rồng biếm họa được tôn vinh

10:34 16/03/2012


(TT&VH) - Thật trùng hợp khi giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần III - Cúp Rồng tre của báo TT&VH đang chuẩn bị công bố giải thì tại Hội Mỹ thuật TP.HCM diễn ra triển lãm Biếm họa TP.HCM lần thứ hai (kéo dài đến 21/3) sau 15 năm gián đoạn. Những điều đó báo hiệu tin vui rằng, biếm họa đầu năm Rồng này đã được tôn vinh.

Lâu nay, giới mỹ thuật “hàng hiệu” vẫn xem thể loại biếm họa thuộc lĩnh vực báo chí. Cuộc triển lãm Biếm họa TP.HCM lần này nằm trong kế hoạch của Hội Mỹ thuật TP.HCM nhằm khẳng định “chất mỹ thuật” trong các bức tranh biếm.

“Biếm tượng” châm chích showbiz

Cuộc triển lãm Biếm họa TP.HCM lần này trưng bày năm “biếm tượng” của họa sĩ NOP. Biếm họa được các họa sĩ vẽ chủ yếu để in báo nhằm phản biện những mặt chưa tốt của đời sống. Vậy “biếm tượng” là gì? Cũng như biếm họa, “biếm tượng” hay “biếm vật” cùng một mục đích phê phán những điều không được “đẹp mắt, thuận tai” trong xã hội. Họa sĩ NOP - tác giả của những “biếm tượng” đặt tại triển lãm này cũng không biết gọi tên các tác phẩm của mình thế nào cho “chuẩn”. Chỉ biết rằng, trong cuộc triển lãm cá nhân cách nay 20 năm, NOP đã cho trưng bày một số “biếm tượng”. Theo NOP thì: “Tôi dùng các vật dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày để sắp đặt thành cái gọi là biếm tượng, biếm vật. Còn gọi chính xác thể loại này là thì tôi… bó tay”.

Các tác phẩm “biếm vật” của họa sĩ NOP

Xem các “biếm tượng”, “biếm vật” của NOP, vừa thấy được sự hài hước vừa thấy sự phản biện sâu cay. Chẳng hạn NOP vẽ cảnh đôi nam nữ đang ân ái với nhau rồi dùng một miếng vải che lại. Người muốn xem tranh phải kéo miếng vải lên và điều thú vị sẽ hiện ra với gương mặt người đàn ông kèm dòng chữ: “Dzô duyên!”. Họa sĩ NOP cho rằng biếm vật này có sự “tương tác” chứ không phải là một bức biếm họa bắt người xem thụ động đứng nhìn.

Một bức biếm họa hấp dẫn sẽ tạo được nhiều sự liên tưởng nơi người xem. Với biếm vật “Dzô duyên!” này, người xem có thể liên tưởng đến những vụ “lộ hàng” trên các trang báo mạng. Vì rằng cũng như biếm vật “Dzô duyên!”, nếu báo chí không “kéo miếng vải lên” thì đâu ai “thèm biết”, “thèm quan tâm” đến cảnh “lộ hàng” của các nàng ca sĩ, diễn viên?! Rất tiếc, các “biếm vật”, “biếm tượng” lại không được các họa sĩ hưởng ứng sáng tác dù họa sĩ NOP đã “khản cổ” kêu gọi đồng nghiệp “làm cho vui”.

Tại sao các họa sĩ không mặn với biếm vật hay biếm tượng? Họa sĩ NOP nói vui: “Có lẽ vẽ biếm họa đã khó theo nghĩa nuôi sống mình và gia đình, làm biếm tượng lại càng xa xỉ vì không in báo để có chút nhuận bút còm, nên không ai chịu làm chăng!”.

Và hy vọng từ Cúp Rồng tre

Các họa sĩ biếm có truyền thống khi đặt bút hiệu cho mình cũng thuộc loại “quái chiêu” dù tên “cúng cơm” của họ rất nghiêm túc và bản thân họ làm nhiều ngành nghề lương thiện khác nhau. Nổi tiếng ở Sài Gòn một thời có họa sĩ CHÓE, ỚT, TUÝT… sau này có: NHÍM, NGOÉO, NHỐP, NOP… Hiện nay xuất hiện một thế hệ họa sĩ có các “biếm danh”, như: DAD, SATẾ, CUB, NA, KHỀU, RIA, RAM, DÙI, CUA CON… Hầu hết các “biếm danh” này đều xuất hiện trên mặt báo. Tuy vậy, cũng có nhiều người thích vẽ biếm nhưng chưa hề “lên báo” lần nào. Tại triển lãm Biếm họa TP.HCM, người vẽ biếm được đồng nghiệp đánh giá rất cao nhưng chưa hề in báo có bút danh khá lạ: LÚA. Và LÚA chính là sự phát hiện của triển lãm lần này.

Tại triển lãm Biếm họa TP.HCM lần thứ hai, ngoài câu chuyện chuyên môn, các họa sĩ biếm nhắc nhiều đến giải Biếm họa Cúp Rồng tre do báo TT&VH tổ chức. Rất nhiều các họa sĩ tham gia triểm lãm Biếm họa TP.HCM dự Cúp Rồng tre lần này. Theo một số họa sĩ biếm, họ vẽ biếm nhưng không phải nói chuyện phiếm mà là phản ánh vấn đề nghiêm túc. Cúp Rồng tre của báo TT&VH đã giúp họ khẳng định những vấn đề chuyển tải bằng biếm họa một cách danh chính ngôn thuận. Các họa sĩ vẽ biếm đang chờ đợi kết quả Cúp Rồng tre trong năm con Rồng này.

Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ III - Cúp Rồng tre năm nay nhận được khoảng 350 tác phẩm của gần 100 họa sĩ, trong đó có những họa sĩ từng đoạt giải cao và hiện vẫn giữ được “phong độ”, như: NOP, DAD, LEO… Có họa sĩ biếm được xem như “người mới” nhưng rất xuất sắc mang “bí danh” N9. Lễ tổng kết, trao giải và trưng bày các tác phẩm tiêu biểu của cuộc thi sẽ diễn ra vào ngày 28/3 tại 61 Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Thanh Kiều

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự