Biếm họa - không còn phù du và vô danh!

13:19 24/05/2010

(TT&VH) - Biếm họa thường được xem là nghệ thuật của đời sống đô thị và xã hội tiêu dùng; từ lúc mới xuất hiện, nó đã chấp nhận một thỏa thuận phù du - rằng chỉ xuất hiện một lần rồi chết. Thế nhưng, khi đi vào báo chí, vào sách vở, trường lớp, hiệp hội, bảo tàng, bộ sưu tập, các giải thưởng, nhà đấu giá… thì tranh biếm họa đã không còn chịu sống đời phù du và vô danh nữa. Nhìn lại sơ lược lịch sử biếm họa thế giới và Việt Nam, hẳn cũng không khó để chứng minh điều đó.

Một lịch sử hoàn chỉnh


 Tác phẩm 5 bán thân hí họa của Leonardo da Vinci, vẽ khoảng sau năm 1490, bút chì và mực trên giấy, 18x12cm, nay thuộc Gallerie dell’Accademia, Venice, Ý
Ngày nay, theo Hiệp hội Nghệ sĩ quốc tế vẽ Biếm họa (The International Society of Caricaturist Artists, viết tắt là ISCA), với hơn 550 hội viên từ khắp thế giới, thì chữ caricature được dùng và được hiểu với mục đích là làm sao một hình ảnh mà có thể diễn tả được nhiều ý nghĩa nhất. Thủ pháp vẽ biếm họa được những nhà sư phạm biếm họa và phê bình định nghĩa là “cố tình vẽ sai tỷ lệ, cốt không phải mô phỏng hiện thực, mà là nêu một bản chất, một câu chuyện, một điểm nhìn của người vẽ”. Một bác sĩ người Anh tên là Thomas Browne trong cuốn Christian Morals, được xuất bản sau khi chết vào năm 1716, đã đề cập đến thuật ngữ này.


Một số tác phẩm biếm họa sớm nhất được tìm thấy trong gia tài hội họa của Leonardo da Vinci (1452-1519), khi danh họa này bênh vực người tàn tật bằng cách mời họ làm mẫu vẽ tranh. Một cuốn sách được xuất bản ở Anh, của Mary Darly, là A Book of Caricatures (Một cuốn sách về biếm họa, khoảng 1762), được xem là lược khảo sớm về thể loại này. Hai nhà thực hành biếm họa xuất sắc của nước Anh vào cuối thế kỷ 18 là Thomas Rowlandson (1756- 1827), đại diện cho tiếng nói đại chúng và James Gillray (1757-1815), chuyên về châm biếm chính trị. Một tác giả xuất sắc khác của nước này là George Cruikshank (1792-1878), với các cuốn sách như The Comic Almanack (1835-1853) và Omnibus (1842), ông đã cho thấy sự cách tân cách về vẽ biếm họa; ông cũng là người minh họa sách cho nhiều tác giả, trong đó có văn hào Charles Dickens.

Các họa sĩ làm nên lịch sử và diện mạo của thể loại này ở phương Tây, có thể kể đến Honoré Daumier (1808-1879, Pháp), Thomas Nast (1840-1902, Mỹ), Sir Max Beerbohm (1872-1956, Anh), Alex Gard (1900-1948, Nga), Al Hirschfeld (1903- 2003, Mỹ), Mort Drucker (1929, Mỹ), Vitaliy Peskov (1944-2002, Nga), Robert Risko (1946, Mỹ), David Levine (1926-2009, Mỹ), Sam Viviano (1953, Mỹ), Sebastian Kruger (1963, Đức), Hermann Mejia (1973, Venezuela)... Những phim hoạt hình của Walt Disney (1901-1966) được xem là hình ảnh động đầu tiên của thể loại biếm họa.

Đấu giá biếm họa

Trong giới làm nghề biếm họa hẳn vẫn còn nhớ phiên đấu giá quy mô lần thứ 45 (45th Caricature Auction) hồi 26/3/2003 tại Hungary với 287 tác phẩm biếm họa được lên sàn, tạo một điểm nhấn khó phai. Tổ chức cho phiên đấu này là iCollector, một trong những công ty đầu tiên đưa tranh biếm họa lên mạng lưới mua bán qua internet toàn cầu.

Chuyện mua, bán, đấu giá tranh biếm họa đã không còn là chuyện lạ nữa, và biếm họa cũng có vị trí bình đẳng trên thị trường so với các tác phẩm hội họa “giá vẽ”, hàn lâm khác.

Các hoạt động về biếm họa cũng thu hút được sự quan tâm rộng rãi. Chẳng hạn, phiên họp về biếm họa của ISCA, có tên The 1st Exciting Mini Con in Korea 2010, sắp diễn ra tại khách sạn Chereville (quận Yangpyeong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc), từ ngày 1 đến 4/6 được xem là một sự kiện mùa Hè, với khoảng 70 họa sĩ đến từ Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Canada, Hàn Quốc... Sự kiện này hứa hẹn thu hút báo chí và giới phê bình, vì sức ảnh hưởng rộng lớn của ISCA hiện nay.


 Bìa của tuần báo Phong hóa số 125, năm 1934, với biếm họa mỉa mai của Nguyễn Tiến Lãng - Nam Phong
Lịch sử và “vị thế” của biếm họa Việt Nam


Tại phương Tây, chữ “biếm họa” (tiếng Anh là “caricature”) có nguồn gốc từ tiếng Ý là từ “caricare”, có nhiều nghĩa là: Chuyển tải, tải thêm, phóng đại, thậm xưng, cường điệu hóa... Cho nên, caricature dịch theo kiểu phổ biến ở Việt Nam là biếm họa (hội họa châm biếm) là chính xác nhất.

Trước đây, để hiểu và để dịch chữ caricature, chúng ta hay bắt chước Trung Quốc, Nhật Bản dịch là hoạt kê, mạn họa thì có vẻ nghĩa của từ đã đi quá xa. Vì mạn họa (manga) bao gồm nhiều thể loại truyện tranh, trong đó có biếm họa; còn hoạt kê chỉ có nghĩa là khôi hài, tiếu lâm, truyện cười. Bằng chứng là trên tuần báo Phong hóa tại Hà Nội hồi đầu thập kỷ 1930, chữ caricature đã được viết thành một cụm là “hoạt kê - khôi hài”, với các nhân vật biếm họa nổi tiếng thời đó là Lý Toét, Xã Xệ.

Ở Việt Nam, biếm họa xuất hiện từ khá sớm. Những nhà báo tiền phong của Việt Nam thời kỳ đầu đã xem biếm họa là một phương tiện, một công cụ để bày tỏ quan điểm, chính kiến qua các hình ảnh (mà ban đầu) chỉ mang tính hoạt kê - khôi hài, rồi mới đến châm biếm.

Cũng như tranh cổ động, biếm họa dù đóng góp rất nhiều vào nhận thức của quần chúng xã hội về chức năng báo chí và các sức mạnh của nó, nhưng tại Việt Nam, nó vẫn còn bị xem nhẹ, như là đứa “con nuôi, con ghẻ” của lịch sử hội họa. Để chứng minh cho điều này không khó, cứ nhìn vào hệ thống các trường dạy mỹ thuật, các hội, các bảo tàng, nhà trưng bày... thì biết ngay “vị thế” của biếm họa Việt Nam như thế nào. Đó là chưa nói, những cuốn sách, những nhà nghiên cứu về lịch sử, nhận định, phê bình... biếm họa cũng chưa có, nên tương lai của bộ môn có tuổi đời còn trước lịch sử các trường cao đẳng mỹ thuật ở Việt Nam, xem ra còn lâu mới sáng sủa.

Cách nhanh nhất để hiểu xã hội

Ngày nay, ở các bảo tàng uy tín như Metropolitan Museum of Art và Museum of Modern Art ở New York, tranh biếm họa đã được sưu tập thành hệ thống, trưng bày và mở cửa bán vé cho du khách vào xem. Với những tờ báo, tạp chí nổi tiếng như Rolling Stone, Playboy, Vanity Fair, Esquire, Interview, Family Weekly, Reader’s Digest, Consumer Reports, Mad, Stern, L’Espresso, Penthouse, Der Spiegel, USA Today... họa sĩ biếm họa thành danh có thể trở thành ngôi sao, với mức thu nhập khổng lồ và có tiếng nói trọng lượng trong xã hội.

Tranh biếm họa hấp dẫn và tạo được sự chú ý nhờ sức phổ biến đặc biệt của nó. Những nhà nghiên cứu xã hội, làm truyền thông, quảng cáo, khách du lịch... thường xem biếm họa là cách nhanh nhất để hiểu đời sống thực của một xã hội mà họ mới tiếp xúc.

Biếm họa góp phần giúp các nạn nhân giao thông

Nối tiếp thành công tại Hà Nội, Triển lãm và trao giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần 2 - Cúp Rồng tre sẽ có thêm một cuộc trưng bày nữa, diễn ra từ lúc 18h ngày 28/ 5 tại CQĐD TTXVN tại TP.HCM (116-118 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3). Ngày khai mạc, BTC sẽ phát giải cho những tác giả phía Nam, đồng thời, sẽ có nhiều hoạt động thiết thực để các họa sĩ vẽ biếm họa lưu niệm cho khách đến xem, quyên góp từ thiện ủng hộ cho Trung tâm cấp cứu Bệnh viện Đồng Nai, nơi tiếp nhận rất đông người nghèo bị tại nạn giao thông.


* Bạn đọc quan tâm đến biếm họa hãy truy cập website: https://thethaovanhoa.vn/biemhoa/
Văn Bảy

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự