Bia tiến sĩ được UNESCO vinh danh

10/03/2010 11:19 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chiều 9/3, tại Macao, Trung Quốc, trong phiên họp toàn thể thường niên Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, hồ sơ Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Như vậy, sau mộc bản triều Nguyễn, bia tiến sĩ Văn Miếu là di sản tư liệu thứ 2 của Việt Nam trở thành Di sản tư liệu thế giới trong chương trình “Ký ức thế giới” của UNESCO.

Từ hồ sơ “thế chỗ” cho bộ ảnh Đông Dương

Hành trình trở thành Di sản tư liệu thế giới của bia tiến sĩ Văn Miếu cũng khá đặc biệt. Ít ai biết rằng, trong những đợt đề cử đầu tiên (năm 2007, 2008), chúng ta chưa hề nghĩ đến bia tiến sĩ Văn Miếu, mà đã đề cử hai di sản khác là mộc bản triều Nguyễn (đã được công nhận năm 2009) và bộ ảnh cổ về Đông Dương. Tuy nhiên, qua thăm dò ý kiến của các chuyên gia UNESCO khi “bảo vệ thử” các di sản, chúng ta đã quyết định gác lại đề cử bộ ảnh Đông Dương mà thay vào đó là lập hồ sơ 82 bia tiến sĩ. Lý do là bộ ảnh Đông Dương không đáp ứng được những tiêu chí hàng đầu của danh hiệu này là phải có tính nguyên vẹn và tính độc bản. Trong khi đó hệ thống bia tiến sĩ Văn Miếu không những đáp ứng được các tiêu chuẩn trên, mà khi so sánh với các “di sản tư liệu thế giới’ cùng loại từng được công nhận trước đây (như di sản “bảng vàng tiến sĩ” của Trung Quốc), thì nhiều chuyên gia UNESCO đều công nhận là bia tiến sĩ Văn Miếu rất khác biệt và độc đáo.


Bia tiến sĩ Văn Miếu ngày nay
Bia tiến sĩ đã được đánh giá cao ngay trong lần “bảo vệ thử” đầu tiên. Tuy nhiên để giành chiến thắng trong ngày hôm qua, hồ sơ bia tiến sĩ phải trải qua quá trình xây dựng hàng năm trời với các cuộc hội thảo lớn, nhằm lấy ý kiến của các nhà khoa học, làm rõ các giá trị của các bia tiến sĩ. Hồ sơ bia tiến sĩ Văn Miếu đã khẳng định đây là pho “sử đá” đồ sộ vinh danh tên tuổi những người đỗ trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ triều Lê và Mạc. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến 1779.  Có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi được dựng.

Không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê - Mạc, bia tiến sĩ Văn Miếu còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam, thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài. Ngay ở tấm bia đầu tiên (khoa 1442) đã chỉ rõ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”, bản dịch.


Bia tiến sĩ Văn Miếu khi chưa dựng nhà bia
Những điều ít biết xung quanh 82 tấm bia

So với các bia tiến sĩ ở Trung Quốc, thì hình thái bia tiến sĩ Văn Miếu của Việt Nam rất khác. Theo quan niệm của các cụ ta ngày xưa, rùa là biểu tượng cho sự trường tồn, vĩnh cửu, cho nên khác với Trung Quốc, bia tiến sĩ Văn Miếu được đặt trên lưng rùa và trở thành những tập sách đá vĩnh cửu. Các bia tiến sĩ của Trung Quốc thường được trang trí giống nhau và khá công thức, trong khi 82 bia tiến sĩ Văn Miếu không theo một công thức nhất định nào mà hết sức đa dạng, phóng khoáng theo thẩm mỹ của người nghệ sĩ Việt Nam. Các bia này chia thành 3 dạng chính, tiêu biểu cho 3 thời kỳ khác nhau. Có những bia in đậm dấu ấn nghệ thuật của đạo giáo với sự xuất hiện của các hoa văn sừng tê, bánh xe... Có bia mang tính “khuyến nông”, thể hiện hình tượng người đi cày, con trâu, con bò và các loài vật quen thuộc như chim, vịt, cò... Như chúng ta đều biết là ngoài việc ghi danh những người đỗ đạt, bia tiến sĩ Việt Nam còn có các bài bi ký, ghi lại lịch sử các khoa thi, thể hiện quan niệm “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, đề cao trí thức, biểu dương các triều đại tổ chức thi cử. Nhưng đồng thời các bài văn bia cũng thể hiện những sự răn dạy đối với các trí thức vừa đỗ đạt cần phải giữ gìn nhân cách, danh tiếng, đừng để người đời sau chê cười. Lời dạy không bao giờ cũ cả.

Trong 82 bia tiến sĩ cũng có khoảng 10 bia không có bi ký, đối chiếu theo thời gian thì hầu hết đó là những tấm bia được dựng vào các thời tao loạn. Phải chăng vì giữa buổi tao loạn ấy cho nên những người dựng bia không muốn thể hiện “chính kiến” của họ, nên không viết bia ký?

Để ý sẽ thấy trên một số tấm bia đá có dấu vết bị đục chữ. Đây là một dấu ấn lịch sử nghiệt ngã còn lưu lại. Theo một nhà nghiên cứu, một số chữ bị đục là liên quan đến nhà Trịnh hay một số người đỗ đạt làm quan thời Trịnh từng mang quân “chinh phạt” chúa Nguyễn. Nhưng nhìn chung là việc đục bia có tính chất “cảnh cáo”, bởi những nhát đục rất sơ sài, người đời sau vẫn luận ra chữ bị đục.

Phát biểu tại lễ trao bằng công nhận di sản tư liệu thế giới, ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Ủy viên Hội đồng chấp hành UNESCO khóa 2009-2013 đã thay mặt Chính phủ Việt Nam bày tỏ sự cám ơn và đánh giá cao tinh thần làm việc công minh, nghiêm túc của MOWCAP đối với việc công nhận hồ sơ bia đá các khoa tiến sĩ thời Lê - Mạc là di sản tư liệu thế giới. Ông Sơn khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo tồn có hiệu quả và phát huy một cách bền vững giá trị của các loại hình di sản trong đó có di sản tư liệu, qua đó đóng góp tích cực và chủ động vào các hoạt động trên mọi lĩnh vực của UNESCO ở cấp khu vực và quốc tế.

Trung Sơn (P/v TTXVN tại Hong Kong)

Trước khi trùng tu Văn Miếu trong thời hiện đại, khu bia tiến sĩ không có nhà bia (mái che). Câu hỏi đặt ra là khu bia tiến sĩ có nhà bia hay không? Câu trả lời là “nguyên gốc” khu bia tiến sĩ luôn có nhà bia, nhưng trải qua hàng trăm năm, bởi chiến tranh, loạn lạc hoặc do khí hậu khắc nghiệt, mà các nhà bia bị phá hoại hoặc bị hỏng. Có giai thoại vào cuối thế kỷ 18, do loạn lạc nên nhà bia bị đổ sập. Dân làng và các nhân sĩ trong làng đã làm đơn tâu lên vua Quang Trung xin dựng lại nhà bia. Vua Quang Trung hứa là sẽ cho khôi phục lại, nhưng lời hứa của vị minh quân này chưa kịp thực hiện thì triều Tây Sơn đã không còn tồn tại. (Giai thoại này nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đọc được trong một tài liệu của cụ Trần Văn Giáp). Điều đó càng cho thấy là nhà bia có thể hỏng, nhưng bia đá thì mãi trường tồn với thời gian.


Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc kể lại rằng trước đây đã từng vớt được một con rùa đá dưới hồ, rất có thể là đế của tấm bia tiến sĩ thứ 83? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Dẫu vậy 82 bia đá vẫn là những tập tài liệu nguyên gốc, chính xác nhất về lịch sử khoa bảng Việt Nam.

Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm