01/02/2015 06:06 GMT+7 | Tennis
(Thethaovanhoa.vn) - Nguyễn Văn Phương, tay vợt trẻ vừa lập cú “poker” danh hiệu ở giải U14 ITF nhóm 2 châu Á vừa qua, được các HLV nhận định là rất có tương lai. Văn Phương được dự báo là sẽ còn tỏa sáng hơn nữa, thậm chí có thể còn hơn cả đàn anh Lý Hoàng Nam.
Chính nhờ sự xuất sắc của Văn Phương mà quần vợt Việt Nam được là đội duy nhất lên chơi giải U14 ITF nhóm 1 năm 2016. Ngoài ra ở giải U14 ITF nhóm 1 tại Bangkok (Thái Lan) tới đây, Văn Phương được chờ đợi sẽ mang về tin vui cho quần vợt nước nhà.
Không như nhiều địa phương khác, chỉ trông chờ vào khả năng của các VĐV rồi “bốc” lên đại diện nơi đó đi đánh giải lấy thành tích, thành công của Hoàng Nam hay Văn Phương mới đây là điển hình cho cách làm bài bản, nhẫn nại của Becamex.
Văn Phương và Hoàng Nam là 2 trong số 18 tay vợt được đầu tư trọng điểm của “lò” Becamex. Tất cả các tay vợt được BHL lựa chọn đều thể hiện được tài năng, nhưng để tìm ra những con người tốt nhất là cả một quy trình đầu tư công phu và tất nhiên, không khỏi tốn kém.
Với Hoàng Nam, lãnh đạo Becamex từng chia sẻ đã tốn không dưới 1 tỷ đồng chi phí để tay vợt người Tây Ninh phát triển tài năng. Còn Văn Phương, dù chi phí không đắt đỏ bằng đàn anh nhưng để trưởng thành, đơn vị chủ quản của cậu bé sinh năm 2001 cũng không thể ngồi yên.
HLV Thanh Nhẫn cho biết: “Do hệ thống thi đấu của quần vợt Việt Nam dành cho các VĐV mỗi năm chỉ có 3 giải là năng khiếu, thanh thiếu niên toàn quốc và các tay vợt xuất sắc, nên chừng đó là không đủ để các VĐV cọ xát, nâng cao khả năng. Vì thế nỗi năm Becamex phải đưa các VĐV trẻ của mình ra nước ngoài tập huấn thêm. Địa điểm chúng tôi thường chọn là Thái Lan, Malaysia, vì ở Thái Lan, họ có hệ thống thi đấu giải trẻ cho các VĐV đủ lứa tuổi từ U8, U10, U12, U14, U16-U18 đánh chung, mỗi tháng có đến 2 giải. Trung bình 1 năm, các VĐV được sang Thái Lan 6 lần để tập huấn. Mọi chi phí đều do đơn vị chủ quản lo trọn gói”.
“Những năm trước, Văn Phương chỉ đánh các giải thuộc nhóm 4, 5 của ITF và phải đi xa. Liên đoàn quần vợt Việt Nam không được tổ chức nhiều giải của ITF nữa nên cũng khó khăn cho các VĐV Việt Nam. Trước giải U14 nhóm 2 châu Á mới đây, Phương đã được đưa sang Florida (Mỹ) tập huấn 2 tháng. Phương đánh giải Đại hội TDTT toàn quốc tốt hơn rõ rệt và thành công luôn ở giải nhóm 2 châu Á. Trong năm 2015, dự tính Phương sẽ tham gia 25 giải ở trong và ngoài nước để học hỏi thêm”, ông Nhẫn nói.
Vào lò đào tạo từ năm 8 tuổi, Văn Phương hàng ngày tập luyện đều đặn theo giáo án của BHL. Hàng ngày từ 7h30 đến 11h sáng là thời gian tập. Buổi chiều, Văn Phương theo học văn hóa bình thường với bạn bè.
Không giống như Hoàng Nam, chấp nhận học bổ túc buổi tối để theo đuổi quần vợt chuyên nghiệp (tập ngày 2 buổi sáng chiều), Văn Phương vẫn theo học lớp chính quy. Những khi cần tăng thể lực, Văn Phương phải tập thêm cả buổi tối. Gia đình Văn Phương đang kinh doanh quán ăn trên địa bàn Bình Dương nên cũng tạo điều kiện hết mức cho con theo đuổi đam mê.
Việt Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất