Phía sau những thước phim vô giá về "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

24/12/2012 10:47 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người xem vô cùng ấn tượng với hình ảnh trận chiến oai hùng trên bầu trời Hà Nội cách đây 40 năm, và đỉnh cao là cảnh những chiếc B-52 bốc cháy rực trời. Hình ảnh một Hà Nội đau thương nhưng anh dũng với những chiến công vang dội hiện lên chân thực với khán giả. Nhưng ai là người đã ghi lại những thước phim vô giá đó thì chắc chắn không nhiều người biết.

TT&VH đã trao đổi với NSƯT Phạm Việt Tùng người đã cùng cộng sự quay được hình ảnh B-52 trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, và đạo diễn Trần Duy Nghĩa con trai bác sĩ Trần Duy Hưng, người tham gia xây dựng bộ phim Hà Nội – Điện Biên Phủ trước khi lên đường quay lại những thước phim về Hiệp định Paris.

Quay phim Phạm Việt Tùng tác nghiệp trong 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Ảnh tư liệu

* Thưa ông Phạm Việt Tùng, là người trực tiếp chứng kiến và thu vào ống kính những hình ảnh của 12 ngày đêm, cảm xúc của ông như thế nào khi xem lại những hình ảnh đó?

NSƯT Phạm Việt Tùng: 40 năm tưởng đã xa, nhưng mỗi lần xem lại những hình ảnh đó, tôi thấy chỉ như ngày hôm qua. Có lẽ cũng bởi tôi đã già, người già hay nghĩ về quá khứ.

Khi xem lại hình ảnh đó, tôi rất xúc động và tự hào khi mình đã giúp thế hệ trẻ “nhìn” thấy điều cha anh họ đã làm. Niềm tự hào đó làm tôi nhớ đến những người đồng đội, anh em mình.

Ngày đó tôi có nhiệm vụ cắm chốt trên mái nhà cao tầng để quay hình ảnh ta bắn rơi B-52 của địch. Máy quay không hiện đại như bây giờ nên để quay được những hình ảnh đánh B-52 là rất khó khăn. Khi quay phải tính toán đủ các yếu tố mới hy vọng thu được hình ảnh.

Đạo diễn, nhà quay phim NSƯT Phạm Việt Tùng

* Trong vai trò là đạo diễn, với những hình ảnh quay phim đã thu được, ông đã lựa chọn như thế nào để truyền tải tinh thần Hà Nội 12 ngày đêm, thưa ông Trần Duy Nghĩa?

Đạo diễn Trần Duy Nghĩa: Lúc ấy anh em quay phim được phân công tỏa đi các nơi như: trận địa tên lửa, trận địa pháo và những nơi các gia đình sơ tán. Một số anh em quay phim trực trên nóc nhà cao tầng để "rình" cảnh bắn máy bay B-52. Thực tế, có đồng chí quay phim đã quay được hình ảnh B52 rơi nhưng sau khi xem lại, phim bị rung, nên không dùng được.

Khi B-52 đánh đến ngày thứ 3, anh Việt Tùng trèo lên tầng thượng khách sạn Hòa Bình trên đường Lý Thường Kiệt - Ngô Quyền mới quay được hình ảnh của nó. Hình ảnh đó có tiền cảnh là tháp truyền hình, vì vậy trong phim vừa thấy được máy bay rơi vừa thấy được địa điểm rơi của nó.

Tôi vừa là biên tập vừa là đạo diễn, có nhiệm vụ tập hợp hình ảnh từ nhiều điểm khác nhau và nối kết lại. Sau khi xem một số thước phim riêng lẻ, tôi nghĩ phải quay thêm để tạo ra một câu chuyện có kết cấu, đặc biệt, không chỉ có hình ảnh quân đội ta mà có cả hình ảnh những phi công Mỹ bị bắt. Một sự ngẫu nhiên là khi đó diễn ra sự kiện nữ ca sĩ Mỹ Joan Baez đến Hà Nội, thăm tù binh phi công Mỹ và hát những bài hát phản đối chiến tranh. Chúng ta đã quay được cảnh đó. Chúng tôi còn quay cảnh người dân đi sơ tán, cảnh bà mẹ bế con xuống hầm trú ẩn khi còi báo động hú vang, cảnh người dân bị chết ở Khâm Thiên, Bạch Mai. Hình ảnh Hà Nội không phải lúc nào cũng căng thẳng mà có lúc trầm lắng...

Đạo diễn Trần Duy Nghĩa

* Trong các thước phim, Hà Nội có rất nhiều hình ảnh đời thường rất xúc động, các ông có thể kể lại câu chuyện về những thước phim ấy?

Đạo diễn Trần Duy Nghĩa: Trong phim có hình ảnh bác sĩ Ngô Thị Ngọc Tường, đúng 1 ngày trước đám cưới, trên đường đi làm từ Bệnh viện Bạch Mai về, cô đã bị bom Mỹ cướp đi mạng sống.

Trước đó 5 năm, khi làm chương trình ở trường ĐH Y, ngẫu nhiên chúng tôi ghi được hình ảnh của cô khi là sinh viên y khoa, đang khám bệnh cho người dân ngoại thành. Chúng tôi sử dụng hình ảnh tư liệu về nữ bác sĩ để có một câu chuyện chân thật, gây xúc động về người Hà Nội.

NSƯT Phạm Việt Tùng: Tôi nghĩ, trong chiến tranh, cuộc sống vẫn tiếp tục, và những em bé vẫn được sinh ra... Tôi bèn sang Bệnh viện C (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương), tôi biết ở đó có một căn hầm nằm sâu dưới lòng đất, là chỗ bệnh viện bố trí cho các thai phụ sinh con giữa bom đạn khốc liệt. Tôi quay lại hình ảnh những em bé mới chào đời khóc oe oe bên cạnh mẹ, khoảnh khắc rất vui. Tiếp theo đó, tôi quay cảnh lính Mỹ tử trận ở Đuôi Cá. Những bà mẹ Mỹ nhìn thấy chắc chắn sẽ rất buồn. Tôi so sánh như vậy để thấy sự phi nghĩa và bạo tàn của cuộc chiến tranh mà đế quốc Mỹ theo đuổi.

* Chiến thắng Hà Nội Điện Biên Phủ trên không là cơ sở góp phần cho thắng lợi ở Hiệp định Paris, đạo diễn Trần Duy Nghĩa là người có mặt ghi lại những hình ảnh khi ký kết Hiệp định. Ông hãy nói về những thước phim lịch sử đó?

Đạo diễn Trần Duy Nghĩa: Cấp trên cử tôi và anh Phạm Khắc đi theo phái đoàn sang Paris. Anh Phạm Khắc là đảng viên, người từ trong chiến trường miền Nam ra, cũng là người tham gia bộ phim Hà Nội Điện Biên Phủ. Còn tôi, từ nhỏ đã thông thạo tiếng Pháp, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng hơn là vì tôi đã tham gia làm bộ phim Hà Nội - Điện Biên Phủ, có kinh nghiệm về biên tập làm phim nên cấp trên mới cử tôi đi.

Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Paris bằng máy bay IL18 của Hàng không dân dụng Việt Nam phải qua nhiều chặng từ Hà Nội đến Moskva, từ đó mới đến Pháp. Khi đoàn xuống sân bay, rất nhiều Việt kiều và người Pháp đã đứng đợi. Họ hô vang những khẩu hiệu ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hòa bình cho Việt Nam. Lúc đó, mỗi người chúng tôi đến đều được tặng một bó hoa.

Khi ký kết Hiệp định, ở bên ngoài hội nghị quần chúng tập trung rất đông vẫy quốc kỳ Việt Nam và cờ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tôi sử dụng một máy quay để quay phía ngoài. Anh Phạm Khắc tác nghiệp phía trong để quay việc ký kết Hiệp định.

Khi tôi cùng anh Phạm Khắc làm phim về Hiệp định Paris, tôi phỏng vấn thêm nhiều nhân vật người Việt và Pháp đã phục vụ phái đoàn Việt Nam trong suốt thời gian ở Paris.

Thảo Vy - Yên Khương
Thể thao & Văn hóa

Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội Điện Biên Phủ trên không, Hội Nhà báo Việt Nam đã tặng và truy tặng bằng khen cho 5 thành viên làm phim Hà Nội - Điện Biên Phủ.

Cụ thể, Hội đã truy tặng bằng khen cho hai nhà báo Phạm Khắc (đạo diễn, quay phim) và Phan Thế Hùng (quay phim); tặng bằng khen cho 3 nhà báo: Phạm Việt Tùng (đạo diễn, quay phim), Nguyễn Anh Dũng (quay phim) và Trần Duy Nghĩa (đạo diễn) vì đã thực hiện những thước phim lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, đánh thắng B-52, tháng 12 năm 1972.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm