Nadal vô địch Roland Garros: "Ta là một, là riêng, là thứ nhất"

06/06/2011 07:03 GMT+7 | Tennis

(TT&VH Online) - 7-5, 7-6 (3), 5-7, 6-1. Sau 3h40’, Nadal đã vượt qua Federer để một lần nữa trở thành “nhà vua” của Roland Garros.

Lần thứ 18 Nadal đánh bại Federer sau 26 lần gặp nhau giữa họ. Trận chung kết thứ 4 ở Roland Garros Nadal đụng Roger và lần nào anh cũng khiến “Tàu tốc hành” trật bánh. Trận chung kết Grand Slam thứ 6 trong sự nghiệp Nadal đánh bại Federer sau 5 lần trước ở Roland Garros các năm 2006, 2007, 2008; Wimbledon 2008 và Australia mở rộng 2009. Những con số “biết nói” về một trong những tay vợt siêu việt nhất mà thế giới banh nỉ từng chứng kiến trong kỷ nguyên đương đại. Trong 220 phút giao đấu ở Paris, Federer đã làm tất cả những gì có thể để biến giấc mơ vô địch Grand Slam thứ 17 trong sự nghiệp thành sự thật. Nhưng giấc mơ ấy cuối cùng vẫn chỉ là chiêm bao. Đơn giản là những bước chạy nhanh như gió, thần kinh thép cùng những tuyệt kỹ của Nadal đã khiến Roger một lần nữa phải đối mặt với hiện tại phũ phàng.

Federer thất bại như thế nào?

Nadal vô địch Roland Garros 2011 - Ảnh Getty

Chúng ta cùng “quay chậm” một số khoảnh khắc “định mệnh” đã một lần nữa khiến Federer phải rời Paris trong buồn bã. Game 8 set 1, cú passing không thể cản phá của Nadal giúp anh giúp ngắn tỷ số còn 5-3. Game 9, Federer tung ra 2 đòn tấn công cực hiểm. Đầu tiên là cú đánh dọc dây nhưng những bước chạy thần tốc của Nadal đã khiến nó bị vô hiệu hóa. Federer tiếp tục tung đòn “sát thủ” bằng cú backhand chéo sân đưa bóng ăn ra mang. Nhưng  tốc độ di chuyển nhanh đến chóng mặt của Nadal đã giúp anh không chỉ cứu được bóng mà còn phản công bằng cú passing hủy diệt khiến Federer bắt vô lê chéo sân mắc lưới. Nadal giành break và giúp ngắn tỷ số còn 4-5. Game 10, Federer thực hiện 2 cú vung trái hỏng liên tiếp và Nadal quân bình tỷ số 5-5. Game 11, Nadal tung ra 2 cú passing kinh điển còn cú forehand của Federer mắc lưới. Tỷ số là 6-5. Game 12, Federer lại thực hiện hỏng liên tiếp 2 cú vung trái còn Nadal tung cú forehand quyết định đưa bóng ăn ra mang. Tỷ số là 7-5.

Set 2, Nadal chỉ thắng được Federer sau loạt tie-break. Nhưng điều đó không có nghĩa là tay vợt Thụy Sĩ chơi hay hơn set 1. Trái lại, Federer mắc lỗi quá nhiều, cả backhand lẫn forehand. Ngay cả trong không ít trường hợp ở vào tư thế rất thuận lợi, tay vợt số 3 thế giới vẫn đánh hỏng. Đỉnh điểm của nỗi thất vọng ấy là ở loạt tie-break. Những cú service uy lực và hiểm hóc từng góp phần quan trọng giúp Federer vượt qua Djokocic trong 2 loạt tie-break ở trận kết đã biến mất trong loạt “đấu súng” sinh tử này. Tay vợt Thụy Sĩ đánh hỏng tới 4 cú forehand dù ở vào tư thế thuận lợi. Cái giá phải trả là thất bại 3-7 và anh tiếp tục để Nadal thắng 7-6 ở set 2 này. Set 3, Federer thắng lại 7-5 nhưng đó cũng chính là tia sáng cuối cùng của “ngôi sao băng” người Thụy Sĩ trên bầu trời Paris.

Set 4, Nadal giành break ở game 4 và dẫn 3-1 sau 2 cú forehand hỏng liên tiếp của Federer. Game 6, Nadal lại giành break và dẫn 5-1 sau khi Roger vung trái hỏng. Những sai lầm định mệnh ấy khiến tay vợt Thụy Sĩ thua đến 1-6 ở set này và đưa Nadal lên đỉnh vinh quang. Như vậy, có thể thấy 3 điểm then chốt dẫn đến thất bại của Federer là giao bóng không tốt (ít ra là so với trận bán kết gặp Djokovic), những cú backhand mắc lỗi vào những thời điểm mang tính bước ngoặt của set đấu. Cuối cùng, ngay cả những cú forehand, Federer chỉ còn là bản sao hết sức nhạt nhòa của chính anh những ngày tháng đỉnh cao. 56 lỗi đánh hỏng mà Federer mắc phải trong trận chung kết (Nadal chỉ mắc 27 lỗi) là minh chứng sinh động cho trận đấu đầy khiếm khuyết của anh.

Họ đã chơi với chiến thuật nào?

Federer vẫn chơi với những "ngón nghề" mà chúng ta thường thấy. Cố gắng giành điểm ngay từ pha giao bóng lần 1 để hạn chế bớt việc phải tiêu hao năng lượng trong những pha đánh giằng co, ép trái Nadal khi có thể, thực hiện những cú  forehand rồi backhand chéo sân lẫn dọc dây, bỏ nhỏ, lên lưới... Tất cả mọi cú quả đều đã được anh sử dụng. Đáp lại, Nadal thường chọn cách tấn công và cả phòng ngự từ dưới vạch baseline. Để hạn chế mối hiểm họa từ những cú service của Federer, tay vợt Tây Ban Nha thường đứng dưới vạch baseline. Vị trí đứng đó kết hợp với tốc độ di chuyển cực nhanh đã giúp Nadal hóa giải được nhiều pha bóng tấn công bằng đủ mọi chiêu bài của Federer.

Về phần mình, tay vợt Tây Ban Nha một lần nữa cho thấy sức mạnh và sức bền thể lực cực kỳ đáng nể của anh. Những cú passing-shot và thuận tay của Rafa vẫn còn nguyên thương hiệu của nó. Nhưng bên cạnh những vũ khí quen thuộc đó, Rafa còn khiến chúng ta phải trầm trồ bởi ngay cả những cú trái tay của anh cũng ngày càng hoàn thiện. Thế nên, dù vẫn có những khoảnh khắc Federer đánh lừa được Nadal hoặc tung ra những cú đánh mà Rafa không thể chống lại nhưng về cơ bản, tay vợt Tây Ban Nha thực sự đã khiến Roger cảm thấy bất lực trong gần như mọi cách tiếp cận trận đấu của anh. Nadal quá khỏe, quá nhanh mà vẫn vô cùng mềm mại, kỹ thuật khiến cho Federer trong nhiều thời điểm của trận chung kết gần như chỉ còn trông đợi ở những cú service lần 1 để giành điểm.

Chào Rafa, chào Roger

Ngày 3/6 vừa qua, Rafa tròn 25 tuổi. 2 ngày sau đó, Nadal ăn mừng sinh nhật muộn của mình bằng chiếc cúp vô địch Grand Slam thứ 10 trong sự nghiệp và là thứ 6 ở Roland Garros. Ở vào tuổi ấy, Federer cũng “chỉ” có thể “tốc hành” tới 7 chiến thắng ở những giải lớn. Trong “ngôi đền thiêng” dành cho những tay vợt nam vĩ đại nhất thế giới của mọi thời, Rafa giờ đã sánh ngang Bill Tilden ở vị trí thứ 5 trong số những các chuyên gia “sưu tầm” nhiều danh hiệu vô địch Grand Slam nhất mọi thời đại.

Kỷ lục 6 lần vô địch Roland Garros giờ không còn là “độc quyền” của riêng Bjorn Borg vì Nadal đã chạm tới cột mốc huy hoàng ấy ở mùa xuân thứ 25 của cuộc đời. 25 tuổi tim đang dào dạt máu. 25 tuổi hồn quay trong gió bão. 25 tuổi, gân đang săn và thớ thịt căng da. Rafa sẽ không dừng lại vì một “võ sỹ giác đấu” không bao giờ ngủ quên trên vinh quang. 4 thất bại trong 4 trận chung kết Masters 1000 trước Djokovic không đánh bại được ý chí sắt đá của anh. Federer huyền thoại không làm anh gục ngã. Vì anh là Nadal, “sát thủ” Grand Slam tuổi 25. Anh là một, là riêng, là thứ nhất. Ngôi số 1 thế giới vẫn là của anh. Chào Rafa, quyền lực tối thượng của Roland Garros đương đại.

Chào Roger. Kinh đô anh sáng thêm một lần buồn bã nhìn bóng anh khuất xa trong buổi hoàng hôn của sự nghiệp. Chiếc đồng hồ Thụy Sĩ đã không còn chạy nữa sau những vòng quay cuối cùng đúng với thương hiệu của nó ở Australia mở rộng 2010. Nhưng hàng triệu người người đã từng yêu mến một Roger thanh lịch, tài hoa với nụ cười hiền từ không muốn tin đó là sự thật. 16 chiếc cúp vô địch Grand Slam của tất cả các giải. Tay vợt vĩ đại nhất thế giới của mọi thời. Hơn 62 triệu euro tiền thưởng trong  ngân khoản. Một gia đình hạnh phúc. Cuộc sống này đã cho anh thật nhiều và anh xứng đáng với tất cả những đặc ân đó.

Nhưng Federer chưa muốn dừng lại mà tuổi tác lại trở thành kẻ thù của mọi bậc quái kiệt, anh hào. Thế nên, hàng triệu con tim đã đập vì anh của một thời vang bóng giờ không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, bâng khuâng khi Roger không còn “tốc hành” như những ngày xưa nữa. Một huyền thoại đương đại đang tạm biệt chúng ta. Nhưng thực ra anh không đi đâu cả. Federer đơn giản là đang bước chân vào lịch sử, đang đi vào nỗi nhớ của hàng triệu người hâm mộ anh khắp thế giới này đó thôi. Ở Paris, nỗi buồn là có thật. Nhưng không có cú sốc nào. Niềm vui lớn nhất của người hâm mộ bây giờ là còn được thấy Roger bước ra sân đấu. Đơn giản, chỉ thế thôi.

HT


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm