Lần đầu tiên opera 'Cô Sao' về Sơn La

25/03/2014 08:45 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - Lần thứ 4 ra mắt công chúng nhưng là lần đầu tiên, vở nhạc kịch đầu tiên của nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam - Cô Sao - của nhạc sĩ Đỗ Nhuận “về nguồn” với đồng bào trong hai đêm diễn 25, 26/3 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La.

1. Không chỉ là một tác phẩm đánh dấu mốc cho nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam ở thể loại lớn: opera (nhạc kịch) khi được viết theo chuẩn mực của nhạc kịch quốc tế với giọng hát (theo lối bel canto), hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng và múa ballet; cốt truyện, kịch bản, ca từ, âm nhạc, tổng phổ đều do nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác; opera Cô Sao còn có một vị trí đặc biệt đối với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, bởi nó gắn liền với lịch sử dân tộc qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Sơn La.

Khi tham gia kháng chiến và bị giam cầm ở nhà tù Sơn La, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã “ấp ủ” vở opera Cô Sao từ hình tượng cô gái Thái xinh đẹp. Sau đó, cảm hứng từ hai câu thơ: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã “lên khuôn” tác phẩm trong suốt 3 năm, từ 1960 đến 1963.


Một cảnh trong opera Cô Sao bản diễn đầu tiên

Với chủ đề cách mạng giải phóng con người, opera Cô Sao là một trong những tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Tổng thư ký đầu tiên Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Sinh ra ở vùng núi Tây Bắc, Cô Sao (A Sao) là một cô gái Thái xinh đẹp nhưng sớm mồ côi cha mẹ. Khi bị kẻ xấu vu oan là có ma trong người, A Sao phải trốn vào rừng. Tại đây cô gặp những chiến sĩ hoạt động cách mạng - những người đã giúp cô có thêm niềm tin, vượt lên trên số phận.

2. Mỗi lần công diễn, opera Cô Sao luôn có cơ hội “khoác” lên mình những “chiếc áo” mới.

So với lần công diễn đầu tiên nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng Thủ đô 1965, lần công diễn thứ hai, sau khi đất nước thống nhất năm 1976 tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh đã được trình bày ở phiên bản ngắn gọn hơn.

Phiên bản thứ 3, sau 36 năm vắng bóng, năm 2012, vở diễn đã được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phục dựng hơn 1.000 trang tổng phổ biên soạn và nâng cao, do tổng phổ gốc bị mất. Tác phẩm đã ra mắt khán giả thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Với hai đêm diễn vào 25, 26/3, opera Cô Sao sẽ lần đầu ra mắt công chúng khu vực Tây Bắc, đặc biệt là đến với mảnh đất và đồng bào Sơn La dựa trên phiên bản 3.

Cũng chính vì đây là nơi “đất mẹ” của tác phẩm với không gian của núi rừng, nhà sàn, hoa ban… nên lúc đầu, ê-kíp chương trình từng có ý định thay đổi về mặt sân khấu khá nhiều so với những lần công diễn trước: sử dụng nghệ thuật sắp đặt với không gian ngoài trời có những khối đá có sẵn, sử dụng hoa ban thật, thậm chí muốn diễn vở ngay trước nhà tù Sơn La. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan về thời tiết, âm thanh, khán giả… nên vở được chọn diễn tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La (khán phòng với sức chứa 500 người).

Lần công diễn thứ 4 này sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2012, ê-kíp diễn viên chính vẫn là ca sĩ Hà Phạm Thăng Long, Mạnh Dũng. Tuy nhiên, quy mô của dàn nhạc và dàn hợp xướng sẽ thu nhỏ còn một nửa (100 nghệ sĩ) để phù hợp với sân khấu nhỏ. Trình diễn trong thời lượng 2 tiếng, 3 phân cảnh, tác phẩm được thực hiện bởi ê-kíp: nhạc trưởng Tetsuji Honna, đạo diễn sân khấu Huyền Nga, đạo diễn âm nhạc Đỗ Hồng Quân, chỉ huy hợp xướng Mạnh Chung, biên đạo múa NSND Phạm Anh Phương...

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, việc đưa opera Cô Sao về nơi “nguồn cội” của tác phẩm có nhiều ý nghĩa sâu sắc: thỏa ước nguyện của tác giả Đỗ Nhuận lúc sinh thời cũng như niềm mong mỏi của nhân dân muốn đưa Cô Sao về với Sơn La. Ngoài ra, đây là lần đầu loại hình nghệ thuật hàn lâm này đến với nhân dân vùng cao, và đây cũng là lời tri ân gửi đến các thế hệ chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu và hy sinh ở mảnh đất này, nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lam Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm