09/08/2011 14:03 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Tại cuộc tọa đàm về Tranh biếm họa, trong khuôn khổ cuộc triển lãm cùng tên, vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo khẳng định: "Vị trí của tranh biếm họa rất lớn, không thể phủ nhận, nhưng nó được đặt chưa đúng vị trí vốn có trong đời sống và cả trong Hội Mỹ thuật VN, vì ngay cả tôi cũng chưa bao giờ viết một bài phê bình nào về biếm họa cả!"
Tại sao lại như vậy? Theo ông Bảo, tranh biếm họa chưa được quan tâm do cả 2 phía: phía tổ chức (Hội Mỹ thuật VN) và phía các tác giảnhững người có quyền xin đầu tư sáng tác, tài trợ làm tác phẩm... Cứ khoảng 5 - 7 năm, Hội Mỹ thuật VN mới tổ chức một cuộc triển lãm về biếm họa. Và sau mỗi triển lãm, rất nhiều ý kiến đánh giá về vai trò, vị trí, ý nghĩa, giá trị nghệ thuật tầm quan trọng của tranh biếm họa... với đầy những sự thiết tha. Những ngôn từ đẹp nhất, hay ho nhất, đều thuộc về biếm họa, nhưng sau đó, đâu lại để đó. Rồi 5-7 năm sau, lại một cuộc triển lãm, lại hội thảo và gặp lại nhau, lại những ngôn từ đẹp... Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở lời nói, mà phải làm thế nào để biến tất cả lời nói, tất cả những giá trị ấy không phải để tôn vinh, mà để công chúng tin tưởng...
Vẽ biếm họa rất khó
Nhưng xét về bản chất, biếm họa là thể loại mang tính hài hước, thâm sâu. Nghệ sĩ phải tìm cái xấu để tạo ra cái đẹp, cho nên vẽ tranh biếm họa khó. Cái khó nữa, so với các họa sĩ vẽ tranh phong cảnh, chân dung... các họa sĩ biếm họa không phải lúc nào cũng được công nhận, đánh giá đúng giá trị. Các giải thưởng lớn như: Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh không dành cho biếm họa. Giải thưởng trong các cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc, đến nay cũng chỉ lác đác vài người... “Tôi nhìn ra rằng, lực lượng kế cận về biếm họa của chúng ta bây giờ không còn nữa. Tất cả khiến biếm họa gặp nhiều khó khăn’’- ông Bảo nói.
Họa sĩ Hoàng DZự (Dzím) thì cho rằng: Sau khi đất nước thống nhất đến nay, biếm họa VN có bước phát triển khá mạnh. Tuy nhiên so với văn học, kịch... thì biếm họa vẫn kém phần sôi nổi và quyết liệt. Còn hiện tại, biếm họa nổi cộm một số hạn chế như: chỉ tập trung vào việc giễu cợt, phê phán các tệ nạn xã hội, những bức xúc đời thường, nhưng không đi vào bản chất sự việc, đồng thời thiếu tính sáng tạo trong cách thể hiện nên dẫn đến trùng lắp, nhàm chán. Đặc biệt, biếm họa cũng thiếu tính dự báo, mà phần đông chỉ chờ có sự kiện xấu xảy ra mới tập trung "đánh hội đồng", bởi vậy, biếm họa chưa được sự tôn trọng cao của bạn đọc.
Nguyên nhân của những hạn chế này, theo họa sĩ Hoàng Dzự là do quá thiếu báo đăng biếm họa. Hiện tại biếm họa cũng không được nhà văn hóa ở các cấp, các nhà triển lãm của các Hội Văn hóa nghệ thuật ưu ái, dành những không gian, thời gian cần thiết để trưng bày.
Công lao động quá ít ỏi
Họa sĩ Lý Trực Dũng- "curator" của triển lãm biếm họa này thì cho rằng: Đã 8 năm rồi các họa sĩ biếm mới có được một triển lãm hoành tráng như thế này. Trong bối cảnh những năm gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, biếm họa xuống cấp trầm trọng và không được để ý, Hội Mỹ thuật VN có cuộc triển lãm kịp thời này là rất tốt. Với tư cách là một người vẽ, tôi thích nhất là được thấy người xem đến đây quan tâm, hỏi han, cười nói... Nếu các họa sĩ biếm chúng ta mà mang được một tiếng cười bổ ích, có tính chất xây dựng, để hoàn thiện xã hội thì với tôi là niềm vinh dự lớn"
Một số tranh biếm trưng bày tại triển lãm
Tại tọa đàm, họa sĩ Lý Trực Dũng khẳng định: báo chí đóng góp rất tích cực trong việc phát triển biếm họa. Ông cho rằng, trang 16 báo Văn nghệ và Tuổi trẻ cười từng là những tờ báo tiên phong lôi kéo nhiều họa sĩ biếm và họ cũng thành danh từ đó. Gần đây Thể thao &Văn hóa - thuộc TTXVN là tờ báo đầu tiên đã cố gắng khởi động lại phong trào biếm họa bằng các cuộc thi biếm họa năm 2008, năm 2010 và sắp tới là 2012.
Nhưng theo ông Dũng, những năm 1960, vẽ một bức tranh biếm họa được 5 đồng, trong khi lương công chức bình thường chỉ có 50 đồng, tức là 1 bức tranh bằng 1/10 lương. Còn bây giờ, đăng một bức tranh trên báo Tuổi trẻ cười chỉ được 100 ngàn đồng, cao nhất thì cũng chỉ được đến 150 ngàn đồng, thì công lao động của họa sĩ biếm là quá ít ỏi. Chưa nói đến việc so sánh với các thể loại mỹ thuật khác, hay vẽ biếm họa ở các nước phương Tây...
Những tin vui đến
Tại tọa đàm, đại diện tạp chí Mỹ thuật cho biết, sẽ dành hẳn 1 trang trong mỗi số tạp chí để in tranh của các họa sĩ biếm. Ban đầu là tất cả tranh trong triển lãm này. Sau này các họa sĩ biếm muốn in tranh, chỉ cần mail và gửi tranh đính kèm đến tạp chí sẽ được đăng tất cả.
Đặc biệt, Hội Mỹ thuật VN quyết định đầu tư hỗ trợ sáng tác cho 6 họa sĩ là: Đặng Nhân, Văn Thanh, Lý Trực Dũng, Lê Phương, Văn Quỳnh, Trần Quyết Thắng.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật và Triển lãm còn ngỏ ý muốn mượn toàn bộ các tác phẩm trưng bày tại triển lãm này để trưng bày tại nhiều khu vực khác trong cả nước.
Tới đây, Hội Mỹ thuật VN sẽ lên kế hoạch cùng Hội Nhà báo VN lập ra những CLB biếm họa, đồng thời 2 hội sẽ thay phiên nhau mỗi năm tổ chức triển lãm 1 lần, nhằm nuôi dưỡng đam mê, để biếm họa có những bước phát triển mới.
Hoa Chanh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất