Rồng Tre “cứu” môi trường

07:06 04/11/2011

(TT&VH) - Chiều qua (3/11), tại Hà Nội, giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần thứ III do Báo TT&VH tổ chức (Hội Nhà báo Việt Nam và TTXVN bảo trợ) chính thức được phát động với chủ đề Môi trường và biến đổi sinh thái.

Giải Biếm họa báo chí VN là sáng kiến của Báo TT&VH -TTXVN được khởi xướng nhân dịp kỷ niệm 85 năm Biếm họa báo chí VN (1922 - 2007). Qua 2 lần tổ chức: Lần I (2007 - 2008) và lần II (2009 - 2010), giải thưởng đã trở thành cuộc tôn vinh biếm họa lớn nhất toàn quốc, thu hút hàng trăm họa sĩ biếm chuyên và không chuyên tham gia; trở thành một sự kiện cách niên được chờ đợi nhất đối với thể loại báo chí nghệ thuật này.

Tới dự Lễ phát động có: Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hà Minh Huệ; Phó Tổng giám đốc TTXVN, ông Ngô Hà Thái; Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ngài John Nielsen - đại diện nhà tài trợ; Tổng Biên tập Báo TT&VH, bà Trương Lê Kim Hoa; Họa sĩ Thành Chương - đại diện Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên BGK; các cố vấn chuyên môn: KTS - HS Lý Trực Dũng, họa sĩ Trần Lương và đông đảo các họa sĩ biếm ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Lễ phát động giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ III - Cúp Rồng Tre (từ trái sang phải: Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam, ông Hà Minh Huệ; Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và Lào, ngài John Nielsen; Phó TGĐ TTXVN, ông Ngô Hà Thái; TBT báo TT&VH, bà Trương Lê Kim Hoa và KTS - HS biếm họa Lý Trực Dũng. (Ảnh: Cao Mạnh Tuấn)

Bảo vệ môi trường bằng tranh biếm

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trương Lê Kim Hoa - Tổng Biên tập Báo TT&VH, Trưởng BTC - khẳng định: “Vấn đề môi trường và biến đổi sinh thái vừa bao gồm những vấn nạn lớn mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, thảm họa nước biển dâng, ô nhiễm nguồn nước, không khí... lại vừa thể hiện trong những hành vi cá nhân, tưởng chừng rất nhỏ bé, vặt vãnh như xả rác bừa bãi, lãng phí nước sạch, dùng túi nilon tràn lan... Tất cả những hành vi đó đều làm tổn thương đến ngôi nhà chung của chúng ta. Vấn đề môi trường không còn là nỗi lo của riêng ai nữa, nhất là khi thế giới vừa đạt mốc 7 tỷ người hôm 31/10 vừa qua, và vì thế cũng là trách nhiệm chung của tất cả mọi người.

Trước các nguy cơ về môi trường, càng ngày người ta càng hiểu rằng, để bảo vệ môi trường, điều cốt yếu nhất là thay đổi nhận thức và hành vi từng người đối với “ngôi nhà chung” mà mình đang sống, với “bà mẹ Trái Đất” đang nuôi dưỡng mình.

Trong bối cảnh đó, những họa sĩ biếm tất nhiên cũng không thể đứng ngoài cuộc. Và hơn nữa, bằng những hình ảnh trực quan, tác động trực diện, kết hợp với các thủ pháp hài hước, cách điệu và điển hình hóa; biếm họa trở thành vũ khí cực kỳ sắc bén để làm thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân đối với môi trường sống của chính mình, qua đó tác động đến cả xã hội”.

Giải biếm họa ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam

Thay mặt BTC, Tổng Biên tập Báo TT&VH, bà Trương Lê Kim Hoa cũng cho biết thêm: “Cùng với việc quan tâm toàn diện đến các vấn đề môi trường và biến đổi sinh thái, giải thưởng năm nay cũng còn nhằm nối tiếp các hoạt động kỷ niệm 50 năm thảm họa chất độc da cam tại Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2011) - một vấn nạn môi trường thảm khốc đã biến thành thảm họa bi thương nhất đối với giống nòi suốt 50 năm qua và còn kéo dài nhiều chục năm nữa trên đất nước VN thân yêu của chúng ta. Chính vì vậy, cùng với triển lãm, in sách... BTC giải thưởng dự kiến sẽ tổ chức các hoạt động nhằm gây quỹ, đóng góp vào Quỹ Vì nỗi đau da cam của TTXVN để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam VN. Đây cũng là một việc làm thiết thực của biếm họa nhằm góp phần khắc phục một thảm họa môi trường khốc liệt...”.

TBT Báo TT&VH, bà Trương Lê Kim Hoa phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Cao Mạnh Tuấn

Và những sự quan tâm đặc biệt

Giải thưởng năm nay vinh dự nhận được sự tài trợ của Quỹ Phát triển và Trao đổi văn hóa Đan Mạch – Việt Nam (cũng là nhà tài trợ cho Giải lần II) và Công ty Ford Việt Nam.

Là đại diện nhà tài trợ, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và Lào, ngài John Nielsen đã mang đến những bất ngờ thú vị, khi ông tỏ ra hào hứng và nói khá nhiều về loại hình mỹ thuật - báo chí này.

Ông nhận xét: “Ưu thế lớn nhất của tranh biếm họa là sự tiếp cận trực tiếp và ngắn gọn với những vấn đề nóng nhất của cuộc sống thường ngày... Nụ cười và sự sảng khoái từ tranh biếm họa là điều không thể thiếu được với mỗi tờ báo muốn hướng về độc giả”.

“Thế giới đang “phẳng” lại, và những khái niệm về môi trường, sinh thái không hề là một câu chuyện ở đâu xa” - họa sĩ Lý Trực Dũng (cố vấn nghệ thuật của giải) chia sẻ - “Đơn cử, nạn lũ lụt khiến Thái Lan - một đất nước ngay sát chúng ta - bị ngập chìm 1/3 trong biển nước đã là ví dụ thừa đủ để cho thấy môi trường là vấn đề sát sườn đối với tất cả chúng ta, còn các họa sĩ biếm thì... nhập cuộc với sứ mệnh của mình”.

Như sự khẳng định của những người có mặt, từ lâu hiệu ứng của giải Biếm họa báo chí Việt Nam đã lan rộng. Như lời kể của Phó Tổng Giám đốc TTXVN Ngô Hà Thái (nguyên TBT Báo TT&VH), từ việc BTC phải “loay hoay” liệt kê danh sách các họa sĩ biếm VN để mời tham dự trong những ngày đầu, đến nay sự phát triển của giải đã nhận được sự hưởng ứng của một lượng khá lớn những cây cọ từ chuyên nghiệp tới nghiệp dư trên cả nước.

Tại cuộc phát động, các họa sĩ: Trần Lương, Hoàng Dzự khá xúc động khi nhắc tới “giai đoạn hoàng kim” trong thế kỷ trước của tranh biếm họa - trước khi loại hình này dần dần bị “xẹp” xuống và mới chỉ được TT&VH “hâm nóng” lại trong vài năm vừa qua. Kể về những bức tranh biếm họa vẫn được người dân “sáng tác” một cách rất độc đáo trên tường hợp tác xã trong thời bao cấp, họa sĩ Hoàng Dzự đưa ra một đề nghị chân thành: bên cạnh việc tổ chức cuộc thi, TT&VH cần nghĩ thêm những cách tiếp cận khác để tranh biếm họa có thể... len lỏi đến từng ngóc ngách, từng cá nhân.

Minh Châu (lược ghi)


Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN: “Chủ đề rất hay và thời sự”

“Giải thưởng Biếm họa báo chí VN - Cúp Rồng tre của Báo TT&VH - TTXVN lần thứ III này đã chọn được một chủ đề rất hay và rất thời sự. Việt Nam ta được coi là một trong sáu nước bị tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Trong diễn đàn Quốc hội hiện nay, các đại biểu cũng nói rất nhiều về các vấn đề về ô nhiễm môi trường và biến đổi sinh thái.

Hội Nhà báo Việt Nam ngay từ đầu đã ủng hộ Báo TT&VH phát động cuộc thi và có những giải thưởng đặc biệt dành cho các tác giả có nhiều tác phẩm xuất sắc tham gia dự giải được đăng báo. Lần này cũng vậy, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục duy trì giải thưởng đó vì Hội muốn khuyến khích các nhà báo tham gia vào mọi loại hình báo chí có đóng góp cho xã hội”.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và Lào John Nielsen: “Các họa sĩ biếm hãy bộc lộ mối quan tâm của mình”

“Chủ đề giải thưởng biếm họa năm nay, tôi nghĩ rất tốt. Tốt là bởi vì đã đến lúc Việt Nam cần phải chú trọng hơn nữa về các vấn đề của môi trường và biến đổi sinh thái. Cuộc thi này là một cơ hội để nâng cao hơn nữa nhận thức của công chúng cũng như của các cơ quan có chức năng về những nội dung này... Đồng thời, giải thưởng với chủ đề này cũng là một cơ hội lớn để các họa sĩ bộc lộ mối quan tâm của mình về một vấn đề lớn mà rất nhiều người bình thường như chúng ta đang rất băn khoăn và lo lắng.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng cuộc chiến chống lại ô nhiễm môi trường, sự biến đổi sinh thái ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới là cuộc chiến mà tất cả mọi người phải tham gia. Chính vì vậy ngay cả với chúng tôi là những người nước ngoài sống ở Việt Nam cũng rất sẵn sàng, đang sẵn sàng và còn tiếp tục ủng hộ Việt Nam bằng nhiều cách trong nỗ lực chống lại biến đổi sinh thái và ô nhiễm môi trường”.

Huy Thông (ghi)

Họa sĩ Thành Chương: “Sức hút của cuộc thi ngày càng lớn”

“Tôi thấy càng ngày Cúp Rồng Tre của TT&VH càng thực sự làm cho các báo khác phải khen tị. Sức hút của cuộc thi đã không chỉ khiến cho anh em trong giới họa sĩ chúng tôi phải quan tâm mà chính xã hội cũng đang rất để ý đến. Có lẽ, cứ đà này, dần dần sự quan tâm này sẽ phát triển tới tầm quốc gia chứ không chỉ còn là của một tờ báo.

Đề tài năm nay cũng rất báo chí, rất kịp thời. Vấn đề môi trường - sinh thái hiện nay không còn quá xa vời hay mênh mông đối với chúng ta nữa. Nó đang nằm ngay dưới chân mình, trong lòng mình, mà trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ môi trường chính thuộc về con người nên nó còn mang tính toàn cầu.

Vì thế, cuộc phát động lần này của báo là rất đúng lúc, kịp thời để thức tỉnh ý thức của mỗi người. Chúng ta đang nhắc nhở nhau, đang đánh thức bản thân để mỗi người cần phải có trách nhiệm đối với môi trường sống xung quanh”.

Lam Khuê (ghi)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự